Người phụ nữ ấy đã bật khóc và cứ nấc mãi khi tôi ngồi xuống cạnh chị ở hành lang bệnh viện và hỏi chị chờ vào khám bệnh ở khoa nào. Dường như chị đang có điều gì đó đau buồn lắm, bởi theo kinh nghiệm mấy năm làm báo, gặp gỡ nhiều số phận, tôi hiểu chỉ khi nào dằn vặt hay ân hận, buồn tủi lắm người ta mới khóc nhưng không thành tiếng như thế. Rồi như một phản xạ tự nhiên, tôi nắm tay chị, thật chặt. Không ngờ, chỉ với cái nắm tay ấy của tôi, tiếng nấc trong lồng ngực chị dịu dần. Chị lấy tay lau vội mấy giọt nước mắt còn vương trên má, rồi quay lại phía tôi:
- Cám ơn cô. Đã lâu lắm rồi tôi chưa được ai an ủi như vậy... Người trẻ như cô... Quý hóa quá...
- Dạ. Không sao. Chắc chị có người nhà ốm nặng lắm ạ.
Chị im lặng. Dường như đang cân nhắc xem có nên chia sẻ với người ngồi bên cạnh hay không. Tôi cũng im lặng như chị, nhưng là để chờ đợi.
- Con gái chị cô ạ. Cháu mới được hơn 2 tuổi. Đang khỏe mạnh bỗng dưng ốm. Tiêu chảy. Người nổi mẫn như phát ban. Chị cho cháu dùng các thuốc như các cụ bảo, nhưng chẳng ăn thua gì. Hôm qua đưa cháu lên đây. Khám xét một hồi, rồi làm mấy xét nghiệm, mấy tiếng sau bác sỹ mời chị vào phòng làm việc...
Chị ngừng lại, nước mắt lại ứa ra.
- Sau khi trò chuyện, thăm hỏi...Bác sỹ bảo cháu bị nhiễm HIV... và chuyển cháu vào Khoa lây cô ạ.
Chị cuối xuống, lấy hai bàn tay ôm lấy đầu mình. Tôi quàng tay qua vai chị, bóp mạnh. Chị vội gạt tay tôi ra
- Cô tốt quá. Nhưng đừng động vào người tôi. Lây bệnh đấy.
- Bệnh gì mà lây vậy chị. Tôi đã nhận ra, nhưng vẫn hỏi như một phản xạ.
- Bệnh AIDS ấy. Thấy cô chân tình nên chị mới nói. Nhưng cô bí mật cho chị nhé. Cháu được các bác sỹ cho uống thuốc hôm nay đã cầm (tiêu chảy) rồi. Nhưng nghe lời bác sỹ, chị đang chờ xét nghiệm HIV đây. Bác sỹ bảo chỉ 02 tiếng là có kết quả.
Giọng chị nhỏ dần lại, chắc sợ người khác nghe được câu chuyện của mình.
- Chẳng chờ kết quả chị cũng biết rồi. Chồng chị trước đây đi đào vàng, chắc có...gì đó. Chị có nhiễm HIV thì cháu mới 'dính' chứ cô. Chị lại chùng xuống.
- Nhưng lỗi nhiều nhất là ở chị. Chỉ tại chị mà cháu bị lây bệnh. Chị hối tiếc lắm em ạ. Chỉ vì dốt, vì sợ mang tiếng xấu, tại sĩ diện. Chị đã không làm xét nghiệm HIV khi đi khám thai lần đầu. Sau này chị mới hiểu, nếu biết sớm nhiễm HIV từ khi đó chị đã được điều trị và con của chị đã không phải khổ như thế này... Rồi chị lại nấc lên.
Chị đã hiểu đúng, nhưng quá muộn. Giá như...
