Luật bảo hiểm y tế sửa đổi
Luật bảo hiểm y tế sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 với nhiều điểm mới, trong đó quy định việc mua bảo hiểm y tế là bắt buộc và thực hiện mua theo hộ gia đình với một số nhóm. Người dân được giảm trừ dần mức đóng.
Người thứ nhất đóng mức 4,5% lương cơ sở - khoảng 600.000 đồng một năm; người thứ hai, ba, tư lần lượt bằng 70, 60, 50% mức đóng của người thứ nhất.
Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Ban đầu quy định chưa rõ ràng, nhiều địa phương máy móc thực hiện đã gây phiền hà cho người dân.
Một điểm mới đáng chú ý là khi vượt tuyến trung ương, người bệnh chỉ được thanh toán 40% chi phí nằm viện điều trị nội trú; người đi khám, kê đơn, điều trị ngoại trú sẽ không được thanh toán.
Luật cũng bỏ quy định cùng chi trả 5% với người nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; giảm mức chi trả từ 20% xuống 5% với thân nhân khác của người có công và hộ cận nghèo.
Đồng thời bổ sung quy định thanh toán 100% khi có thời gian tham gia bảo hiểm 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (tương đương 7 triệu đồng).
Ngoài ra, từ năm học 2015-2016, học sinh, sinh viên phải đóng bảo hiểm y tế tăng từ 3% mức lương cơ sở lên 4,5% và tính theo năm tài chính.
Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Mang thai hộ (Ảnh minh họa: Internet)
Đầu năm 2015, luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi có hiệu lực cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Mang thai hộ được chỉ định trong trường hợp phụ nữ không có tử cung hoặc dị dạng tử cung bẩm sinh không thể mang thai hay bị cắt tử cung.
Phụ nữ mắc các bệnh mà việc mang thai có thể ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và thai nhi. Người sẩy thai nhiều lần, tử cung không thể giữ thai đến đủ tháng và thất bại nhiều lần với kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Ước tính mỗi năm, nước ta có khoảng 500-700 trường hợp có nhu cầu nhờ mang thai hộ. Bước đầu có 3 bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ gồm: Phụ sản Trung ương, Trung ương Huế và Từ Dũ.
Trường hợp mang thai hộ đầu tiên tại TP HCM là một nữ Việt kiều 44 tuổi, nhiều lần chữa trị vô sinh tại Mỹ và Việt Nam đều thất bại. Khi pháp luật Việt Nam cho phép mang thai hộ, người phụ nữ này về nước làm hồ sơ thủ tục nhờ người em họ mang thai giúp.
Điều nhiều chuyên gia lo ngại là một số người có thể lợi dụng quy định này thực hiện hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại. Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, điều này rất khó bởi các quy định của pháp luật hết sức chặt chẽ.
Thỏa thuận mang thai hộ phải có thông tin đầy đủ, cam kết thực hiện quyền và nghĩa vụ của cả hai bên, lập thành văn bản có công chứng, có xác nhận của cơ sở y tế thực hiện và không được ủy quyền cho bên thứ ba.
Cho phép phẫu thuật chuyển giới
An Vi một người chuyển giới từ nam sang nữ (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Quốc hội vừa thông qua bộ luật dân sự sửa đổi, trong đó cho phép thực hiện các phẫu thuật chuyển giới ngay tại Việt Nam mà không cần ra ngước ngoài. Quyết định này ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của cộng đồng nhất là những người chuyển giới. Hiện có 61 quốc gia hợp pháp hóa việc chuyển đổi giới tính. Việt Nam là quốc gia thứ 62 trên thế giới, thứ 11 tại châu Á cho phép việc thay đổi giới tính trên giấy tờ nhân thân.
Theo khảo sát năm 2014 của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường, khoảng 500.000 người Việt có giới tính không trùng với giới tính hiện có, trong đó 500-1.000 người đã chuyển đổi giới tính ở nước ngoài, chủ yếu phẫu thuật chui, tốn kém, nguy cơ rủi ro cao. Cứ 5 người chuyển giới tại Việt Nam thì có 4 người mong muốn phẫu thuật chuyển giới.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết, Việt Nam hoàn toàn làm chủ được các kỹ thuật chuyển đổi giới tính. Quá trình phẫu thuật chuyển từ nữ sang nam khó hơn nam thành nữ, song các bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt hiện nay đều có khả năng thực hiện, cũng như sử dụng liệu pháp hoóc-môn sau phẫu thuật.
