Tuy nhiên, gần đây, status của một cô gái trẻ tên H.M bày tỏ sự bức xúc khi bị yêu cầu nhường chỗ nằm trên tàu gây xôn xao cộng đồng mạng. Có nhiều ý kiến trái chiều trong việc nên nhường hay không nhường chỗ cho người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai… đặc biệt trên các phương tiện đường dài như tàu, máy bay.
Câu chuyện gây xôn xao cộng đồng mạng
Theo lời kể của H.M, trên chuyến tàu đi Cửa Lò, cô nhận được nhiều lời đề nghị đổi giường nằm tầng dưới có mức giá vé cao hơn với lý do nhường chỗ cho người cao tuổi và trẻ nhỏ.
Cô gái tỏ ra rất bức xúc khi người trong cuộc lờ đi, không có ý định hoàn trả số tiền chênh lệch giữa giá vé giường nằm tầng dưới vỗn dĩ đắt hơn giá vé tầng trên. Cả lượt đi lẫn về H.M đều gặp phải trường hợp này.
Theo H.M, tàu hỏa không giống xe buýt, không thể lấy lí do người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai là có thể yêu cầu người khác phải nhường chỗ miễn phí. Ngay khi dòng trạng thái của H.M được chia sẻ đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng mạng và tạo ra làn sóng tranh cãi về văn hóa đi tàu xe.
Có khá nhiều ý kiến không ủng hộ những hành động của H.M và cho rằng đó là biểu hiện của sự ích kỉ, hẹp hòi, tính toán, thiếu văn minh. Nhưng cũng có không ít ý kiến ủng hộ quan điểm của cô gái này vì cho rằng cô bạn xứng đáng được hưởng những quyền lợi mà mình đã bỏ tiền ra đặt mua vé trước đó.
Giá vé của tàu hỏa đắt tiền hơn so với vé xe buýt thông thường, hơn nữa việc đi đường dài rất mỏi mệt, nên việc đổi chỗ ngồi cũng cần phải bù tiền.
Nhường chỗ cho người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai... trên các phương tiện giao thông được xem là một nét ứng xử văn minh (Ảnh minh họa: Internet)
Văn hóa ứng xử với người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai
Hành động tự nguyện nhường chỗ cho người già, phụ nữ mang thai, người khuyết tật, trẻ nhỏ... khi đi trên các phương tiện giao thông vẫn được xem là một cách thể hiện ứng xử có văn hóa.
Họ được xếp vào nhóm đối tượng đặc biệt ưu tiên khi sử dụng phương tiện công cộng nói chung. Trên thực tế, có không ít những hành động thờ ơ, thậm chí ngang nhiên chiếm chỗ của người già, phụ nữ mang thai và trẻ em khiến dư luận kịch liệt phản đối.
Nét đẹp văn hóa ứng xử này được đa phần mọi người đồng tình và làm theo.
Có phải lúc nào cũng phải nhường chỗ?
Nhường chỗ là việc làm đáng quý, tuy nhiên, có nhiều trường hợp trong thực tế khó có thể thực hiện điều này. Việc di chuyển trên quãng đường ngắn như đi xe buýt thường không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, đi tàu, ô tô hay máy bay với quãng đường dài rất dễ gây mệt mỏi.
Hành khách cân nhắc tình hình sức khỏe của bản thân hoặc có mang trẻ nhỏ theo hay không để mua chỗ phù hợp với mình nên việc nhường chỗ đã đặt trước không phải lúc nào cũng có thể làm được.
Hơn nữa, trong những trường hợp đặc biệt như ốm đau đột xuất, bị say xe,... thì việc này càng khó khăn hơn. Đây là lý do chính đáng bạn có thể từ chối khi có yêu cầu nhường chỗ. Ngoài ra, nhiều trường hợp muốn đổi chỗ nằm tốt hơn, có giá cao hơn mà không chấp nhận mất thêm tiền thì người được yêu cầu đổi tất nhiên sẽ không tránh khỏi cảm giác khó chịu và từ chối. Họ đã bỏ một số tiền không nhỏ để mua chỗ và tất nhiên, họ xứng đáng được hưởng quyển lợi của mình. Do vậy, nếu muốn đổi chỗ cũng nên tỏ ý hoàn tiền chênh lệch chứ không nên 'lờ lớ lơ'.
Nhường chỗ là việc làm đáng quý, tuy nhiên, có nhiều trường hợp trong thực tế khó có thể thực hiện (Ảnh minh họa: Internet)
Nhường chỗ ở Nhật Bản: Không có!
Nhật Bản được xem là một trong những đất nước văn minh, lịch sự nhất thế giới nhưng lại có những nguyên tắc ứng xử khác hẳn chuẩn mực văn hóa chung trên toàn thế giới.
Tại Nhật Bản, khi đi tàu điện ngầm, bạn sẽ gặp cảnh thanh niên ngồi ghế trong khi người cao tuổi lại đứng. Người dân ở đây thường không có thói quen nhường ghế cho người già, phụ nữ trên tàu. Chắc chắn bạn sẽ thắc mắc về thực trạng này.
Thứ nhất, người Nhật không muốn người khác nghĩ mình là già. Việc bạn trẻ nhường ghế cho người lớn tuổi đồng nghĩa với việc coi họ là già, không có sức khoẻ. Vì vậy, nếu bạn có ý nhường ghế cho người lớn tuổi ở Nhật, họ cũng lịch sự từ chối.
Thứ hai, người Nhật đề cao sự bình đẳng, người đến trước sẽ có chỗ ngồi, người đến sau nếu hết chỗ sẽ đứng mà không phàn nàn.
Thứ ba, nhiều người Nhật không muốn gây phiền toái hay tiếp nhận ân huệ, nhận ưu ái từ người khác. Lòng tự trọng và phép lịch sự của họ không cho phép nhường nhịn, hay đòi quyền lợi từ ai. Tinh thần Samurai đã thấm sâu trong tư tưởng của người Nhật. Họ không muốn mình trở thành người được ưu ái, chiếu cố.
Cuối cùng, trên các phương tiện công cộng tại Nhật luôn có khoang ưu tiên dành cho người già, phụ nữ mang thai, trẻ em và người khuyết tật. Nếu muốn họ có thể sử dụng khoang này.
Như vậy, nhường chỗ là một nét đẹp, có thể coi là 'văn hóa' nhưng việc áp dụng ở đâu, như thế nào, trong trường hợp nào là việc đáng phải làm. Tuyệt đối không nên áp đặt và có những yêu cầu không chính đáng. Mọi người đều bình đẳng, việc ưu tiên, nhường nhịn chỉ thực sự có nghĩa khi xuất phát từ tấm lòng và sự sẻ chia, chứ không phải sự ban phát lòng thương, ân huệ.
Bị chỉ trích 'không nhường chỗ cho người già', cô gái nói gì?
Mai Hồ
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!