Ở nước ta chỉ có khoảng trên dưới 60% số phụ nữ mang thai (PNMT) nhiễm HIV được phát hiện sớm từ trước và trong giai đoạn mang thai (Ảnh minh họa: Internet)
Nhưng rất tiếc, hiện nay ở nước ta, nhiều người mẹ mang thai nhiễm HIV như chị mà không biết sớm, để được nhận sự chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (DPLTMC). Nguyên nhân, có thể do nhận thức, có thể do sợ bị kỳ thị, có thể do chủ quan, tự cho rằng mình không thể nhiễm HIV, cũng có thể do không tiếp cận các dịch vụ chăm sóc thai sản trước sinh; cũng có thể do các dịch vụ này còn ít, hoặc ở quá xa... nên nhiều phụ nữ mang thai đã không được tư vấn và làm xét nghiệm HIV ngay từ lần khám thai đầu tiên. Hậu quả là vẫn còn nhiều trẻ em nhiễm HIV từ mẹ, trong khi chúng ta đã có những can thiệp thích hợp để DPLTMC.
Theo các số liệu thống kế gần đây nhất, ở nước ta chỉ có khoảng trên dưới 60% số phụ nữ mang thai (PNMT) nhiễm HIV được phát hiện sớm từ trước và trong giai đoạn mang thai. Ngay tại Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị dẫn đầu trong DPLTMC ở Việt Nam, trong năm 2014 vẫn còn 15% PNMT chỉ biết tình trạng nhiễm HIV của mình khi đã chuyển dạ. Như vậy, còn tới gần 40% PNMT ở nước ta đã không biết tình trạng nhiễm HIV của mình hoặc biết nhưng đã vào giai đoạn muộn của thai kỳ, thậm chí chỉ biết trước khi...lên bàn đẻ. Vào thời điểm này, cho dù có được dùng thuốc kháng vi-rút (ARV) thì cũng hạn chế kết quả và nguy cơ lây truyền HIV cho trẻ sơ sinh là khoảng 30 - 40%. Trong khi đó, nếu phát hiện nhiễm HIV sớm và điều trị ngay bằng ARV cho mẹ, tốt nhất là trong vòng 03 tháng đầu sau khi mang thai thì tỷ lệ này có thể giảm xuống còn dưới 5% và nếu kết hợp chăm sóc sau sinh tốt (điều trị dự phòng cho con, không cho con bú...) thì tỷ lệ này chỉ còn khoảng dưới 2%. Đây là cơ sở khoa học và thực tiễn để Bộ Y tế hướng dẫn điều trị bằng ARV ngay cho phụ nữ mang thai sau khi phát hiện nhiễm HIV mà không phụ thuộc vào số lượng tế bào CDC4 của họ. Việc làm này là 'một mũi tên trúng...nhiều đích', vừa cải thiện sức khỏe cho mẹ, vừa hạn chế tối đa sự lây truyền HIV từ mẹ sang con, cũng như sang người khác.
Trên thế giới, hiện nay chúng tôi không có số liệu về tình trạng phụ nữ mang thai nhiễm HIV làm xét nghiệm muộn, nhưng theo các con số thống kê của Liên hợp quốc, thì trong những năm gần đây, mỗi năm toàn cầu có khoảng 1,4 triệu PNMT nhiễm HIV và khoảng 250.000 trẻ em bị nhiễm HIV từ mẹ, do lây truyền từ mẹ sang con, trong khi 70% phụ nữ mang thai nhiễm HIV ở các nước có thu nhập thấp và trung bình đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) có hiệu lực để DPLTMC... Những con số này, đặc biệt là số trẻ nhiễm HIV từ mẹ cho thấy, số PNMT trên thế giới nhiễm HIV nhưng chưa biết, hoặc biết muộn là rất đáng kể.