Ca ghép tạng xuyên Việt
3 ngày sau ca ghép tim, bệnh nhân được tháo nội khí quản và có thể ăn cháo
Tối 3/9, Trung tâm Điều phối hiến ghép mô và bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) thông báo cho Trung tâm Điều phối quốc gia có bệnh nhân chết não đồng ý cho tạng. Khi đó chỉ Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) có bệnh nhân chờ ghép gan tim cùng nhóm máu với người cho tạng. 6 bác sĩ trong đó có 2 chuyên gia đầu ngành là giáo sư Trịnh Hồng Sơn và giáo sư Nguyễn Hữu Ước lên đường bay vào TP HCM nhận tạng.
Tranh thủ ăn, ngủ nghỉ, thay quần áo trên ôtô; hơn 100 y bác sĩ hai bệnh viện Chợ Rẫy và Việt Đức phối hợp để kịp mổ lấy tim gan từ người hiến tạng ở TP HCM vận chuyển ra Hà Nội bằng máy bay ghép cho bệnh nhân.
Thời gian tính từ lúc gan, tim được lấy ra đến khi được ghép xong thì tim khoảng hơn 6 tiếng và gan là hơn 7 tiếng. Thời gian bảo quản tim, gan khoảng 6-7 tiếng, vẫn đúng quy trình của quốc tế, với điều kiện bảo quản hết sức chặt chẽ. Sau hơn 20 ngày được ghép, hai bệnh nhân ổn định và được xuất viện.
Nguồn tạng chủ yếu ở nước ta hiện nay là từ người cho sống, chiếm đến 95%. Việc ghép từ người chết não chiếm tỷ lệ rất nhỏ. 5 năm qua tại Bệnh viện Việt Đức chỉ có 26 trường hợp chết não hiến tạng và đến nay mới khoảng 1.000 người đăng ký hiến tạng khi qua đời. Hiện nay, mỗi năm Việt Nam có 10.000 ca tai nạn giao thông; nếu 1/10 hiến tạng thì rất nhiều người sẽ được cứu sống và người Việt Nam không cần phải ra nước ngoài.
Nhân viên y tế thay đổi thái độ phục vụ bệnh nhân
Lần đầu tiên Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Khẩu hiệu ngành y tế đưa ra là Người bệnh đến niềm nở/người bệnh ở tận tình/người bệnh về dặn dò chu đáo.
Đây là giải pháp mang tính đột phá để đổi mới căn bản, toàn diện cách nghĩ, cách làm của từng cán bộ y tế, từng cơ sở y tế khi phục vụ người bệnh. Bộ Y tế yêu cầu tất cả cơ sở y tế, cán bộ y tế đều phải ký cam kết thay đổi thái độ phục vụ. Ngành đã kỷ luật hơn 2.000 cán bộ vi phạm đạo đức từ cảnh cáo đến buộc thôi việc.
Một trong những trọng tâm của kế hoạch là đề án Tiếp sức người bệnh do Hội thầy thuốc trẻ xây dựng và triển khai. Trong năm 2015, chương trình sẽ được tổ chức tại 30 bệnh viện ở ở 5 thành phố: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP HCM và Cần Thơ với gần 3.000 tình nguyện viên. Từ năm 2016 đến năm 2020 hoạt động này sẽ được tổ chức ở 90 bệnh viện trong toàn quốc với hơn 10.000 tình nguyện.
Ngành y tế cũng thành lập đơn vị chăm sóc khách hàng tại bệnh viện như các ngân hàng; tổ chức đoàn thanh niên, thầy thuốc trẻ tình nguyện hướng dẫn bệnh nhân... Đồng thời, các bệnh viện thực hiện mô hình bệnh viện xanh - sạch - đẹp; vào viện người dân thấy yên tâm.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!