Không khí ô nhiễm đang là mối nguy hại toàn cầu bởi những ảnh hưởng nghiêm trọng gây ra cho sức khỏe con người. Trong đó trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nhất do cơ thể đang trong giai đoạn phát triển, tăng trưởng và hoàn toàn thụ động trước những tác hại môi trường do người lớn gây ra.
Bé gái 8 tuổi mắc ung thư phổi vì không khí ô nhiễm
Năm ngoái, một bé gái 8 tuổi ở tỉnh Giang Tô miền Đông Trung Quốc được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi và là trường hợp nhỏ tuổi nhất mắc căn bệnh này ở Trung Quốc. Nguyên nhân gây bệnh được bác sĩ xác định là do ô nhiễm không khí bởi vì cô bé sống gần một con đường lớn.
Rất nhiều đứa trẻ đang lớn lên ở nơi mà người lớn coi trọng phát triển kinh tế hơn sức khỏe
Hơn 1 triệu trẻ em tử vong vì nhiễm khuẩn hô hấp cấp do ô nhiễm không khí
Theo thống kê và phân tích từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ trong năm 2012 thế giới có 7 triệu trường hợp tử vong do các bệnh liên qua đến ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các bệnh gây ra do ô nhiễm không khí. Tổ chức này cũng cho biết, mỗi năm có đến 2 triệu trẻ em tử vong vì bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp, trong đó 60% là do ô nhiễm không khí.
Ngoài ra, trong một báo cáo khác, WHO cũng đưa ra dự tính khoảng 3-5% trẻ em trên toàn thế giới sinh ra với khuyết tật bẩm sinh do ô nhiễm môi trường.
Tại Việt Nam, số trường hợp mắc bệnh liên quan đến ô nhiễm môi trường gia tăng mạnh. Chỉ tính riêng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 ở Tp.HCM, so sánh số liệu năm 1996 và 2005 cho thấy, số trẻ em phải nhập viện điều trị bệnh hen suyễn tăng từ 3.047 trường hợp lên đến 11.491, viêm tai giữa tăng từ 441 lên 1.999 ca, nhiễm khuẩn hô hấp dưới tăng từ 2.727 trường hợp lên 3.772.
Bệnh về đường hô hấp là những căn bệnh đe dọa trẻ sống trong môi trường ô nhiễm
Trong báo cáo đánh giá của WHO, phần lớn các trường hợp chết do các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí là bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, thần kinh, tim mạch, ung thư. Trong đó ung thư phổi và phổi tắc nghẽn mạn tính là hai chứng bệnh nguy hiểm nhưng khi phát hiện ra thì bệnh đã chuyển biến nặng. Chất ô nhiễm trong không khí cũng làm tăng độc tố trong máu gây xơ vữa động mạch, cao huyết áp dẫn tới các bệnh tim mạch và những hệ lụy nguy hiểm như suy tim, đột quỵ.
Trẻ nhỏ sống trong môi trường không khí ô nhiễm sẽ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp
Một nghiên cứu đã được công bố cho thấy ô nhiễm môi trường có liên quan đến sự gia tăng bệnh tiểu đường tuýp 2 ở trẻ nhỏ. Từ kết quả xét nghiệm mẫu máu của 378 trẻ nhỏ 10 tuổi, các nhà khoa học đã phát hiện ra trẻ nhỏ sống trong khu vực không khí ô nhiễm có nồng độ insulin cao hơn hẳn so với trẻ nhỏ sống trong khu vực ít bị ô nhiễm.
Dấu hiệu ban đầu cho thấy trẻ đang có vấn đề sức khỏe liên quan đến ô nhiễm không khí
Trước đây rất hiếm trường hợp trẻ 2 tuổi bị hen phế quản, nhưng nay những trường hợp này xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Bệnh viêm mũi thường chỉ có triệu chứng sổ mũi nay có thêm viêm họng và viêm thanh quản. Các bệnh đường hô hấp có dấu hiệu như quấy khóc, sổ mũi, ho, sốt, rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra với những trường hợp trẻ bị suy hô hấp sẽ có triệu chứng như khó thở, nhịp thở tăng so với độ tuổi, cánh mũi thở phập phồng, co kéo cơ hô hấp, tím tái ở môi và các đầu chi.
Hạn chế tối thiểu mọi tác động của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe của trẻ nhỏ
Theo báo cáo năm 2014, Hà Nội đứng trong danh sách những Thủ đô ô nhiễm nhất Đông Nam Á và châu Á. Không khí tại Hà Nội đã vượt quy chuẩn cho phép chủ yếu là hàm lượng nụi cao hơn 1-2 lần tiêu chuẩn, theo số liệu thống kê của Tổng cục Môi trường. Trong một cuộc nghiên cứu khác, có đến 72% hộ gia đình mắc bệnh do ô nhiễm không khí trên địa bàn TP Hà Nội.
Hãy cho trẻ nhỏ được lớn lên trong một môi trường trong lành
Đầu tháng 3 này, chỉ số AQI (chỉ số báo cáo chất lượng không khí hàng ngày) được đo tại một phố Láng Hạ, Hà Nội, là 159, được xếp vào loại không lành mạnh. Con số này khiến nhiều người phải lo lắng, đặc biệt là những người đang mắc những bệnh về hô hấp.
Còn ở TP. HCM, những ngày tháng 10 năm ngoái bị đe dọa bởi hiện tượng mù khô, sương mù trắc đục che phủ tầm nhìn. Hiện tượng này xảy ra được cho là do nạn cháy rừng ở Indonesia và tình trạng ô nhiễm không khí của thành phố này. Rất nhiều người đã phải nhập viện do gặp vấn đề về hô hấp do mù khô.
Để hạn chế tác động của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe trẻ nhất là ô nhiễm môi trường trong nhà, cần đẩy khí bẩn ra ngoài bằng cách lắp đặt đường ống thông gió chuyên dụng và thường xuyên mở cửa thúc đẩy trao đổi không khí. Lắp đặt quạt thông gió, quạt hút mùi ở những khu vực hay tạo mùi trong nhà như bếp, vệ sinh để môi trường sống trong nhà được thông thoáng hơn. Trồng thêm các loại cây xanh trong nhà để giảm lượng khí CO2.
Đối với môi trường ngoài nhà, chuẩn bị khẩu trang hoặc mặt nạ chống độc cho trẻ khi đưa trẻ ra ngoài trời. Nếu có việc cần phải đưa trẻ ra ngoài thì nên đi vào buổi sáng sớm vì đây là lúc không khí ít bị ô nhiễm nhất.
Tăng sức đề kháng và hệ miễn dịch bằng việc cho trẻ uống nhiều nước và các loại nước ép trái cây, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tập luyện thể dục thường xuyên.
Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu liên quan đến các bệnh hen suyễn, bệnh về đường hô hấp, nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa nhi ở các cơ sở khám chữa bệnh uy tín.
Ảnh minh họa: Internet
Vân Doãn
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!