Phòng khám tư tham gia tích cực
Nhiễm HIV từ một lần quan hệ tình dục không an toàn, anh T.H.M. (kinh doanh cửa hàng thời trang, ngụ quận 9) lựa chọn PK Alocare (quận Thủ Đức) làm nơi điều trị, tư vấn cũng như thực hiện các xét nghiệm cần thiết.
'Trước đây, tôi điều trị tại đơn vị y tế công nhưng hơi đông người nên đến PK tư và thấy thân thiện, gần gũi hơn', anh M. cho biết.
Anh M. cũng vận động bạn tình đến PK Alocare để điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEp). PK Alocare, tiền thân là nhóm cộng đồng Aloboy, ra đời và hoạt động vì cộng đồng người nhiễm HIV. Qua 7 năm hoạt động, PK này đã tư vấn, điều trị cho hơn 7.000 lượt người, trong đó chủ yếu là những người bệnh đồng tính nam, người chuyển giới, người sử dụng các chất ma túy và hành nghề mại dâm.
Bác sĩ PK Alocare đang tư vấn cho bệnh nhân HIV
Anh Nguyễn Minh Thuận, đại diện PK Alocare, cho biết, xuất thân là nhóm hoạt động cộng đồng cho người nhiễm nên các thành viên trong nhóm hiểu những băn khoăn, trăn trở và những tâm sự thầm kín của người mắc HIV. 'Mục đích của chúng mình là giúp cho các bạn trong cộng đồng nhiễm HIV có thêm sự lựa chọn khi điều trị bệnh. Ở đây còn là nơi sinh hoạt tập thể, nơi các bạn có thể tìm thấy sự đồng cảm, sẻ chia', anh Minh Thuận cho hay.
Tháng 8-2017, Glink là PK tư nhân đầu tiên tại TPHCM được cấp phép khám, điều trị HIV (đường Tô Hiến Thành, quận 10). PK này cung cấp dịch vụ điều trị HIV bằng thuốc ARV do bệnh nhân tự chi trả nhằm bảo mật thông tin cá nhân người bệnh. Về sau, PK Glink phát triển đa dạng các dịch vụ liên quan đến HIV như tư vấn dinh dưỡng, tâm lý, chế độ luyện tập, dự phòng các bệnh nhiễm trùng cơ hội với cam kết điều trị HIV đạt hiệu quả tối đa cho từng người bệnh. Ngoài ra, PK Glink cũng có định hướng phát triển cung cấp các dịch vụ ngay tại nhà tùy theo nhu cầu.
Từ khởi đầu của PK GLink, đến nay, TPHCM đã có 10 PK tư nhân tham gia vào công tác điều trị HIV. Bên cạnh đó là hàng chục tổ chức cộng đồng khác cũng tham gia công tác này.
Anh Nguyễn Anh Phong, đại diện phía Nam của Mạng lưới người sống với HIV (VNP+), cho biết những năm qua, các tổ chức cộng đồng cũng như PK tư nhân và doanh nghiệp xã hội đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp vật dụng can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV tại TPHCM, như: phân phát bơm kim tiêm, bao cao su thông qua mạng lưới đồng đẳng viên và các tổ chức cộng đồng. Đồng thời các đơn vị cũng cung cấp dịch vụ tư vấn, điều trị, dự phòng nhiễm HIV hiệu quả. Nhờ hệ thống này, người nhiễm và các đối tượng nguy cơ cao có thêm lựa chọn để điều trị bệnh một cách linh hoạt và an tâm nhất.
Tạo điều kiện để y tế tư nhân vào cuộc
Tháng 3-2019 là dấu mốc vô cùng quan trọng với những bệnh nhân nhiễm HIV cũng như các PK, tổ chức thuộc khu vực tư nhân tham gia tư vấn, điều trị HIV khi PK Đa khoa Galant là cơ sở y tế tư nhân đầu tiên được cấp phép điều trị ARV thông qua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).
'Từ năm 2014, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) triển khai huy động nguồn lực tư nhân tham gia vào điều trị HIV. Ước tính cả nước hiện có khoảng 10.000 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở tư nhân. Sự tham gia của y tế tư nhân đã cung cấp cho người bệnh thêm nhiều lựa chọn, giúp mở rộng điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam', PGS-TS NGUYỄN HOÀNG LONG
Với lợi thế hoạt động từ 7 giờ 30 đến 20 giờ hàng ngày (kể cả thứ bảy và chủ nhật) và được BHYT chi trả, PK Đa khoa Galant đang trở thành sự lựa chọn của nhiều người nhiễm HIV tại TPHCM.
'Mỗi lần dùng BHYT đi khám và lãnh thuốc ARV tại trung tâm y tế quận tôi đều phải xin nghỉ làm. Nhưng nay có PK cho chi trả BHYT thì tôi lựa chọn khám do làm cả ngoài giờ, rất tiện lợi', chị L.T.N., một bệnh nhân điều trị tại PK Đa khoa Galant, chia sẻ.
Theo BS Văn Hùng, Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS Trung tâm Phòng chống bệnh tật TPHCM, hiện nay nhiều PK tư nhân trên địa bàn TP đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để mở rộng điều trị cho bệnh nhân HIV. Do đó, trong thời gian tới, Khoa Phòng chống HIV/AIDS TPHCM sẽ tiếp tục làm việc với cơ quan BHXH cho phép các cơ sở y tế tư nhân tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ cho bệnh nhân thông qua BHYT.
Còn theo PGS-TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), PK tư nhân có nhiều mặt vượt trội khi tham gia vào phòng chống HIV/AIDS so với khu vực công lập do có lợi thế dễ tiếp cận với bệnh, bảo mật thông tin tốt, quy trình thủ tục cũng đơn giản hơn. Đặc biệt, các tổ chức tư nhân thường rất linh hoạt và năng động khi liên tục đưa ra các mô hình tiếp cận, điều trị mới, cung cấp các dịch vụ sát sườn với người nhiễm HIV và được họ ưa thích.
'Trong thời gian tới, khi các nguồn viện trợ giảm dần, sự tham gia của khối tư nhân và cộng đồng ngày càng quan trọng hơn đối với công tác phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam', PGS-TS Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!