Trong gian nhà đơn sơ nằm khuất sau khu rừng heo hút thuộc địa bàn huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, bà Đào Thị Chinh chống gậy lần dò từng bước để quét dọn. Bệnh ung thư khiến cơ thể người phụ nữ kiệt quệ, chỉ còn da bọc xương, khắp người nổi hạch, bụng ngày càng trương lên khiến việc di chuyển trở nên khó khăn.
Bà Đào Thị Chinh thắp nhang cho người chồng qua đời vì bệnh ung thư phổi. Ảnh: Thi Ngoan.
Sinh ra và lớn lên tại một làng quê nghèo thuộc xã Khánh Thiện, huyện Tam Điệp, Hà Nam Ninh (nay thuộc Ninh Bình), 5 trong số 7 chị em ruột của bà là bộ đội tình nguyện tham gia chiến tranh biên giới những năm 1980. Riêng bà đảm nhận công tác hậu cần từ năm 1981 đến 1984. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ bà trở về địa phương.
Vào TP HCM lập nghiệp, bà Chinh gặp rồi yêu ông Phạm Thanh Nguyên, vốn là trung sĩ lái xe ở chiến trường Campuchia trở về. Hai người cưới nhau, sinh được hai đứa con trai. Họ dắt díu nhau đến vùng rừng núi huyện Vĩnh Cửu dựng túp lều tranh sống tạm. Ngôi nhà cấp bốn hiện nay là do một số bạn cựu chiến binh quyên góp xây tặng.
'Cuộc sống ngày xưa khó khăn thiếu thốn nhưng hạnh phúc lắm. Chồng tôi rất yêu thương vợ con và chí thú làm ăn. Hai vợ chồng luôn dặn dò nhau, đời mình đã khổ nên phải lo cho con ăn học đến nơi đến chốn mới mong thoát nghèo', người phụ nữ 54 tuổi nhớ lại.
Một ngày, bà Chinh phát hiện bên ngực trái xuất hiện những nốt đỏ như nốt ruồi son nhưng to dần từng ngày. Có hôm đang làm việc, bà cảm thấy xây xẩm choáng váng, phải dừng lại nghỉ ngơi. Năm 2008, đến bệnh viện khám, bác sĩ xác định bà bị ung thư nên phải cắt bỏ một bên ngực. Từ đó, đến nay bà phải vào viện liên tục để dùng thuốc. Đầu năm ngoái, chồng bà mất vì ung thư phổi giai đoạn cuối, để lại vợ góa con côi và những khoản nợ làm ăn chưa trả được.
Bà Chinh (giữa) bên người thân. Ảnh: Thi Ngoan.
Từ ngày cha mất, cậu con trai lớn phải bỏ học đi làm thuê, còn bà Chinh đến lúc về hưu phải khai bớt buổi để được nhận vào làm tạp vụ ở một công ty giày da, kiếm tiền mua thuốc cho mình và lo cho đứa con đang học lớp 9. Vì không có tiền chữa trị ung thư vú, lại thường xuyên làm việc gắng sức nên bệnh cũ của bà trở nặng. Gần đây, khi sức khỏe suy giảm trầm trọng, người thường xuyên nổi hạch to ở cổ và tay chân, bà mới chịu đến bệnh viện Ung Bướu TP HCM khám. Bác sĩ cho biết bà bị ung thư xương giai đoạn cuối, đã di căn, việc điều trị hết sức khó khăn và tốn kém. Mọi cố gắng hiện nay chỉ nhằm kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
Bắc chiếc ghế gỗ liêu xiêu để bước lên thắp nhang cho chồng, người phụ nữ chỉ còn 38 kg ví mình như 'ngọn đèn leo lét trước bão, không biết lúc nào sẽ tắt'. Điều bà lo lắng nhất khi nằm xuống là hai đứa con chưa đến tuổi trưởng thành phải chịu cảnh côi cút. 'Tôi mong sớm được về với chồng cho bớt đau đớn, nhưng rồi nghĩ lại thương con nên cố gắng sống được ngày nào thì đi làm lo cho sắp nhỏ', người phụ nữ ngửa mặt lên trời cố giấu những giọt lệ chực trào ra.
Mẹ của bà Chinh, năm nay đã 85 tuổi, lặn lội từ quê vào thăm con vì sợ 'nếu không nhanh thì không còn được nhìn thấy con nữa'. Ảnh: Thi Ngoan.
Ông Nguyễn Tư Khánh, tổ phó Khu phố 6 cho biết, hoàn cảnh gia đình bà Chinh cơ cực nên thời gian trước, chính quyền địa phương từng hỗ trợ gia đình theo diện xóa đói giảm nghèo. Nhưng hơn một năm qua, tổ dân phố đưa gia đình bà ra khỏi danh sách hộ nghèo và không tiếp tục hỗ trợ vì hộ này có hai người đi làm hưởng lương.
Từ khi bà Chinh bị ung thư giai đoạn cuối, tổ dân phố từng nhiều lần làm đề xuất để gia đình này được tiếp tục hưởng trợ cấp xóa đói giảm nghèo mà chưa được phê duyệt. 'Chúng tôi nhận sai sót khi chưa quan tâm sát sao đến đời sống của những gia đình chính sách trên địa bàn. Tôi định đến tháng 10 này sẽ đề xuất thêm một lần nữa để đưa gia đình bà Chinh vào lại diện hộ nghèo được hưởng trợ cấp', ông Khánh nói.
>> Xem thêm: Hỏi đáp về bệnh ung thư vú
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!