Trong kho tàng dược liệu cổ truyền, có nhiều cây thuốc, vị thuốc nam gắn liền với tên của con lợn, đã được sử dụng từ lâu đời. Xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo áp dụng.
Cỏ hôi (Ageratum conyzoides L.), họ Cúc (Asteraceae) còn gọi cỏ cứt lợn. Cây mọc hoang ở khắp nơi. Bộ phận dùng làm thuốc là phần trên mặt đất (Herba Agerati), thu hái vào mùa hè và mùa thu, dùng tươi hoặc khô.
Toàn cây chứa tinh dầu, trong đó có eugenol, γ- cadinen, caryophyllen, ageratocromen... Ngoài ra còn có các polyphenol: quercetin, kaempferol...; carotenoid, saponin...
Theo y học cổ truyền (YHCT), cây cứt lợn vị hơi đắng, tính mát. Có công năng thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng, chỉ huyết, bài thạch. Trị sổ mũi, viêm xoang mũi cấp và mạn tính.
Chữa viêm xoang mũi dị ứng, viêm tai: cây cứt lợn tươi rửa sạch để ráo nước, giã nát, vắt lấy nước, dùng tăm bông chấm dịch này bôi nhẹ vào ống tai hoặc lỗ mũi bị viêm. Liều dùng chung 30g dưới dạng nước sắc. Có thể dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc thanh nhiệt khác.
Trị mụn nhọt, ngứa, eczema: cây cứt lợn nấu nước ngâm rửa nơi bị bệnh.
Hy thiêm, còn gọi là chó đẻ hoa vàng (Siegesbeckia orientalis L.), họ Cúc (Asteraceae). Theo nghĩa chữ Hán, hy thiêm có nghĩa là cứt lợn. Do đó nhiều người lầm tưởng cây hy thiêm là cây cỏ cứt lợn nói ở trên. Trước đây đã có cơ sở sản xuất nhầm lẫn giữa hai cây này; đã dùng cây cỏ cứt lợn nói trên để nấu cao đặc, thay vì cao hy thiêm. Vì vậy tránh nhầm lẫn.
Cây hy thiêm (chó đẻ hoa vàng, cây cứt lợn) trị phong thấp, sốt rét, tăng huyết áp...
Hy thiêm hoa vàng có ở rất nhiều nơi trong cả nước, được khai thác nhiều trong tự nhiên và được nhiều nơi trồng trọt với quy mô lớn để làm thuốc. Hy thiêm chứa nhiều thành phần có tác dụng dược lý: thymohydroquinon, phytol, rutin, quercetin, orientin, orientalid... Tác dụng hạ huyết áp, hạ đường huyết, an thần, hạ lipid máu, cholesterol máu, tác dụng chống viêm trên động vật thí nghiệm.
Bộ phận dùng làm thuốc là phần trên mặt đất của hy thiêm (Herba Siegesbeckiae). Thu hái vào đầu hè, khi cây ra hoa, phơi hoặc sấy khô. Trước khi dùng vi sao, hoặc chích rượu trắng 30 độ với tỷ lệ:10kg hy thiêm với 3kg rượu trắng; hoặc chích mật ong:10kg hy thiêm 2kg mật ong. Hoặc chế với mật ong và rượu trắng: 10kg hy thiêm với 0,5kg mật ong, 1kg rượu trắng.
Theo YHCT, hy thiêm có vị đắng, tính hàn, quy kinh can, thận. Tác dụng trừ phong thấp, thanh nhiệt, hạ huyết áp, giải độc.
Trị phong tê thấp, tay chân tê bại, đau lưng, đau xương khớp, mỏi gối, mỏi chân tay, xương thịt tê buốt, mụn nhọt: hy thiêm 9-12 g. Sắc uống.
Trị phong thấp: hy thiêm, ngưu tất, mỗi vị 12g; thổ phục linh 20g; lá lốt (cả cây và rễ) 10g. Tán bột, uống ngày 3 lần, mỗi lần 10g. Hoặc sắc nước uống trong ngày, trước bữa ăn 1 giờ.
Hoặc: hy thiêm 12g, thiên niên khiện 3g, xuyên khung 4g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần, uống trước bữa ăn 1 giờ. Chú ý: cho hy thiêm sắc trước 30 phút, cho 2 vị còn lại vào sắc thêm 20 phút nữa, gạn lấy ra nước một. Thêm nước, đun sôi 45-60 phút, gạn lấy nước hai. Trộn đều hai nước, chia uống 2 lần trong ngày, trước bữa ăn 1 giờ.
Hoặc: hy thiêm (chế chưng rượu/mật ong) 16g; ngưu tất hoặc rễ cỏ xước 16g; ngũ gia bì chân chim, dây gắm, cốt toái bổ, mỗi vị 16g; cẩu tích 24g; ké đầu ngựa 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
Trị sốt rét lâu ngày, nhiều đờm đọng, không muốn ăn: hy thiêm tươi 50g rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt, ngày uống một lần 30 ml. Uống nhiều ngày.
Trị tăng huyết áp: hy thiêm, ngưu tất, thảo quyết minh (sao vàng), hoàng cầm, trạch tả, mỗi vị 6g; long đởm thảo, chi tử mỗi vị 4g. Sắc uống ngày một thang, chia 3 lần trước bữa ăn 1 giờ.
Hy thiêm cành lông còn có tên hy thiêm sáng, cỏ dính (Siegesbeckia glabrescens Makino.), họ Cúc (Asteraceae). Cây có ở một số tỉnh miền núi phía Bắc. Bộ phận dùng là phần trên mặt đất, phơi hay sấy khô. Thu hái khi cây ra hoa.
Theo YHCT, hy thiêm cành lông vị đắng, tính hàn. Tác dụng trừ phong thấp, thông kinh, hoạt lạc, hạ huyết áp. Dùng tương tự như cây hy thiêm nói trên, trị phong thấp, đau nhức xương khớp, cơ nhục, tăng huyết áp, bán thân bất toại, viêm gan hoàng đản, sốt rét. Dùng ngoài trị ghẻ lở, mụn nhọt. Liều dùng 9-12g.
Hy thiêm cành tuyến còn gọi là hy thiêm lông (Siegesbeckia pubescens Makino.), họ Cúc (Asteraceae). Cây thường phân bố ở một số tỉnh miền núi phía Bắc. Bộ phận dùng toàn cây. Theo YHCT, hy thiêm cành tuyến vị đắng, tính hàn. Có tác dụng khu phong, trừ thấp, lợi cân cốt, thông kinh lạc, hạ huyết áp. Trị phong tê thấp, đau xương cốt, với liều 9 -12g.
Cả 3 loài hy thiêm nói trên hình dáng cây gần giống nhau, tính vị, công năng gần tương tự. Tuy vậy, hy thiêm hoa vàng được sử dụng nhiều trong YHCT. Hai loài hy thiêm cành lông và hy thiêm cành tuyến hiện mới chỉ được sử dụng trong nhân dân ở một số địa phương. Cần nghiên cứu thêm để phát triển.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!