Phân biệt con so với con sam để tránh ngộ độc

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Con so có kích thước nhỏ hơn con sam. Đuôi so có tiết diện hình tròn hoặc hình bầu dục, không có gai như sam biển.

Tử vong do ăn nhầm phải con so biển

Sam và so biển đều là động vật giáp xác thân mềm, sinh sống chủ yếu ở vùng ven biển. So và sam biểm có ngoại hình khá giống nhau, nhưng so biển lại chứa chất độc nguy hiểm, có thể gây chết người.

Nhiều trường hợp tử vong đã xảy ra do người dùng nhầm lẫn, ăn phải so biển có chất độc. Vào ngày 3/2 vừa qua tại Sóc Trăng đã xảy ra vụ ngộ độc ăn nhầm so biển, làm 1 người tử vong và 4 người phải đi cấp cứu trong tình trạng nguy cấp.

Con so biển độc hơn sam do có chứa độc tố Tetrodotoxins rất nguy hiểm. Tetrodotoxins là chất độc thần kinh, gây tử vong cao. Chất độc này tập trung chủ yếu ở buồng trứng của so biển, vào mùa sinh sản, độc tố càng lan rộng và trở nên nguy hại hơn.

Người ăn phải thịt so, sau khi chất độc ngấm vào cơ thể, sẽ bị nôn mửa, khó thở, đau bụng, môi bắt đầu tê cứng. Chất độc ngấm dần, có thể gây ức chế thần kinh và gây suy hô hấp. Nếu không cứu chữa kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.

Phân biệt con so với con sam để tránh ngộ độc

Ăn nhầm so biển có thể gây tử vong (Ảnh minh họa: Internet)

Phân biệt con so với con sam

Nếu không để ý kỹ chúng ta thường nhầm con so có chứa độc tố với sam biển vì chúng có vẻ bên ngoài khá tương đồng nhau. Tuy vậy, giữa chúng vẫn có một số điểm khác biệt, được thể hiện ở một số khía cạnh như sau:

- Môi trường sống: Đối với con sam, môi trường sinh sống thiết yếu là các dải cát có thủy triều cao. Còn so biển, môi trường sinh sống thiết yếu là các lạch nước ngọt.

- Kích thước: Con sam thường có kích thước lớn hơn con so biển, chiều dài là 17 - 34 cm, cân nặng có thể đạt 3,8 kg. Con so nhỏ hơn, chiều dài thân chỉ từ 20 - 25 cm. Khối lượng thường dưới 1 kg. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý, sam trưởng thành đạt được mức cân và chiều dài như trên cần thời gian khoảng 10 năm. Chính vì vậy, nhiều người có thể nhầm lẫn con so biển với con sam còn non.

Phân biệt con so với con sam để tránh ngộ độc

Con sam (lớn, trái) và hai con so (nhỏ, phải) (Ảnh: Tuổi trẻ)

- Đuôi: Cách dễ nhận biết nhất giữa con sam với con so chính là phần đuôi. Đuôi con sam có tiết diện hình tam giác, với 3 cạnh kéo dài đến tận cuối phần đuôi. Ở đỉnh tam giác có gai nhọn giống như lưỡi cưa. Đuôi con so thì ngược lại, có tiết diện hình tròn hoặc hình bầu dục và không hề có gai nhọn như sam biển.

- Di chuyển: Con sam thường đi theo cặp, con đực thường bám trên lưng con cái. So biển thì di chuyển đơn lẻ. Tuy nhiên, vào mùa sinh sản con so cũng đi theo cặp với nhau, nên cần chú ý kỹ.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc khi ăn phải con so, bạn lưu ý tuyệt đối không ăn thử khi không chắc chắn đâu là con so, đâu là sam biển. Nên lựa chọn nhà hàng hải sản uy tín để ăn sam biển.

Nếu có trường hợp bị ngộ độc so biển, cần cho người bệnh uống thật nhiều nước, tìm mọi cách gây ói hết thức ăn có trong dạ dày càng nhanh càng tốt. Sau đó nhanh chóng đưa người bị ngộ độc đến cơ sở y tế gần nhất.

Hồng Nam

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!