Kiểm tra, gia cố nhà cửa
Kiểm tra toàn bộ nhà cửa và sửa chữa nếu có dấu hiệu xuống cấp. Một số vị trí trong căn nhà có thể xuất hiện dột, thấm nước như cửa ra vào, cửa sổ, trần nhà, tầng áp mái. Nếu thấy bị hư hỏng hoặc xuất hiện các lỗ thủng, cần tìm cách khắc phục nhanh chóng.
Kiên cố nhà cửa để tăng độ vững chắc nhằm đề phòng bão, áp thấp nhiệt đới. Trước khi bão đổ bộ, nên kiểm tra hệ thống thoát nước để thông tắc nếu cần.
Kiểm tra lại hệ thống thiết bị điện
Khi mùa mưa bão tới, nguy cơ tai nạn điện là rất cao. Hệ thống điện vào mùa mưa thường bị ảnh hưởng do đứt dây dẫn, chập điện, cháy nổ các thiết bị, gây ra mất an toàn và nguy hiểm cho người dân.
Để phòng tránh các tai nạn điện, cần đảm bảo kiểm tra lại các thiết bị trong nhà để đảm bảo hoạt động tốt. Các ổ điện phải ở trên cao, không đặt dưới thấp vì có thể bị nước mưa ngập tới. Các thiết bị điện như máy giặt, bình nóng lạnh cần phải được nối đất. Nên mua một hệ thống ổn áp điện thông minh để bảo vệ các thiết bị điện và an toàn cho người sử dụng.
Cần đảm bảo kiểm tra lại các thiết bị an toàn để đảm bảo cho chúng hoạt động tốt vào mùa mưa bão (Ảnh minh họa: Internet)
Lắp cột thu lôi nếu ở vùng thường xuyên có sét đánh
Để phòng tránh các nguy cơ do sét gây ra, đặc biệt tại các khu vực thường xuyên có sét đánh nên lắp đặt hệ thống cột thu lôi chống sét, bảo vệ an toàn cho các thiết bị và con người.
Cột thu lôi cần được lắp đặt ở vị trí cao. Tuy nhiên, cũng không nên lắp quá cao vì có thể bị nghiêng đổ khi có gió bão, gây mất tác dụng và giảm sức chịu lực của cột. Tùy vào điều kiện và đặc trưng của mỗi công trình, nhà ở mà có sự tính toán, thiết kế và lắp đặt hợp lý, bảo đảm an toàn tối ưu cho công trình và người sử dụng.
Dự trữ lương thực, vật dụng đề phòng bão lớn
Trên thực tế, trong những trường hợp khẩn cấp, các nguồn cung cấp thực phẩm, nước uống, thuốc men sẽ trở nên khó khăn hơn ngày thường.
Nên dự trữ đủ thực phẩm cho vài ngày. Đặc biệt cần chuẩn bị những loại thực phẩm khô, đồ ăn sẵn, có thời gian sử dụng dài như mỳ ăn liền, lương khô, bánh,…Cần chuẩn bị nhiều nước sạch, đóng chai có thể dùng trong thời gian ít nhất ba ngày.
Kiểm tra và chuẩn bị các nguồn sáng như đèn pin, đèn dầu, nến,…Chuẩn bị thuốc men cần thiết như thuốc cảm, thuốc tiêu chảy, dầu gió, bông băng,….
Cần chuẩn bị những loại thực phẩm khô, liền, có thời gian sử dụng dài trong mùa mưa bão (Ảnh minh họa: Internet)
Theo dõi tình hình thời tiết
Cập nhật thường xuyên diễn biến tình hình mưa bão để biết thông tin và chủ động phòng tránh, đặc biệt trong các trường hợp khẩn cấp, mưa bão lớn, nguy hiểm.
Đồng thời cần có danh sách số điện thoại cần thiết để liên hệ trong trường hợp khẩn cấp (cứu hộ cứu nạn, công an, cấp cứu y tế…). Ngoài ra, trước mùa mưa lũ nên chặt bớt các cành cây khô, cành cây chĩa vào gần nhà để phòng gió lốc gây gẫy cành rơi vào người.
Mỗi cá nhân cần trang bị cho mình những kỹ năng sống sót trong những điều kiện nguy hiểm, khẩn cấp để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.
Mai Hồ
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!