Nước tiểu bị đục do đâu?

Bí quyết sống khỏe - 11/24/2024

Nước tiểu bị đục có thể là dấu hiệu xấu đối với đường tiết niệu, Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về các nguyên nhân gây ra nước tiểu đục và cách điều trị.

Nước tiểu bị đục không rõ nguyên nhân có thể là dấu hiệu xấu đối với đường tiết niệu của bạn, chẳng hạn như bị mất nước, nhiễm trùng hoặc một số bệnh ở thận. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về các nguyên nhân gây ra nước tiểu đục, cũng như cách để điều trị chúng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra nước tiểu đục, bao gồm:

Mất nước

Khi nước tiểu của bạn bị đục, nguyên nhân có thể là do bạn không tiêu thụ đủ chất lỏng. Những người trẻ tuổi hoặc cao tuổi sẽ có nguy cơ mất nước cao hơn. Ngoài ra, một số bệnh như tiêu chảy, nôn mửa hoặc sốt cũng gây ra mất nước.

Nước tiểu bị đục do đâu?

Những người tập thể dục cường độ cao hoặc lao động tay chân trong những ngày nắng nóng cũng có nguy cơ bị mất nước nếu không uống đủ nước.

Mất nước có thể gây ra nước tiểu đục cùng với một số triệu chứng khác như:

  • Nước tiểu màu vàng sẫm hoặc màu cam
  • Mệt mỏi
  • Lú lẫn hoặc khó tập trung
  • Chóng mặt
  • Khô miệng và cảm giác khát dữ dội
  • Khô mắt
  • Đi tiểu ít

Mất nước nghiêm trọng có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn, bao gồm mất phương hướng, mất ý thức hoặc phân có máu hoặc đen. Cần khẩn cấp tìm đến bác sĩ ngay khi gặp phải các triệu chứng mất nước nghiêm trọng này.

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)

Nhiễm trùng đường tiểu hay nhiễm trùng đường tiết niệu là một nguyên nhân phổ biến gây ra nước tiểu đục.

Nước tiểu đục do nhiễm trùng thường xuất phát từ việc mủ hoặc máu chảy vào đường tiết niệu. Nó cũng có thể là sự tích tụ của các tế bào bạch cầu do cơ thể sản xuất ra giúp loại bỏ vị khuẩn xâm nhập.

Ngoài gây ra nước tiểu đục, nhiễm trùng đường tiểu có thể gây ra các triệu chứng khác như:

  • Mắc tiểu liên tục
  • Khó tiểu
  • Đau rát khi đi tiểu
  • Nước tiểu có mùi hôi
  • Đau ở xương chậu, bụng dưới hoặc lưng dưới

Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu sớm có thể giúp giảm bớt sự khó chịu và ngăn ngừa các biến chứng.

Nhiễm trùng thận

Nước tiểu bị đục do đâu?

Nhiễm trùng thận bắt đầu từ nhiễm trùng đường tiểu do thiếu điều trị hoặc điều trị không hiệu quả khiến bệnh nặng hơn và lan rộng ra.

Nhiễm trùng thận gây ra các triệu chứng tương tự như nhiễm trùng đường tiểu và cũng có thể gây ra một số triệu chứng khác như:

  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Chuột rút
  • Mệt mỏi
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Đau ở lưng, bẹn hoặc háng
  • Nước tiểu sẫm màu, có máu hoặc có mùi hôi

Nhiễm trùng thận cần điều trị y tế ngay lập tức. Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tổn thương thận vĩnh viễn.

Nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STI)

Một số bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục phổ biến như lậu và chlamydia có thể gây ra nước tiểu đục. Bệnh lậu và chlamydia thúc đẩy hệ thống miễn dịch tạo ra các tế bào bạch cầu chống lại vi khuẩn, các tế bào bạch cầu này có thể trộn lẫn với nước tiểu gây ra nước tiểu đục.

Bệnh STI cũng gây ra sự tiết dịch bất thường ở âm đạo hoặc dương vật. Các dấu hiệu nhận biết khác của bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục, bao gồm:

  • Ngứa bộ phận sinh dục hoặc xương chậu
  • Đau không giải thích được ở bộ phận sinh dục
  • Đau trong hoặc sau khi quan hệ
  • Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu hoặc xuất tinh
  • Phát ban, xuất hiện mụn nước hoặc vết loét trên bộ phận sinh dục

Xét nghiệm STI thường xuyên có thể giúp chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Sử dụng bao cao su trong khi quan hệ tình dục cũng có thể giúp ngăn ngừa sự lây lan của STI.

Viêm âm đạo

Viêm âm đạo có thể dẫn đến nước tiểu đục. Nhiễm trùng do vi khuẩn là nguyên nhân phổ biến nhất của viêm âm đạo. Virus hoặc nấm cũng có thể gây ra viêm âm đạo.

Ngoài ra, dị ứng xà phòng, chất tẩy rửa, nước xả vải… cũng có thể gây viêm ở âm đạo.

