Ô nhiễm không khí làm thay đổi hành vi của vi khuẩn gây bệnh

Sống khỏe mạnh - 09/20/2024

Các nhà nghiên cứu Đại học Leicester (Anh) mới đây công bố kết quả thí nghiệm về mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và hành vi của các loại vi khuẩn.

 Theo đó, ô nhiễm không khí dẫn dến gia tăng lượng vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm.

Ô nhiễm không khí gây ra do sự gia tăng đáng kể các hạt lơ lửng trong không khí từ khí thải nhà máy, phương tiện giao thông và nhà máy nhiệt điện. Ô nhiễm không khí có thể gây tổn thương mô phổi, gây ra những cơn hen xuyễn, tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và ung thư phổi. Theo các nhà nghiên cứu môi trường vi trùng học, các-bon đen, một trong  những loại hạt lơ lửng chính trong không khí ô nhiễm, gây ra hiện tượng thay đổi hành vi của các vi khuẩn gây bệnh.

Ô nhiễm không khí làm thay đổi hành vi của vi khuẩn gây bệnh

Ảnh minh họa: Reuters.

Nhận thấy trước đây các nghiên cứu thường chỉ tập trung vào tác động của ô nhiễm không khí lên hệ miễn dịch mà chưa thực sự đi vào xem xét tác động của nó lên hành vi của vi khuẩn, nhà sinh vật học Julie Morrissey thuộc Đại học Leicester cùng các cộng sự đã đưa nghiên cứu của mình đi theo hướng này.

Để biết rõ cách thức phản ứng của vi khuẩn trong các điều kiện khác nhau, Shane Hussey, nghiên cứu sinh do Morrissey hướng dẫn, đã đưa các-bon đen vào các tổ chức phế cầu khuẩn và tụ cầu vàng. Đây là các tổ chức vi khuẩn này tồn tại bình yên trong và trên cơ thể người ở điều kiện bình thường nhưng có thể trở thành nguyên nhân gây viêm phổi và nhiễm trùng da.

Hussey đã đưa các-bon đen vào các tổ chức vi khuẩn này khi chúng đang trong quá trình hình thành màng sinh học bảo vệ tế bào. Kết quả cho thấy các màng sinh học có sự tác động của các-bon đen phát triển khác với các màng sinh học thông thường. Các màng sinh học này dày hơn đáng kể, giúp vi khuẩn tránh tác dụng của kháng sinh và có thể thay đổi khả năng gây bệnh của vi khuẩn.

Khi có sự xuất hiện của kháng sinh, các tổ chức phế cầu khuẩn có sự tác động của các-bon đen đều gia tăng khả năng kháng thuốc penicilin, vốn được dùng để điều trị viêm phổi; một vài chủng tụ cầu vàng cũng giảm độ nhạy cảm với các loại kháng sinh. Khi trộn các-bon đen với phế cầu khuẩn và đặt ở mũi của nhóm chuột thực nghiệm, vi khuẩn tràn nhanh xuống phổi; đây là giai đoạn đầu dẫn đến nhiễm trùng phổi. Hiện tượng này không xảy ra trên nhóm chuột đối chứng không sử dụng các-bon đen.

Như vậy, ô nhiễm không khí khiến các vi khuẩn có hại tăng cường khả năng kháng kháng sinh và có thể biến đổi thành các chủng vi khuẩn nguy hiểm hơn, tác động lên sức khỏe con người, khiến chúng ta trở nên dễ bị nhiễm trùng hơn.

(theo The Atlantic)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!