Những sai lầm phổ biến của bố mẹ khi chăm sóc con bị bệnh

Nuôi dạy con - 11/24/2024

Khi con bị ốm, nhiều cha mẹ đã chăm sóc con theo kiểu truyền miệng mà không ngờ rằng đó là những sai lầm có thể ảnh hưởng tới tính mạng của trẻ.

Sai lầm trong chăm sóc trẻ bị sốt

Sốt là dấu hiệu đặc trưng bởi sự gia tăng nhiệt độ cơ thể cao hơn trong khoảng dao động bình thường của nhiệt độ cơ thể người là 36.5 – 37.5  độ C.
Ở trẻ em, hiện tượng sốt xảy ra do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên các vi khuẩn, virus dễ dàng bị xâm nhập. Khi đó, cơ thể sẽ có phản ứng lại các yếu tố này nên gây sốt.

Ủ ấm

Khi lên cơn sốt, nhiệt độ cơ thể cao, người nóng nhưng trẻ vẫn cảm thấy lạnh. Nhiều bố mẹ lấy chăn đắp ủ ấm cho con, hành động này khiến mồ hôi không thoát ra, ngấm ngược trở lại cơ thể, khiến trẻ có nhiều nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp.

Chườm đá

Nhiều cha mẹ muốn lập tức giảm sốt cho con bằng mọi cách. Phương pháp phổ biến là chườm đá. Cách giảm sốt này không những trẻ không giảm sốt mà có thể khiến trẻ bị sốc nhiệt khiến da có thể bị bỏng lạnh, suy hô hấp. Cách làm đơn giản và đúng để hạ nhiệt cho con, cha mẹ nên dùng khăn bông nhúng vào nước ấm (không được nóng quá mức chịu đựng của cơ thể) để chườm vào các vị trí: trán, bẹn, hốc nách. Khoảng 3 phút thay khăn 1 lần để giúp trẻ hạ nhiệt.

Khi con có hiện tượng sốt trên 38.5 độ C, cha mẹ thường cho dùng Paracetamol để hạ sốt. Và thường cha mẹ không để ý hàm lượng Paracetamol phù hợp với cân nặng của trẻ. Ví dụ, bình thường viên thuốc của người lớn, nhiều cha mẹ thấy con nhỏ, bẻ đôi viên thuốc cho con. Cách làm này rất có hại cho trẻ vì một là thừa Paracetamol sẽ khiến gây hại cho gan trẻ, nếu thiếu Paracetamol thì không thể hạ sốt. Cha mẹ nên lưu ý hàm lượng Paracetamol/kg thể trọng của trẻ. Đôi khi, chưa đến 6 tiếng uống thuốc con sốt lại, nhiều cha mẹ cũng vội vàng cho con uống lại thuốc giảm sốt mà không nhớ mỗi lần phải cách nhau 6 giờ. Không được dùng quá liều vì gây ngộ độc, nguy hiểm tới tính mạng của trẻ.

Cách đây không lâu, Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận 1 trường hợp trẻ bị ngộ độc Paracetamol khi mẹ đặt thuốc vào hậu môn của con quá liều quy định. Nồng độ Paracetamol trong máu của bé khi xét nghiệm gần bằng 200 µg/ml. Các bác sĩ cho biết bé bị ngộ độc Paracetamol và xâm lấn vào gan. Nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn tới biến chứng suy gan, gây tử vong.

Khi trẻ bị sốt cha mẹ nên cho con mặc đồ thoáng mát, ở trong phòng có không khí thoáng đãng, chườm ấm khi thấy nhiệt độ cơ thể cao, bù nước và chất điện giải cho trẻ. Nếu trẻ sốt trên 38.5 độ C thì cho trẻ dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.

Những sai lầm phổ biến của bố mẹ khi chăm sóc con bị bệnh

Ảnh minh họa

Uống kháng sinh ngay lập tức khi trẻ ho

Ho là một phản xạ của cơ thể, ho chỉ là triệu chứng chứ không phải là bệnh. Ho có tác dụng giúp loại bỏ các chất bài tiết, chất có thể gây kích thích, các vi khuẩn bám vào đường hô hấp.

Khi thấy con có hiện tượng ho, nhiều cha mẹ nhanh chóng cho con dùng kháng sinh với mong muốn con khỏi ho, không bị ảnh hưởng tới phổi. Điều này là một sai lầm.

Đối với trẻ nhỏ, hệ hô hấp chưa phát triển, trẻ có đường thở ngắn, khi hít thở nhiều lần trong 1 phút dẫn đến virus, vi khuẩn gây bệnh dễ xâm nhập vào cơ thể.

Nếu cha mẹ lạm dụng kháng sinh để điều trị ho cho con sẽ dẫn tới tình trạng kháng kháng sinh, suy giảm hệ miễn dịch, rất nguy hiểm cho trẻ khi không tìm được nhóm kháng sinh điều trị phù hợp.

Nếu sử dụng kháng sinh liều cao hoặc dùng lâu ngày có thể gây tổn thương tới thận, gan của trẻ. Cha mẹ chỉ nên dùng kháng sinh điều trị ho cho con theo chỉ định của bác sĩ khi cơ thể trẻ bị nhiễm khuẩn. Vì kháng sinh chỉ để điều trị nhiễm khuẩn chứ không điều trị triệu chứng ho.

Thực tế, trẻ dưới 5 tuổi có thể mắc 4 - 12 lần các bệnh viêm đường hô hấp như: cảm cúm, viêm họng, viêm phế quản, viêm xoang. Phần lớn các bệnh viêm đường hô hấp này đều tự khỏi sau 5 - 6 ngày hoặc lâu hơn 1 tuần.

Để phòng bệnh cho con, cha mẹ cần cung cấp đủ chất dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho trẻ. Khi trẻ bị ho có thể áp dụng một số bài thuốc dân gian đã được các lương y khuyên dùng hoặc dùng các sản phẩm giảm ho có chiết xuất tự nhiên. Trong trường hợp con ho lâu ngày, dai dẳng, hãy đưa trẻ đi thăm khám để các chuyên gia y tế có hướng điều trị phù hợp cho trẻ.

Trần Huyền

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!