Những sai lầm khi chăm sóc người mắc sởi

Nuôi dạy con - 11/24/2024

Khi bị lên sởi, nhiều người đã có những sai lầm trong việc chăm sóc khiến bệnh nhân lâu khỏi hoặc bị biến chứng.

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng mang virus sởi của người mắc bệnh theo không khí thoát ra khi ho, hắt hơi, nói chuyện với người khỏe mạnh.

Bệnh sởi thường gặp ở trẻ trên 9 tháng tuổi, hay xảy ra vào mùa đông xuân, nhưng trong vài năm gần đây, bệnh sởi xảy ra quanh năm và kéo dài ở khắp các tỉnh thành trên cả nước.

Khoảng 2 tháng gần đây, dịch sởi bùng phát ở TP Hồ Chí Minh. Số ca mắc bệnh sởi tăng đột biến.

Bác sĩ Huỳnh Thị Thúy Hoa, Trưởng Khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, cho biết từ tháng 11 năm 2018 đến nay số bệnh nhân mắc bệnh sởi điều trị tại khoa Nội A tăng nhanh.

Tháng 10/2018 khoa Nội A tiếp nhận 76 trường hợp mắc bệnh sởi.

Tháng 12/2018 là 270 ca mắc bệnh sởi. Từ đầu năm, khoa điều trị mỗi ngày khoảng 60-70 ca mắc bệnh sởi. 

Hiện nay, bệnh viện có 65 bệnh nhân đang điều trị bệnh sởi, quá nửa là trẻ em và phụ nữ có thai. Số lượng bệnh nhân hiện nay gấp đôi tháng trước và tăng hơn 50 lần cùng kỳ.

Khi trẻ mắc sởi, cha mẹ cần chú ý chăm sóc và điều trị cho trẻ, để trẻ nhanh khỏi bệnh và không bị biến chứng.

Các triệu chứng khi mắc sởi

- Sốt cao trên 39 độ C.

- Ho khan, chảy nước mũi.

- Đau mắt đỏ, sưng mí mắt, chảy nước mắt.

- Sưng, đau khớp.

- Nổi phát ban.

- Nổi hạch ở cổ, sau tai.

Những sai lầm khi chăm sóc người mắc sởi

Trẻ mắc sởi. Ảnh minh họa.

Những sai lầm của phụ huynh khi chăm sóc trẻ lên sởi

- Kiêng gió, kiêng nước

Khi trẻ bị lên sởi, cha mẹ thường kiêng gió, kiêng nước bằng cách ủ kín trẻ, không vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Đây là sai lầm lớn dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng da cho trẻ. Nếu ủ kín quá, trẻ không thể hạ sốt, có nguy cơ co giật do sốt cao. Nếu trẻ không được tắm rửa sạch sẽ thì trẻ dễ bị nhiễm trùng da, biến chứng viêm phổi.

- Kiêng ăn uống các chất tanh

Nhiều bố mẹ quan niệm rằng khi trẻ ốm ăn chất tanh sẽ khiến trẻ khó tiêu hóa. Điều đó đúng khi ăn lượng thực phẩm chứa chất tanh nhiều và liên tục. Khi trẻ bị ốm, cơ thể mệt mỏi, trẻ thường biếng ăn. Lúc này trẻ cần được cung cấp đầy đủ các nhóm thực phẩm để đảm bảo dinh dưỡng, ưu tiên các món ăn mềm, dễ ăn và chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày.

- Không tiêm phòng sởi đầy đủ cho trẻ: do hệ miễn dịch của trẻ còn yếu, rất dễ mắc bệnh, nếu không được tiêm chủng phòng ngừa sởi đầy đủ, trẻ sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh, và gây lên dịch bệnh cho toàn xã hội khi có sự lây nhiễm chéo.

- Áp dụng các phương pháp dân gian truyền miệng chưa được các chuyên gia y tế chứng nhận.

Khi trẻ bị lên sởi, nhiều gia đình đã tắm nước hạt mùi cho trẻ. Đây là một sai lầm kinh điển. Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, Nguyên Chủ tịch hội Đông Y Việt Nam cho biết: khi trẻ bị sởi tuyệt đối không tắm hạt mùi. Chỉ có thể cho trẻ uống nước hạt mùi sắc. Việc phòng ngừa bằng rau mùi và hạt mùi cũng tốt nhưng chỉ có tác dụng phòng bệnh chứ không thể chữa bệnh.

Biến chứng của bệnh sởi

Bệnh có nhiều biến chứng có thể dẫn đến tử vong rất nhanh nếu không điều trị kịp thời.

- Biến chứng đường hô hấp: viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phế quản – phổi.

- Biến chứng thần kinh: viêm não – màng não – tủy cấp, viêm màng não.

- Biến chứng đường tiêu hóa: viêm niêm mạc miệng, cam mã tấu, viêm ruột.

- Biến chứng tai – mũi – họng: viêm mũi họng bội nhiễm, viêm tai – viêm tai xương chũm.

- Biến chứng do suy giảm miễn dịch: Trẻ dễ mắc thêm các bệnh khác: lao, bạch hầu, ho gà.

Phòng ngừa bệnh sởi

- Phòng bệnh bằng việc tiêm chủng vắc xin sởi. Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi mũi đầu khi trẻ được 9 tháng tuổi, mũi 2 khi trẻ được 18 tháng tuổi.

- Khi phát hiện trẻ mắc bệnh sởi, cần cách ly trẻ bị bệnh với trẻ chưa mắc bệnh.

- Thường xuyên tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn.

- Giữ vệ sinh nơi ở thông thoáng, sạch sẽ để hạn chế mầm bệnh.

- Khi tiếp xúc với người mắc sởi hoặc nghi ngờ mắc bệnh sởi, cần đeo khẩu trang để tránh lây bệnh.

Bố mẹ nên đưa con đi thăm khám khi có các dấu hiệu sau: sốt cao liên tục từ 39 – 40 độ C, trẻ bị nôn, không ăn uống được, co giật, lơ mơ, thở nhanh, khó thở, phát ban toàn thân nhưng vẫn sốt cao.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!