Các triệu chứng khác của viêm âm đạo bao gồm:

  • Ngứa xung quanh âm đạo
  • Dịch tiết âm đạo có mùi hôi
  • Đau khi đi tiểu hay quan hệ tình dục

Bác sĩ sẽ cần phải xác định xem nhiễm trùng là do vi khuẩn, nấm hoặc virus để điều trị chính xác hơn.

Viêm tuyến tiền liệt

Viêm tuyến tiền liệt cũng là nguyên nhân gây ra nước tiểu bị đục và ảnh hưởng đến khoảng 10–15% nam giới. Nhiễm trùng tuyến tiền liệt là nguyên nhân gây ra viêm tuyến tiền liệt.

Các triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt bao gồm:

  • Đau khi xuất tinh
  • Đau, nóng rát khi đi tiểu
  • Thường xuyên phải đi tiểu
  • Có máu trong nước tiểu
  • Đau bụng
  • Đau vùng xương chậu hoặc bộ phận sinh dục

Sỏi thận

Sỏi thận cũng có thể gây ra nước tiểu đục. Chúng phát triển từ sự tích tụ của một số khoáng chất trong cơ thể. Những viên sỏi lớn chặn đường tiết niệu và gây nhiễm trùng đường tiểu.

Triệu chứng phổ biến của sỏi thận là đau dữ dội bên dưới xương sườn. Cơn đau cũng có thể xảy ra ở háng và lan ra vùng bụng dưới.

Các triệu chứng khác của sỏi thận bao gồm:

  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Đau khi đi tiểu
  • Những vệt màu nâu, đỏ hoặc hồng trong nước tiểu
  • Nước tiểu có mùi hôi

Chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống của một người có thể khiến nước tiểu của họ bị đục. Khi tiêu thụ một lượng lớn vitamin D hoặc phosphorua sẽ gây ra nước tiểu đục vì thận khó lọc lượng phosphorua dư thừa ra khỏi cơ thể.

Các thực phẩm giàu protein như thịt, đậu và các sản phẩm từ sữa đều có lượng phosphorua cao.

Bệnh tiểu đường hoặc bệnh thận tiểu đường

Bệnh tiểu đường hoặc bệnh thận tiểu đường là nguyên nhân cơ bản gây ra nước tiểu đục. Cơ thể sẽ cố gắng loại bỏ lượng đường dư thừa bằng cách đào thải chúng qua nước tiểu.

Một số triệu chứng khác của bệnh tiểu đường như:

  • Khát kéo dài ngay cả sau khi uống
  • Mệt mỏi
  • Sút cân
  • Thường xuyên phải đi tiểu
  • Dễ bị nhiễm trùng
  • Khó chữa lành vết thương

Bệnh tiểu đường nếu không được điều trị có thể dẫn đến suy thận.

Chẩn đoán

Nếu nước tiểu của bạn bị đục và có kèm theo các triệu chứng khác, hãy đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Bác sĩ có thể yêu cầu lấy mẫu nước tiểu để kiểm tra nhiễm trùng hoặc đề nghị tiến hành các xét nghiệm máu để kiểm tra các dấu hiệu tổn thương thận.

Điều trị

Mất nước

Điều trị mất nước thường rất đơn giản như là uống nhiều nước và ăn các thực phẩm chứa nhiều nước. Tuy nhiên, khi bị mất nước nghiêm trọng có thể phải nhập viện.

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)

Hầu hết các bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu đều đáp ứng tốt với các thuốc kháng sinh. Khi bị nhiễm trùng nặng, người bệnh cần tiêm tĩnh mạch các thuốc này.

Nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STI)

Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào từng loại STI. Nhiễm trùng như lậu và giang mai thường đáp ứng tốt với thuốc kháng sinh.

Sỏi thận

Đối với những viên sỏi lớn, bác sĩ có thể kê toa thuốc giảm đau hoặc sử dụng liệu pháp sóng siêu âm để phá vỡ chúng thành những mảnh nhỏ hơn để cơ thể bài tiết chúng dễ dàng. Nếu những viên sỏi quá lớn có thể phải phẫu thuật để loại bỏ.

Viêm âm đạo

Dùng thuốc kháng sinh, thuốc chống nấm hoặc thuốc kháng virus để điều trị viêm âm đạo. Ngoài ra, những người có cơ địa dị ứng nên tránh sử dụng các loại xà phòng hoặc chất tẩy rửa có tính kích ứng mạnh.

Viêm tuyến tiền liệt

Viêm tuyến tiền liệt có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, đối với các trường hợp mãn tính, bác sĩ sẽ đề nghị dùng thuốc để kiểm soát bệnh.

Bệnh tiểu đường

Khi bị tiểu đường cần xét nghiệm nước tiểu thường xuyên để kiểm tra các tổn thương ở thận. Ngoài sử dụng thuốc, chế độ ăn uống và vận động thích hợp cũng giúp làm giảm lượng đường trong máu, ngăn các biến chứng có thể xảy ra.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Trắc nghiệm sức khỏe: Quan sát màu sắc nước tiểu bắt bệnh
  • Mối liên hệ giữa màu sắc nước tiểu và bệnh thận
  • Tình trạng nước tiểu tiết lộ điều gì về sức khỏe của bạn?

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!