Phân biệt dọa sảy thai và sảy thai

Mang thai - 11/24/2024

Dọa sảy thai là tình trạng khá thường gặp trong 6 tháng đầu của thai kì, hay gặp ở những phụ nữ có những bất thường ở tử cung.

Dọa sảy thai là hiện tượng chảy máu âm đạo trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Trong dọa sảy thai, chảy máu và đau thường nhẹ và cổ tử cung đóng. Bác sĩ có thể xác định được cổ tử cung có mở hay không bằng cách khám âm đạo. Thường thì không có mẫu mô nào đi ra từ tử cung. Tử cung và vòi trứng có thể mềm.

Sảy thai xảy ra khi thai kỳ bị chấm dứt mà không có nguyên nhân rõ ràng trước khi thai có thể sinh ra và có khả năng sống được, thường thì tương đương với thai ở tuần thứ 20 đến tuần thứ 22. Tuổi thai này được tính từ ngày đầu tiên của lần có kinh cuối cùng. Sảy thai là một biến chứng thường gặp khi mang thai. Nó xảy ra ở khoảng 20% thai phụ.

Để chị em hiểu rõ hơn về vấn đề này, Th.S Vũ Thị Tuyết Mai và BS. Nguyễn Thị Thúy, Bộ Y tế sẽ giải đáp một số thắc mắc liên quan.

Câu hỏi 1:

Em năm nay 22 tuổi, em đang có thai được 6 tuần thì bị ra máu, đi khám bác sĩ bảo em bị động thai. Em đã uống thuốc và nghỉ ngơi đầy đủ mà vẫn bị ra máu. Vậy em có giữ được thai hay không?

Phân biệt dọa sảy thai và sảy thai

Ảnh minh họa

Trả lời:

Chào bạn!

Ra máu trong khi mang thai có thể do động thai (dọa sảy thai), rau tiền đạo…. Khi có thai nếu ra máu là bệnh lý, cần xác định ra máu từ tử cung hay âm đạo, thai phụ phải đi khám thai ngay để theo dõi và điều trị. 

Dọa sảy thai là tình trạng khá thường gặp trong 6 tháng đầu thời kỳ thai nghén, hay gặp ở những phụ nữ có những bất thường ở tử cung (như u xơ tử cung, tử cung đôi, tử cung 2 sừng...), với những biểu hiện đặc trưng như chảy máu âm đạo kèm theo đau bụng vùng dưới rốn, đau liên tục có lúc trội lên thành cơn.

Trong trường hợp này, thai phụ sẽ được chỉ định phải nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh, đồng thời dùng các thuốc giảm co, làm mềm cơ tử cung. Nếu ra máu nhiều, kéo dài, bác sĩ có thể thể cho dùng thêm thuốc kháng sinh để tránh nguy cơ nhiễm trùng.

Trong trường hợp của bạn, đã dùng thuốc theo đơn bác sĩ kê và nghỉ ngơi, nhưng vẫn ra máu. Bạn cần theo dõi kỹ hiện tượng ra máu: số lượng máu ra có tăng hay giảm so với trước khi dùng thuốc, màu sắc đỏ tươi hay sẫm màu, những dấu hiệu khác đi kèm với ra máu...

Bạn cũng cần nhớ lại những bệnh lý trước đây đã từng mắc (bệnh tim, phổi, thiếu máu...), tiền sử sản phụ khoa của bản thân (viêm nhiễm phụ khoa, u xơ tử cung, hở eo tử cung, đã từng sảy thai...), nhóm máu, Rh (nếu biết)... để báo cho bác sĩ điều trị nhằm có hướng xử lý kịp thời.

Nếu tình trạng ra máu còn nhưng đã giảm, bạn cần tiếp tục tuân thủ đơn thuốc, nghỉ ngơi, có chế độ ăn giàu dinh dưỡng, dễ tiêu, tránh thực phẩm có thể gây táo bón hoặc tiêu chảy. Tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại, khói thuốc lá... Bên cạnh đó, bạn nên giữ tâm trạng bình tĩnh, lạc quan, vì căng thẳng hoặc lo lắng quá mức cũng là nguy cơ gây sảy thai.

Chúc bạn mau khỏe!

Câu hỏi 2:

Cháu năm nay 22 tuổi, là nữ giới. Thưa bác sĩ., cháu có thai được 6 tuần rồi. Tại sao ngày nào cháu cũng bị đau bụng dưới một lát rồi lại khỏi. Bác sĩ có thể cho cháu biết như thế có phải là triệu chứng sảy thai không ạ? Cảm ơn bác sĩ!

Phân biệt dọa sảy thai và sảy thai

Ảnh minh họa

Trả lời:

Chào cháu,

Theo như triệu chứng của cháu, có rất nhiều nguyên nhân gây đau bụng dưới trong thai kỳ - có thể là những cơn đau bụng bình thường như đau do căng cơ, dây chằng, tử cung đè ép, kích thích lên các tạng xung quanh hay do dịch vị tăng tiết, cảm giác đầy hơi cũng làm người có thai khó chịu vùng bụng...

Tuy nhiên, trong một số trường hợp những cơn đau bụng dưới lại rất nguy hiểm, có thể là dấu hiệu của sảy thai. Theo tôi, cháu nên đến chuyên khoa sản để khám thai. Cháu hãy nói rõ với bác sĩ tất cả những biểu hiện đau bụng dưới đang xảy ra với cháu. Bác sĩ sẽ khám, kết luận và tư vấn về tình trạng đau của cháu.

Chúc sức khỏe!

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!