Phải coi dược liệu là kho báu để xóa đói, giảm nghèo

Sống khỏe mạnh - 05/15/2024

Ngày 12/4 tại tỉnh Lào Cai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ Chu Ngọc Anh cùng nhiều đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tham dự hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đất nước ta có truyền thống quý báu về y học cổ truyền (YHCT) với nhiều cây thuốc quý nổi tiếng. Tiềm năng to lớn như vậy nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu to lớn của thị trường trong và ngoài nước. Việc khai thác, nuôi trồng, sản xuất, chế biến, quy hoạch nguồn dược liệu còn manh mún, bất cập, hiệu quả thấp, không có đầu ra bền vững. Thậm chí, nhiều loại dược liệu quý hiếm có nguy cơ cạn kiệt. Thủ tướng khẳng định, chủ trương của Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến YHCT, coi đây là một kho báu có tiềm năng phát triển lớn không chỉ giúp xoá đói giảm nghèo mà còn giúp một bộ phần người dân ấm no, hạnh phúc. Chính vì vậy cần có những chính sách, nhất là các cơ chế, giải pháp để thu hút đầu tư nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp nuôi trồng dược liệu đạt chất lượng.

Phải coi dược liệu là kho báu để xóa đói, giảm nghèo

Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 80% dân số tại các quốc gia đang phát t. Tại Việt Nam, nhu cầu dược liệu trong nước khoảng gần 60 đến 80 nghìn tấn/năm.

Thống kê của Viện Dược liệu cho thấy, hiện nước ta đã ghi nhận khoảng 5.600 loài thực vật, nấm và khoáng vật có công dụng làm thuốc, trong đó có nhiều loài dược liệu quý, hiếm, đặc hữu như: Sâm Ngọc Linh, Ba Kích, Châu Thụ, Ngân Đằng… Dù có tiềm năng thế mạnh rất lớn về tài nguyên dược liệu nhưng có một nghịch lý, nước ta mới chủ động được 25% nhu cầu, còn 75% phụ thuộc nguồn nhập khẩu. Mặt khác, số lượng nguồn dược liệu ở nước ta rất phong phú nhưng số đạt tiêu chuẩn lại khiêm tốn. Hiện chỉ có 11 cây dược liệu được trồng rải rác ở một số tỉnh (như: Phú Yên, Lào Cai, Nam Định...) đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc” (GACP) của WHO.

Trình bày báo cáo của Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ ra 8 tồn tại trong công tác phát triển nguồn dược liệu thẳng thắn cho rằng, chúng ta chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà (gồm: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, doanh nghiệp). Vì vậy, có trường hợp dược liệu đột biến tăng giá gấp vài chục lần vì trồng ít mà nhu cầu sử dụng và xuất khẩu tăng. Thế nhưng, có trường hợp nông dân nuôi trồng nhiều lại không có người mua, do đó, họ phải phá đi một diện tích lớn cây thuốc. Bệnh cạnh đó, công tác tuyển chọn giống cây dược liệu hiện vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức.

“Chúng ta chưa có quy định đặc thù về thời gian, thủ tục, tiêu chí công nhận giống cây dược liệu so với các loại cây nông nghiệp khác. Vì vậy, cho đến nay chưa có một giống cây dược liệu nào được công nhận chính thức. Chúng ta cũng thiếu các quy trình kỹ thuật nuôi trồng chuẩn và thiếu chuyên gia. Điều này dẫn tới tình trạng, nhiều dược liệu sau nhiều năm nuôi trồng nhưng khi thu hoạch không đạt được chất lượng, hàm lượng hoạt chất rất thấp, thậm chí có trường hợp hầu như không có hoạt chất”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Dẫn chứng cho nhận định trên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu ví dụ, sâm Ngọc Linh là một trong những loài sâm quý, đặc hữu của Việt Nam, có hàm lượng saponin cao nhất thế giới (cao hơn cả sâm Triều Tiên). Trong khi người Hàn Quốc với lợi thế về khoa học kỹ thuật, từ lâu đã ứng dụng nhiều biện pháp nâng cao chất lượng, sản xuất được nhiều loại sản phẩm khác nhau từ sâm Triều Tiên và mang lại lợi nhuận, thì cây sâm Ngọc Linh của Việt Nam hiện mới chỉ ở bước đầu nghiên cứu ứng dụng trong sản xuất thuốc, còn chủ yếu nhân dân ta dùng sâm Ngọc linh để ngâm rượu. Ngay cả Pháp và Mỹ đã chiết xuất hoạt chất taxon từ cây Thông Đỏ để sản xuất thuốc ung thư và đưa ra thị trường từ năm 1994, đem lại doanh thu hàng chục tỷ đô la mỗi năm.

