Phổi của bệnh nhân COVID-19 đã giảm mờ đục sau khi tế bào miễn dịch xuất hiện. Ảnh: BBC
Nghiên cứu này được đăng trên tạp chí y học Nature vào ngày 17/3, cho thấy bệnh nhân COVID-19 hồi phục tương tự như cách cơ thể vượt qua cảm cúm.
Đài BBC (Anh) cho biết việc phát hiện tế bào miễn dịch nào 'ra mặt' sẽ hỗ trợ cho công tác phát triển vaccine.
Giáo sư Katherine Kedzierska, người tham gia nghiên cứu đánh giá: 'Phát hiện này rất quan trọng bởi đây là lần đầu tiên chúng ta thực sự hiểu cách hệ miễn dịch chống lại virus Corona'.
Nghiên cứu do Viện Truyền nhiễm và Miễn dịch Peter Doherty tại Australia thực hiện đã được nhiều chuyên gia ca ngợi. Giáo sư Kedzierska nhấn mạnh hàng chục nhà khoa học đã nỗ lực trong 1 tháng để đưa ra những phân tích.
Có nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 đã hồi phục do vậy điều này cho thấy hệ miễn dịch của con người có thể chống lại SARS-CoV-2.
Người dân đeo khẩu trang tại Melbourne, Australia. Ảnh: Reuters
Các nhà khoa học đã theo dõi một bệnh nhân mắc COVID-19 vốn không có tiền sử mắc bệnh nền nào. Đó là người phụ nữ 47 tuổi từ Vũ Hán (Trung Quốc) được điều trị tại Australia. Nữ bệnh nhân này đã hồi phục trong vòng 14 ngày.
Ba ngày trước khi nữ bệnh nhân bắt đầu hồi phục, một số tế bào đặc biệt đã xuất hiện trong mạch máu của cô. Giáo sư Kedzierska cho biết những tế bào tương tự cũng xuất hiện trong thời điểm trước khi hồi phục của bệnh nhân mắc bệnh cúm.
Nghiên cứu do các nhà khoa học Australia thực hiện đã nhận dạng được 4 loại tế bào miễn dịch đại diện trong 'cuộc chiến' chống COVID-19 bao gồm tế bào gai không điển hình (ASC), tế bào T hỗ trợ, tế bào CD4+ T và CD8+ T cùng kháng thể IgM và IgG.
Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt cho biết phát hiện này có thể góp phần đẩy nhanh việc bào chế vaccine và cách điều trị đối với bệnh nhân COVID-19.
Giáo sư Kedzierska cho biết bước tiếp theo đối với các nhà khoa học là 'tìm ra điều thiếu sót và khác biệt với các bệnh nhân đã tử vong hoặc mắc bệnh mãn tính' để tìm ra phương pháp bảo vệ họ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết triệu chứng của COVID-19 chủ yếu là sốt, ho và khó thở, khi chụp ảnh phổi có dấu hiệu xơ. Dịch bệnh bùng phát vào cuối tháng 12/2019, làm hàng chục người lây nhiễm, sau đó tiếp tục lây lan sang 162 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Tính đến ngày 17/3, tại Australia có 368 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 và 6 người thiệt mạng.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!