Những sai lầm của cha mẹ khi sử dụng bỉm cho con

Nuôi dạy con - 10/04/2024

Sử dụng bỉm mang lại nhiều lợi ích cho cả trẻ nhỏ và người chăm sóc. Tuy nhiên nếu dùng bỉm không đúng cách thì sẽ gây hại cho trẻ.

Hiện nay, bỉm trở thành vật dụng không thể thiếu của trẻ nhỏ. Tuy được sử dụng nhiều, nhưng không phải bậc cha mẹ nào cũng biết cách sử dụng khoa học, đảm bảo sự an toàn cho con, đôi khi, sử dụng thiếu hiểu biết có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

Dưới đây là những sai lầm trong dùng bỉm mà người chăm sóc trẻ nhỏ hay mắc phải.

Dùng bỉm quá lâu

Ngày 2/11/2018, ông bố Zachary Paul Koehn và bạn gái Harris, ở Mỹ ra hầu toà sau khi bị buộc tội vô trách nhiệm dẫn đến cái chết của cậu con trai 4 tháng tuổi Sterling Koehn vào năm 2017.

Khi kiểm tra tình trạng bé Sterling Koehn, các bác sĩ đã tìm thấy giòi trên người bé. Sterling Koehn đã không được tắm, thay bỉm, bế ra khỏi nôi hơn 1 tuần.  Do vậy, các chất bẩn trong bỉm ngấm qua da, xâm nhập vào đường huyết, gây nhiễm khuẩn nặng khiến cậu bé 4 tháng tuổi tử vong.

- Dùng bỉm trong thời gian dài

Theo khuyến cáo của các chuyên gia chăm sóc trẻ em cũng như các hãng sản xuất, 1 miếng bỉm không nên dùng quá 4 giờ. Do vậy khi cho con mặc bỉm, cha mẹ nên chú ý căn giờ để thay bỉm cho con.

Nếu bé chỉ tiểu tiện thì thời gian dùng 1 miếng bỉm khoảng 4 giờ, nếu bé đại tiện thì phải thay rửa luôn, tránh nhiễm khuẩn cho bé. Trong nhiều trường hợp, nếu trẻ tiểu tiện nhiều thì sẽ thay bỉm sớm hơn thời gian được khuyến cáo. Đối với trẻ sơ sinh, thời gian thay bỉm khi tiểu tiện khoảng 2-3 giờ/lần.

- Dùng bỉm cho trẻ trong suốt cả ngày

Với sự tiện lợi của bỉm, nhiều bà mẹ cho con mặc bỉm cả ngày. Điều này có thể khiến trẻ bị viêm da, hăm, nổi mụn, ảnh hưởng tới sức khỏe. Khi mặc bỉm, bị kín hơi, bó sát vào cơ thể, nên thân nhiệt của trẻ tăng hơn bình thường nên có thể ảnh hưởng đến tinh hoàn của bé trai.

Những sai lầm của cha mẹ khi sử dụng bỉm cho con

Bạn không nên dùng bỉm cho bé trong thời gian dài. Ảnh minh họa.

Dùng lại bỉm cũ

Nhiều bà mẹ tái sử dụng lại bỉm mà trẻ chưa tiểu tiện vào vì nghĩ miếng bỉm vẫn còn ‘sạch’.

Dù bỉm không bị ướt nhưng khi dùng trẻ vận động nhiều, ra mồ hôi, bài tiết da chết… khiến bỉm không còn sạch như lúc chưa sử dụng.

Khi mẹ cho trẻ dùng lại những miếng bỉm này, vô tình mẹ đã giúp lan truyền vi khuẩn cho xâm nhập trực tiếp vào cơ thể trẻ.

Chọn sai kích cỡ bỉm

Chọn đúng kích cỡ bỉm dựa trên cân nặng của trẻ sẽ giúp bé thoải mái, dễ dàng vận động.

Tuy vậy, nhiều mẹ có thói quen mua nhiều bỉm một lúc, nên khi con đã quá cân để sử dụng bỉm cũ, các mẹ vẫn cho dùng tiếp. Điều này không tốt cho trẻ, sẽ gây ra các vết hằn trên người, viêm da do mặc bỉm quá chật.

Hoặc trong nhiều trường hợp, mẹ dùng bỉm rộng hơn cân nặng của trẻ, sẽ khiến khi mặc bỉm bị xộc xệch, có thể rớt các chất thải.

Đóng bỉm sai cách

Những sai lầm của cha mẹ khi sử dụng bỉm cho con

Đóng bỉm đúng cách mới phát huy hết tác dụng của bỉm. Ảnh minh họa.

Nhiều mẹ do lần đầu sinh con nên chưa có nhiều kinh nghiệm sử dụng bỉm cho trẻ.

Đối với bé trai và bé gái sẽ có cách sử dụng bỉm khác nhau do cấu tạo bộ phận sinh dục không giống nhau. Mẹ nên sử dụng loại bỉm đúng với giới tính của trẻ để tận dụng được hết các tác dụng của miếng bỉm.

- Bé gái: mẹ chọn loại bỉm có độ dày tập trung ở vị trí trẻ có thể tiểu nhiều nhất và đóng bỉm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Bé trai: mẹ để bộ phận sinh dục của bé chúc xuống để khi tiểu tiện, nước tiểu không bị trào ra ngoài.

Dùng bỉm không rõ nguồn gốc xuất xứ

Trên thị trường có rất nhiều loại bỉm cho trẻ, bỉm sản xuất trong nước, cũng như bỉm nhập khẩu. Tuyệt đối, các mẹ không nên vì tiết kiệm tiền mà mua các loại bỉm ‘trần’, bỉm không có nhãn mác hoặc nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Những sản phẩm kém chất lượng này có thể gây bệnh cho trẻ.

Bỉm kém chất lượng có thể khiến trẻ bị mẩn ngứa, mề đay, da bị kích ứng, hăm da. Nhiều trường hợp bị nặng, trẻ có thể bị nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm nhiễm cơ quan sinh dục, nhiễm khuẩn đường máu có thể dẫn đến vô sinh hoặc tử vong.

Trần Huyền

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!