Phải coi dược liệu là kho báu để xóa đói, giảm nghèo

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiên thăm gian hàng thuốc sản xuất từ dược liệu trưng bày tại hội nghị

Hiện nay, việc kiểm soát chất lượng dược liệu gặp nhiều khó khăn. Số lượng và số loại dược liệu lưu hành trên thị trường nhiều. Trong khi đó, trang thiết bị, máy móc và năng lực của hệ thống kiểm nghiệm trong nước chưa đáp ứng đủ. Tại các địa phương với tiềm năng lớn về phát triển dược liệu chưa có lực lượng chuyên trách để quản lý hiệu quả.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, chúng ta đang thiếu các dược liệu chuẩn, các chất chuẩn dược liệu dùng để kiểm tra chất lượng. Cơ sở dữ liệu về dược liệu chuẩn đối chiếu, các chất chiết được từ dược liệu dùng phục vụ công tác kiểm nghiệm còn hạn chế. Trong số 357 chuyên luận về dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền trong Dược điển Việt Nam, chỉ có 3 chuyên luận về dược liệu chế biến, vì vậy chưa có cơ sở để tiêu chuẩn hóa các dược liệu này. Trong khi đó, việc phòng chống buôn lậu về dược liệu còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là các tỉnh biên giới phía Bắc và một số tỉnh, thành phố có sử dụng nhiều dược liệu. Chính vì vậy, việc quản lý dược liệu nhập khẩu có thể coi là bất cập lớn nhất hiện nay

Thảo luận tại hội nghị,đại diện một số địa phương và doanh nghiệp cho rằng, cần có quy hoạch vùng dược liệu rõ ràng; chọn một số loại cây dược liệu quý làm trọng tâm trọng điểm, như tam thất ở Hà Giang, Cao Bằng; y dĩ ở Sơn La, Lào Cai, Yên Bái; cây đẳng sâm ở Sơn La; ba kích ở Bắc Giang, Quảng Ninh; sâm Ngọc Linh của Quảng Nam…

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết, đang phát triển mô hình trồng cây sâm Ngọc Linh, khuyến khích cả doanh nghiệp và người dân thuê môi trường rừng để phát triển cây sâm quý này. Hiện đã có 1.200 ha sâm Ngọc Linh, giúp doanh nghiệp liên kết vói người dân trong nuôi trồng, sản xuất trên quy mô lớn.

Về phía tỉnh Quảng Ninh đại diện lãnh đạo tỉnh  đề nghị cần xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng, phát triển dược liệu. Khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ, công nghệ cao trong việc nghiên cứu phát triển sản phẩm giá trị cao từ dược liệu.

Cùng với đó là có giải pháp kiểm soát, quản lý chất lược đối với dược liệu nhập khẩu, có chính sách khuyến khích đối với các dược liệu sản xuất trong nước đạt tiêu chuẩn GACP trong đấu thầu dược liệu vào các bệnh viện công lập.

Phải coi dược liệu là kho báu để xóa đói, giảm nghèo

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiên thăm gian hàng thuốc sản xuất từ dược liệu trưng bày tại hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải nhìn nhận lại vai trò của dược liệu trong phạm vi quốc gia, từng địa phương cũng như các ngành, đặc biệt là ngành y tế để chú trọng, tập trung phát triển. Tổ chức lại ngành dược liệu trong tất cả các khâu, trong đó chú ý khâu sản xuất, chế biến, sử dụng, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại. Phát triển dược liệu trong nước phải là một chiến lược của ngành y tế.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, nếu không đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ ứng dụng trong nuôi trồng, chế biến dược liệu thì đầu ra của dược liệu nước ta sẽ bế tắc. Cùng đó, phải có hình thức, biện pháp quảng bá mạnh mẽ dược liệu Việt Nam ra thế giới.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phát triển dược liệu phải gắn với nhu cầu thị trường, trước hết là thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu. Muốn vậy, cần tăng cường liên kết “5 nhà” trong phát triển sản xuất, tiêu thụ dược liệu. Cùng đó cần đặt vấn đề quy hoạch nuôi trồng, sản xuất dược liệu gì, ở đâu. Đặc biệt, phải coi dược liệu là một sản phẩm quốc gia. Coi sản xuất nuôi trồng dược liệu là nông nghiệp công nghệ cao để có chính sách đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ gợi ý ngành y tế phối hợp với ngành NN&PTNT có thể chọn 100 cây dược liệu trong số hơn 5.000 loại dược liệu ở nước ta hiện nay để nuôi trồng theo tiêu chuẩn GACP-WHO nhằm nâng cao hiệu quả; khẩn trương ban hành tiêu chuẩn quy trình nuôi trồng dược liệu

Về sử dụng dược liệu,Việt Nam phổ cập bằng cây dược liệu Việt Nam là một yêu cầu đối với ngành y tế. Mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế đối với việc sử dụng dược liệu và thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu. Có cơ chế đặc thù thanh toán cho thuốc nam, dược liệu tươi dùng trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Khuyến khích việc khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Đơn giản hóa thủ tục thanh toán, thuận lợi cho người bệnh sử dụng kết hợp thuốc đông y và thuốc tây y.

Bộ Y tế phối hợp với các địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền về việc sử dụng dược liệu, y dược cổ truyền, nâng cao nhận thức, vận động người dân khai thác hợp lý đi đôi với bảo tồn nguồn tài nguyên dược liệu.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương, Bộ Công an, lực lượng hải quan, bộ độ biên phòng… tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc mua bán, nhập lậu dược liệu qua biên giới, gian lận thương mại trong lĩnh vực này và xử lý nghiêm. Có như vậy, thị trường dược liệu trong nước mới phát triển.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!