Phát hiện phần mềm gián điệp VN84App giả mạo cơ quan chức năng để lừa đảo

Thời sự - 04/29/2024

Bkav vừa phát đi cảnh báo, phần mềm gián điệp VN84App được phát tán thông qua các website giả mạo cơ quan chức năng, một trong số đó là trang giả mạo Bộ Công an.

Theo các chuyên gia an ninh mạng Bkav, hệ thống gián điệp VN84App tấn công người dùng Việt Nam, ước tính đã có hơn 300 nạn nhân chỉ trong một thời gian ngắn.

Theo kết quả phân tích, phần mềm gián điệp được sử dụng trong chiến dịch này có thể xâm nhập vào smartphone để theo dõi, lấy dữ liệu người dùng và gửi về máy chủ điều khiển.

Phát hiện phần mềm gián điệp VN84App giả mạo cơ quan chức năng để lừa đảoMô hình mã độc VN84App.

Hacker lừa người dùng truy cập vào website này và tải về điện thoại ứng dụng VN84App dưới dạng tập tin .apk. Khi được cài đặt thành công, VN84App sẽ âm thầm thu thập tin nhắn, số điện thoại, thông tin IMEI… gửi về máy chủ điều khiển của hacker. Phân tích VN84App, các chuyên gia phát hiện máy chủ điều khiển có giao diện bằng tiếng Trung Quốc và tin nhắn được thu thập từ điện thoại là những giao dịch ngân hàng

Nhận định về phần mềm gián điệp VN84App, ông Nguyễn Văn Cường - Trưởng nhóm phân tích cho biết: 'VN84App là một spyware cực kì nguy hiểm, được thiết kế tinh vi để thu thập tin nhắn của người dùng, bao gồm cả những thông tin nhạy cảm như mã OTP để giao dịch ngân hàng, tin nhắn riêng tư… Mã độc này còn được thiết kế sẵn các module để có thể thực hiện hành vi tấn công khác trong tương lai'.

Ông Cường cũng cho biết với sự phối hợp của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia (Bộ Thông tin & Truyền thông), Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao PA05 (Công an Hà Nội), hệ thống gián điệp VN84App đang được ngăn chặn và xử lý.

Để dễ dàng qua mặt người dùng, khiến họ hoàn toàn tin tưởng và làm theo các hướng dẫn, hacker đã sử dụng một chiêu thức tinh vi là mạo danh cơ quan nhà nước, tổ chức có uy tín và có tầm ảnh hưởng như Bộ Công an… Chúng cũng nhắm vào điểm yếu là sự thiếu nhận thức an ninh mạng của nạn nhân để có thể thuyết phục họ cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc.

Qua phân tích, các chuyên gia đưa ra mô hình cơ bản của cách thức lừa đảo này như sau:

Bước 1: Hacker đóng giả người có thẩm quyền pháp luật gọi điện, dọa nạt nạn nhân

Bước 2: Lừa nạn nhân vào trang web giả mạo tải và cài đặt ứng dụng có chứa mã độc vào máy

Bước 3: Mã độc sẽ thực hiện hành vi thu thập dữ liệu, tin nhắn trên thiết bị nạn nhân

Bước 4: Thông tin của nạn nhân được thu thập và gửi lên server của hacker

Bước 5: Hacker thực hiện đọc trộm thông tin riêng tư, chiếm tài khoản ngân hàng

Trước các thủ đoạn ngày một tinh vi của hacker, chuyên gia khuyến cáo người dùng cần nâng cao cảnh giác trước các cuộc gọi lạ có liên quan tới cơ quan chức năng mà không chắc chắn về nguồn gốc, không vội vàng làm theo các yêu cầu, hướng dẫn, dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại. Người dùng cần cài đặt phần mềm diệt virus có bản quyền cho điện thoại di động để được tự động bảo vệ.

Người dùng hiện nay khi truy cập vào các trang web cần một số lưu ý sau: Cần nâng cao cảnh giác trước các cuộc gọi lạ có liên quan tới cơ quan chức năng mà không chắc chắn về nguồn gốc, không vội vàng làm theo các yêu cầu, hướng dẫn, dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại; Cài đặt các phần mềm diệt virus để phát hiện kịp thời với các phần mềm độc hại; Không nên tải, cài đặt các phần mềm trên điện thoại tại các nguồn xuất xứ không rõ ràng; Khi phát hiện phần mềm độc hại, các trang web giả mạo cần thông báo với cơ quan chức năng và cảnh báo mọi người xung quanh cảnh giác.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!