Như nhiều người đã biết, trong cơ thể người nhiễm HIV, vi-rút này có nhiều trong máu, dịch sinh dục và sữa mẹ. Do vậy, về nguyên tắc, mọi sự tiếp xúc trực tiếp với 03 loại dịch thể này của người nhiễm HIV đều có nguy cơ bị nhiễm HIV. Trẻ em là nhóm người hầu như là duy nhất có nguy cơ tiếp xúc với cả 03 dịch thể trên, hay nói theo cách thông thường, trẻ em là nhóm người duy nhất có nguy cơ nhiễm HIV qua cả 03 'con đường' (máu, tình dục và từ mẹ sang con). Ngay từ khi được hình thành, mới là phôi thai, trẻ đã có khả năng tiếp xúc với máu của mẹ (qua nhau thai). Khi sinh, trẻ lại tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch sinh dục của mẹ. Sau sinh, nếu bú mẹ, trẻ lại tiếp xúc trực tiếp với sữa và có khi cả máu của mẹ (do các tổn thương đầu vú, do con cắn...) làm cho nguy cơ lây nhiễm HIV của trẻ tăng lên theo thời gian. Tuy nhiên, không phải trường hợp tiếp xúc nào cung gây nhiễm HIV, mà xác xuất gây nhiễm HIV qua tiếp xúc phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như thời gian tiếp xúc, tần xuất tiếp xúc, tình trạng nơi tiếp xúc, và quan trọng là nồng độ HIV trong máu và dịch thể của người nhiễm.
Nồng độ HIV càng thấp thì nguy cơ lây nhiễm HIV càng thấp. Các nghiên cứu gần đây đã đưa ra nhiều bằng chứng thuyết phục về vấn đề này, trong đó đáng lưu ý nhất là nghiên cứu mang mã số HPTN 052 (do tiến sĩ, bác sỹ Myron S. Cohen và cộng sự, thuộc Đại học Bắc Carolina thực hiện năm 2011 và được Tạp chí Khoa học Mỹ bình chọn là thành tựu lớn đáng ghi nhận, là Đột phá khoa học của năm 2011). Nghiên cứu này cho thấy, nếu được điều trị sớm bằng ARV và điều trị tốt, tải lượng vi-rút sẽ sớm đạt ngưỡng ức chế và khi đó có thể làm giảm nguy cơ lây truyền HIV từ người nhiễm sang người khác qua quan hệ tình dục tới 96,3%.
Kết quả nghiên cứu này, cũng như của một số nghiên cứu tương tự sau đó là cơ sở khoa học để Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các nhà khoa học, các chuyên gia phòng, chống HIV/AIDS đưa ra các khuyến cáo làm thay đổi cục diện của cuộc chiến chống HIV/AIDS, như điều trị là dự phòng, điều trị trước phơi nhiễm, điều trị ngay cho người nhiễm HIV khi được phát hiện không phụ thuộc vào lượng tế bào CD4 của họ... Trong DPLTMC cũng vậy, nếu được phát hiện sớm nhiễm HIV (tốt nhất là trong 03 tháng đầu của thai kỳ), PNMT sẽ được ưu tiên điều trị ngay bằng ARV và nếu được theo dõi, chăm sóc tốt, tuân thủ điều trị tốt, lượng HIV trong máu của PNMT nhiễm HIV sẽ nhanh chóng giảm xuống dưới ngưỡng ức chế, làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho con ngay từ trong bào thai, cả trong khi sinh và khi con con bú sau này...
Bằng chứng về hiệu quả to lớn của phát hiện sớm và điều trị sớm trong DPLTMC là ở Cuba, quốc gia đầu tiên trên thế giới được WHO công nhận là đã loại trừ được sự lây truyền HIV từ mẹ sang con vào ngày 30/6/2015 vừa qua, với tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con chỉ còn dưới 2%. Có được 'kỳ tích' này là nhờ vào hệ thống chăm sóc sức khỏe phổ cập của nước này. Phụ nữ Cuba khi mang thai đều được đảm bảo tiếp cận các dịch vụ chăm sóc thai sản trước sinh và được xét nghiệm HIV, chồng, bạn tình của PNMT cũng được xét nghiệm tương tự (đề phòng PNMT nhiễm HIV trong thời kỳ mang thai, do có chồng/bạn tình nhiễm HIV mà không biết). Những PNMT phát hiện nhiễm HIV đều được điều trị bằng ARV ngay lập tức... Ở nước ta, nhiều địa phương có tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con ở mức dưới 5%, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2014, tỷ lệ này chỉ còn 2,3%, gần đạt mục tiêu 'Loại trừ sự lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2015' của Liên hợp quốc.
