Ðối phó với bệnh gan trong thai kỳ

Làm mẹ - 11/24/2024

Thống kê cho thấy khoảng 3 - 10% phụ nữ mang thai phát triển một số rối loạn liên quan đến gan. Một số bệnh về gan khi mang thai gồm gan nhiễm mỡ cấp tính, ứ mật trong gan, hội chứng HELLP và bệnh viêm gan virut cấp.

Do bệnh gan có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng trong thai kỳ, vì vậy hiểu biết về các loại bệnh lý gan thai kỳ và hướng xử trí là cần thiết cho bà mẹ mang thai.

Phụ nữ mang thai có các triệu chứng như mệt mỏi nghiêm trọng, buồn nôn và nôn kéo dài... nên đến gặp bác sĩ, bởi có thể đã mắc một bệnh lý gan cần điều trị.

Chứng ứ mật trong gan trong thai kỳ: Đây là một trong những rối loạn về gan phổ biến nhất ở phụ nữ mang thai. Chứng ứ mật này có liên quan đến việc mang thai dẫn đến những bất thường trong dòng chảy của mật. Gan tạo ra mật để giúp tăng cường hấp thụ và tiêu hóa chất béo. Chứng ứ mật trong gan thai kỳ dẫn đến sự tích tụ axit mật trong máu của thai phụ, có thể gây nguy hiểm hoặc ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi và làm cho thai phụ mắc các rối loạn như ngứa da nghiêm trọng và vàng da.

Điều trị chứng ứ mật trong gan thai kỳ, dựa vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc acid ursodeoxycholic để làm giảm ngứa da nghiêm trọng, đồng thời cũng giúp cải thiện chức năng gan và làm giảm nguy cơ tử vong. Siêu âm và các xét nghiệm khác có thể được chỉ định để theo dõi chặt chẽ nhịp tim và tình trạng của em bé. Khuyến cáo nên sinh sớm trong trường hợp thai nhi có bất thường về nhịp tim.

Ðối phó với bệnh gan trong thai kỳ

Gan nhiễm mỡ trong thai kỳ là một bệnh lý nguy hiểm.

Gan nhiễm mỡ cấp tính trong thai kỳ: Là một trong những rối loạn gan nghiêm trọng nhất trong thai kỳ, tình trạng này thường ảnh hưởng đến thai phụ trong ba tháng cuối của thai kỳ. Gan nhiễm mỡ cấp tính trong thai kỳ là một tình trạng bệnh lý gan hiếm hoi, với tỷ lệ mắc là 1/13.000 trường hợp mang thai, nhưng có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng.

Gan nhiễm mỡ cấp tính trong thai kỳ có thể dẫn đến suy gan, gây ra rối loạn tâm thần và hôn mê. Nếu không phát hiện sớm, bào thai và mẹ có thể tử vong. Các triệu chứng phổ biến nhất của gan nhiễm mỡ cấp tính trong thai kỳ gồm buồn nôn, mệt mỏi, đau bụng và nôn mửa. Một số thai phụ cũng có thể bị vàng da.

Gan nhiễm mỡ cấp tính trong thai kỳ cần được điều trị ngay, vì chậm trễ có thể dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng. Bệnh nhân cần được nhập viện và liên tục theo dõi tình trạng của thai nhi và xử trí chuyên khoa.

Tiền sản giật: Tiền sản giật có thể gây tăng men gan và cũng có thể gây sưng gan. Đây là một trong những rối loạn nghiêm trọng nhất của gan trong thai kỳ, và bệnh thường ảnh hưởng trong ba tháng cuối của thai kỳ. Triệu chứng phổ biến nhất là tăng huyết áp. Khi không được điều trị, tiền sản giật sẽ dẫn đến đột quỵ, động kinh, và thậm chí tử vong cho mẹ và con. Vì vậy, điều quan trọng là phát hiện sớm và điều trị ngay để ngăn ngừa tổn thương gan.

Điều trị: Điều quan trọng là phải thực hiện các biện pháp để ngăn ngừa bất kỳ tổn hại nào đối với gan. Trong trường hợp bị tiền sản giật quá sớm trong thai kỳ, bác sĩ có thể cho thuốc để giảm huyết áp. Thuốc chống co giật và corticosteroid cũng có thể giúp làm giảm các triệu chứng.

Viêm gan do virut cấp tính: Viêm gan do virut có thể dẫn đến một số biến chứng trong thời kỳ mang thai. Có ba loại viêm gan do virut: viêm gan A, B, và C. Khi người phụ nữ mắc bệnh này trong thời kỳ mang thai sẽ phải đối mặt với một số rối loạn về gan. Viêm gan B có thể ảnh hưởng đến bào thai. Một số biểu hiện phổ biến nhất của viêm gan virut cấp tính là đau tức ở vùng bụng, mệt mỏi, vàng da và sốt. viêm gan b không được điều trị có thể dẫn đến suy gan và ung thư gan.

Điều trị: Trước tiên, cần xác định chủng virut gây viêm gan và từ đó xác định cách điều trị phù hợp.

Đối với viêm gan A: Khi thai phụ mắc viêm gan A cần phải chú ý tới việc uống đủ nước và dinh dưỡng. Globulin miễn dịch có thể được kê cho phụ nữ mang thai mắc viêm gan A.

Đối với viêm gan B: Nếu thai phụ có HBsAg dương tính, em bé nên được điều trị dự phòng globulin miễn dịch ngay sau khi sinh. Trẻ sinh ra cũng nên được chủng ngừa vắc-xin viêm gan B trong 1 tuần, 1 tháng và 6 tháng tuổi. Điều này giúp làm giảm nguy cơ phát triển bệnh viêm gan B cho trẻ sơ sinh.

Ðối phó với bệnh gan trong thai kỳ

Ngứa da có thể là dấu hiệu về bệnh gan trong thai kỳ.

Đối với viêm gan C: Không có phương pháp điều trị đặc hiệu nào ngăn chặn việc truyền virut viêm gan C từ mẹ cho trẻ sơ sinh. Interferon là một lựa chọn, nhưng không thể dùng thuốc trong thai kỳ vì những tác dụng nguy hiểm đối với bào thai.

Hội chứng HELLP: Trong nhiều rối loạn về gan trong thai kỳ, một rối loạn nghiêm trọng là hội chứng HELLP. Trong hội chứng HELLP, sản phụ bị thiếu máu, mức tiểu cầu thấp và các men gan tăng cao. Hội chứng HELLP có nhiều khả năng phát triển trong ba tháng cuối thai kỳ và cũng có thể phát triển sau khi đẻ. Hội chứng HELLP có thể dẫn đến một số biến chứng và dẫn đến tổn thương gan cũng như suy thận. Các rối loạn về chảy máu, đột quỵ và tử vong là những hậu quả có thể xảy ra.

Điều trị: Sản phụ có thể chỉ định chuyển dạ sớm, vì việc sinh con là cách điều trị duy nhất ở đây. Việc cấp cứu ngay lập tức là rất cần thiết, vì hội chứng HELLP có sự khởi phát và tiến triển rất nhanh.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!