Phải làm gì khi các con sàn tuổi nhau suốt ngày tranh cãi?

Nuôi dạy con - 11/28/2024

Khi các 'ngón nghề' đều không phát huy tác dụng, chị Ngọc Vân sẽ cách ly hai đứa một thời gian đủ để chúng cảm thấy nhớ nhau mà tự làm lành.

Chị Ngọc Vân (Hoàn Kiếm, Hà Nội), một bà mẹ có hai bé trai, bé lớn tên Bi, 2 tuổi rưỡi và bé em tên Bờm, 1 tuổi rưỡi, than thở rằng, ngày nào cũng thế, Bi và Bờm chơi với nhau 'hòa bình' được 15 phút là chúng bắt đầu đánh nhau, giành đồ chơi của nhau... hay thấy bố mẹ bế đứa nào trước thì đứa kia ghen tị.

Với những nhà sinh con cách nhau nhiều tuổi thì ít gặp các tình huống này nhưng trong trường hợp sàn sàn tuổi nhau như gia đình chị Vân, nếu xử không khéo, hai bé sẽ 'rủ nhau' quấy khóc và sau này có thể mất đoàn kết khiến bố mẹ 'điên đầu'. Theo kinh nghiệm của chị Vân, bố mẹ nên áp dụng khéo léo 4 bước sau để giải quyết ổn thỏa những rắc rối đó của các con.

Bước 1: Cùng lắng nghe

Xung đột thường xảy ra khi lũ trẻ cùng nhau chơi đồ chơi, cùng nhau xem phim… Khi một trong hai đứa khóc ré lên, có nghĩa là xung đột đã bắt đầu. Chị Vân kể, 'Tuần trước, thằng Bờm vì đòi đồ chơi của thằng Bi nên đã cắn vào tay anh để lấy đồ, thằng anh cáu quá xô em ngã làm em khóc ầm lên. Mình thấy vậy chạy ra mắng thằng anh làm thằng anh cũng khóc theo'.

Nhiều bố mẹ dù chưa biết đứa nào đúng-sai đã mắng mỏ thằng anh và bênh đứa em vì nghĩ em còn bé, anh phải nhường em. Nhưng 'mắng thằng anh xong, lại thấy hối hận và thương con quá. Nó còn bé mà đã có em, phải chia sẻ bố mẹ cho em rồi, chị Vân chia sẻ. Trong trường hợp này, bố mẹ hãy bình tĩnh hỏi han sự tình và áp dụng chiêu 'cùng đúng và cùng sai', kiên nhẫn giải thích cho từng đứa để chúng hiểu chúng đã sai hay đúng ở đâu để làm giảm bớt căng thẳng giữa hai đứa.

Phải làm gì khi các con sàn tuổi nhau suốt ngày tranh cãi?

Anh em gần bằng tuổi nhau thường dễ cãi lộn, tranh giành nhau (Ảnh minh họa: Internet)

Bước 2: Đánh lạc hướng

Sau khi lắng nghe, giải thích, bố mẹ cần dùng chiêu 'đánh lạc hướng' cho các con quên đi chuyện vừa xảy ra. Trẻ con thường hay 'giòn cười, tươi khóc' nên chiêu này cũng khá hay. Bố có thể chơi cùng với đứa lớn trò cưỡi ngựa, mẹ thì dỗ đứa nhỏ cái bánh, cái kẹo mà con vẫn thích ăn. Khi các con cười và hứng thú với các trò mới của bố mẹ, con sẽ mau quên chuyện chúng giận nhau.

Bước 3: Giúp các con làm lành

Khi lũ trẻ đã nín khóc, đã cười tươi với bố mẹ nhưng vẫn chưa chịu nói chuyện với nhau thì đây là lúc, chị Vân nói với lũ trẻ rằng: 'Bi và Bờm là anh em mà, chúng mình yêu nhau chứ không cãi nhau đâu nhỉ?'. Câu nói này thường đánh vào tâm lý của trẻ, khiến trẻ cảm thấy 'mềm lòng' nên, Bi và Bờm lập tức bắt tay làm hòa. Chị Vân còn chia sẻ, 'sau đó hai bạn ý lại rủ nhau chơi trò lắp máy bay vui vẻ như chưa từng xảy ra chuyện gì cả. Trẻ con là thế mà'.

Phải làm gì khi các con sàn tuổi nhau suốt ngày tranh cãi?

Nếu bố mẹ không khéo léo xử lý thì tình cảm anh chị xem sẽ dễ trở nên xa cách (Ảnh minh họa: Internet)

Bước 4: Cách ly hai đứa

Bước cuối cùng được áp dụng trong trường hợp 'xung đột' của hai con có vẻ dai dẳng và to chuyện. Bố mẹ đã áp dụng hết 'ngón nghề' rồi mà cả hai đứa vẫn còn quấy khóc, mè nheo. Theo chị Vân, trong những tình huống như thế này, chị sẽ bế bé Bờm và bố bế bé Bi, mỗi cặp một phòng để làm 'công tác tư tưởng'. Thậm chí, việc đưa một đứa sang nhà ông bà cũng là việc nên làm. Hai anh em đang chơi với nhau hàng ngày mà giờ một đứa sang nhà ông bà, đứa còn lại sẽ thắc mắc, lo lắng không biết anh, chị, em của mình đi đâu.

Việc cách ly tạm thời này sẽ làm cho lũ trẻ làm lành nhanh chóng khi gặp lại nhau. 'Bé Bờm bình thường hay giành đồ chơi với anh như thế nhưng thấy không có anh, cứ luôn miệng hỏi 'Anh Bi đâu?', nó còn để dành một con siêu nhân chờ anh về cho anh nữa'- Chị Vân cười tươi kể lại.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!