Những vấn đề sức khỏe phụ nữ thường mắc phải

Sức khỏe phụ nữ - 11/24/2024

Nhiều vấn đề sức khỏe phụ nữ hay bị mắc phải cần được xem xét đặc biệt như: Ung thư cổ tử cung, ung thư vú, viêm âm đạo, loãng xương...

Phụ nữ và nam giới có nhiều vấn đề về sức khoẻ tương tự, tuy nhiên chị em phụ nữ thường hay gặp phải một số vấn đề sức khỏe riêng cần được xem xét đặc biệt.

Để giữ được một sức khỏe tốt, phụ nữ cần phải hiểu rõ những nguy cơ về bệnh tật tiềm ẩn có thể xảy ra để phòng tránh và sống một cách hợp lý cũng như khoa học hơn.

Ung thư cổ tử cung

Phụ nữ thường không phát hiện sớm căn bệnh này bởi các triệu chứng ban đầu của bệnh ung thư cổ tử cung thường rất ít và hay bị nhầm lẫn với các bệnh viêm nhiễm khác. Khi mắc bệnh ở giai đoạn nhẹ, phụ nữ có thể nhận thấy các triệu chứng như: ra huyết khi không trong kỳ kinh nguyệt, bị rối loạn kinh nguyệt kinh nguyệt ra nhiều và có màu thẫm đen…

Do đó, nếu không đi khám định kì các bệnh phụ nữ thì sẽ không phát hiện được bệnh, mà để tới khi có triệu chứng rõ ràng thì bệnh đã ủ quá lâu và gây nguy hiểm tới tính mạng.

Ung thư vú

Ung thư vú là loại bệnh hết sức phổ biến trên toàn thế giới. Theo số liệu thống kê hàng năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay cứ trong số 8 phụ nữ thì phát hiện 1 người mắc bệnh ung thư vú.

Đây là căn bệnh có dấu hiệu dễ nhận biết hơn các bệnh phụ nữ khác. Các bạn gái có thể cảm thấy đau tức ngực thường xuyên; ngực có thể sưng to, cứng; kích thước, hình dạng ngực biến đổi không bình thường. Ngực bạn có thể xuất hiện các cục u mà khi sờ nắn có thể phát hiện được. Phần dưới nách, gần ngực sẽ có hạch nếu như bạn gái mắc ung thư vú giai đoạn đầu…

Bệnh trầm cảm

Rối loạn trầm cảm là một hội chứng rất hay gặp ở phụ nữ, nhất là phụ nữ lớn tuổi. Tỷ lệ này có xu hướng tăng trong giai đoạn quanh tuổi mãn kinh, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh.

Cụ thể, kết quả khảo sát trên 64 phụ nữ quanh tuổi mãn kinh (40 – 55 tuổi) thấy tỉ lệ trầm cảm là 39,1% có liên quan với các yếu tố bao gồm: gặp những sự kiện bất lợi trong cuộc sống (như kinh tế khó khăn, việc làm, quan hệ gia đình, trình độ học vấn, sử dụng thuốc điều trị, đã từng phải đi thăm khám về tâm sinh lý,…), tiền căn đã được chẩn đoán trầm cảm và sử dụng những thuốc chống suy nhược cơ thể.

Loãng xương

Thông thường, sau 30 tuổi thì lượng canxi bị mất đi sẽ nhiều hơn so với lượng được đưa vào cơ thể. Khi phụ nữ đến tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh thì lượng canxi bị tiêu hao càng nhiều hơn. Điều này là do nội tiết tố nữ estrogen có tác dụng giúp xương khỏe mạnh bị sụt giảm nghiêm trọng làm mật độ xương cũng bị giảm theo. Xương lúc này trở nên suy yếu và dễ dẫn đến loãng xương.

Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng có thể khiến phụ nữ dễ bị loãng xương như:

  • Chế độ dinh dưỡng thiếu hụt canxi, uống quá nhiều rượu bia hay hút thuốc lá, lười vận động và lười tập thể dục thể thao;
  • Phụ nữ kinh nguyệt không đều hay mãn kinh sớm;
  • Sử dụng các loại thuốc điều trị các bệnh xương khớp hay corticoid trong thời gian dài có thể gây hủy xương;
  • Yếu tố di truyền từ người thân trong gia đình người châu Á, người có khung xương nhỏ…

Bệnh tim mạch

Các triệu chứng căng ngực hoặc đau thắt ngực bất thường là dấu hiệu của một hoặc nhiều mạch máu bị tắc. Tuy nhiên khi so sánh với nam giới, triệu chứng ở phụ nữ lại thường không rõ ràng. Triệu chứng có khi chỉ là mệt mỏi, thở nhanh khi đi bộ hoặc leo cầu thang, buồn nôn, khó tiêu và đau lưng. Vì thế, phụ nữ thường hay bỏ qua những dấu hiệu này vì nghĩ rằng đó là do mãn kinh hoặc căng thẳng.

Viêm âm đạo

Thông thường, vi khuẩn sẽ có điều kiện phát triển khi khả năng kháng khuẩn tự nhiên ở âm đạo giảm. Ngoài ra, các yếu tố khác như vệ sinh cá nhân kém, vệ sinh sau khi quan hệ không được đảm bảo sẽ dẫn đến nhiễm ký sinh trùng như trùng roi, nấm…

Khi bị viêm âm đạo, chị em thường thấy các biểu hiện: có khí hư trắng hay hơi vàng, có khi đặc như mủ, niêm mạc âm đạo hơi đỏ (viêm âm đạo do tạp khuẩn), ngứa nhiều vùng âm hộ trước, trong và sau khi có kinh, âm đạo có màu đỏ tím (viêm âm đạo do nấm).

Trong trường hợp bị viêm âm đạo, chị em cần làm vệ sinh trước khi đi ngủ bằng dung dịch diệt khuẩn, dùng kháng sinh và đặt thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Những căn bệnh nói trên đều ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe, đặc biệt là khả năng sinh sản cũng như gây nguy hiểm cho tính mạng của chị em phụ nữ. Chính vì vậy mỗi chị em cần chú ý tới việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và vệ sinh phụ khoa để phòng chống các căn bệnh đáng sợ kể trên. Cần chăm chỉ đi khám phụ khoa định kỳ để sớm phát hiện bệnh và có hướng chữa trị kịp thời.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Loãng xương – hiểu đúng để điều trị đúng
  • Ung thư cổ tử cung có thể phòng ngừa
  • Cùng người thương vượt qua nỗi sợ ung thư vú

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!