Để làm cho tất cả PNMT nhiễm HIV sớm được xét nghiệm và biết tình trạng nhiễm HIV của mình và điều trị bằng ARV sớm cho họ cần sự 'vào cuộc' của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều bên, đặc biệt là của chính phụ nữ mang thai.
Các hoạt động truyền thông cần phải được thực hiện thường xuyên, ở mọi lúc, mọi nơi có phụ nữ trong độ tổi sinh đẻ, với nội dung tập trung vào lợi ích và hiệu quả thực tế của DPLTMC, với những lý lẽ, bằng chứng khoa học, thực tiễn, bằng người thật, việc thật càng tốt... để PNMT tin tưởng, đủ sức vượt qua các trở ngại, tự nguyện đi xét nghiệm HIV ngay sau khi biết mình mang thai, còn những phụ nữ đã nhiễm HIV khi có nguyện mang thai và sinh con tự đến các cơ sở y tế gần nhất, bộc lộ tình trạng của mình để được tư vấn DPLTMC, cũng như các kiến thức, kỹ năng làm mẹ an toàn khác và để được điều trị sớm bằng ARV...
Đồng thời với truyền thông, chúng ta cần huy động các nguồn lực để mở rộng 'độ bao phủ' của các dịch vụ DPLTMC, làm cho các dịch vụ này trở nên sẵn có, thân thiện và gần PNMT hơn, đặc biệt là ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Mặt khác, cần nâng cao vai trò, chức năng, nhiệm vụ cùng với việc tạo các điều kiện thuận lợi cho các cơ sở chăm sóc trước sinh, kể cả của nhà nước và tư nhân thực hiện DPLTMC. Đây là những nơi đầu tiên tiếp xúc với PNMT, có điều kiện tốt nhất để tư vấn, khuyến khích PNMT xét nghiệm HIV ngay từ lần khám thai đầu tiên.
Điều quan trọng nữa là phải chống cho được, hạn chế dần, tiến tới xóa bỏ tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Bởi kỳ thị, phân biệt đối xử đang là rào cản lớn nhất đối với PNMT tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, trong đó có dịch vụ DPLTMC.
Còn PNMT, nhất là những chị em có nguy cơ lây nhiễm HIV,ví như bản thân mình đã hoặc đang đang có hành vi nguy cơ (bán dâm, quan hệ tình dục với nhiều người, có bạn tình 'bất chợt'...) hay có chồng, bạn tình là người đã và đang có hành vi nguy cơ (tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục với nhiều người...) thì nên tìm mọi cách để được tư vấn, xét nghiệm HIV, ngay sau khi biết mình mang thai, thậm chí từ trước khi quyết định mang thai và sinh con để được hướng dẫn mang thai và sinh con an toàn, để được điều trị bằng ARV ngay sau khi biết mình nhiễm HIV. Kể cả chồng, bạn tình của họ cũng cần được xét nghiệm HIV, để được tư vấn và điều trị nếu cần. Bởi nếu chồng, bạn tình của họ nhiễm HIV mà không biết, thì họ còn có nguy cơ nhiễm HIV trong khi mang thai, cho dù xét nghiệm HIV lần đầu cho kết quả âm tính. PNMT nên làm như vậy, vì đứa con khỏe mạnh của mình, để khỏi phải dằn vặt như người phụ nữ mà tôi đã gặp nơi hành lang bệnh viện kia.
BS.Ths. Nhà báo Chu Quốc Ân, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS
(Nội dung do Vụ Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế kiểm duyệt)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!