Chuyến trở về so với kế hoạch đến Việt Nam trước đây đã kéo dài gần 4 tháng. Trong ngần ấy thời gian, nam phi công này đã trải qua một hành trình ngoạn mục, như được sinh ra lần thứ hai trên một đất nước xa xôi bằng những trái tim cao cả, trí tuệ của các thầy thuốc và ngành y tế Việt Nam.
Mệnh lệnh từ trái tim
Đối với các y sĩ, bác sĩ của Việt Nam, có lẽ chưa từng có một cuộc chiến thực sự nào cam go và gay cấn như trường hợp điều trị BN91 nhiễm virus SARS-CoV-2. Trong hơn 100 ngày ấy, có đến 68 ngày bệnh nhân ở trong trạng thái hôn mê, nguy kịch. Từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh đến Bệnh viện Chợ Rẫy, với sự chỉ đạo, theo dõi sát sao của Tiểu ban Điều trị-Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 của Việt Nam đã đưa BN91 đi qua hành trình giành giật sự sống đầy kỳ diệu. Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, kể: 'Ngày 18-3, BN91 nhập viện với xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, tình trạng diễn tiến ngày càng nặng. Lãnh đạo bệnh viện đã nêu quyết tâm phải cứu chữa bằng được BN91. Đó không chỉ là trách nhiệm cứu chữa bệnh nhân của các y sĩ, bác sĩ mà còn là trách nhiệm quốc tế cao cả của Việt Nam. Trong quá trình điều trị, hệ miễn dịch của người này đã phản ứng quá mức khi bị virus tấn công làm sản sinh ra chất cytokine chống lại chính cơ thể, gọi là 'cơn bão' cytokine. Loại chất này tấn công mạnh vào phổi gây tổn thương phổi rất nặng nề, chức năng phổi chỉ còn 10%. Nghiêm trọng hơn, BN91 có thể trạng béo phì với cân nặng hơn 100kg, cao 1,81m kèm theo hàng loạt biến chứng: Rối loạn đông máu, hội chứng HIT (giảm tiểu cầu do dị ứng với thuốc chống đông heparin được dùng khi chạy ECMO), suy thận... Bệnh nhân hôn mê sâu và phải sinh tồn phụ thuộc vào chạy ECMO. Chứng rối loạn đông máu khiến máu diễn tiến đông đặc dẫn đến nguy cơ bị ngưng tim bất cứ lúc nào'.
Lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh vào thăm, động viên, chúc mừng bệnh nhân 91 đã hồi phục tốt.
Làm sao để tìm ra loại thuốc kháng đông thay thế các loại thuốc kháng đông hiện có đã dùng? Giải quyết vấn đề này, các chuyên gia đầu ngành ở Tiểu ban điều trị-Ban chỉ đạo quốc gia PCD Covid-19 và kíp bác sĩ điều trị quyết định đề xuất nhập loại thuốc kháng đông đường tĩnh mạch do Đức sản xuất. Loại thuốc này chưa từng được sử dụng tại Việt Nam. Thế nhưng quá trình xin giấy phép, nhập thuốc về Việt Nam phải mất đến 10 ngày. Trong thời gian chờ đợi nhập khẩu loại thuốc này, các y sĩ, bác sĩ đã dồn sức để duy trì tình trạng ổn định cho bệnh nhân.
Ngày 22-5, BN91 được chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị bằng một phương án được tính toán cực kỳ chặt chẽ, chuẩn bị kỹ lưỡng. Do bệnh nhân đang phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO, máy thở, chỉ cần sơ suất nhỏ cũng có thể diễn tiến ngưng tim ngay trên đường đi. Bác sĩ CKII Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: 'Bệnh viện đã thành lập ban chỉ đạo và huy động đội ngũ y sĩ, bác sĩ cùng phương tiện, trang thiết bị y tế, thuốc men tốt nhất để cứu chữa cho BN91. Đó là những ngày đêm các thầy thuốc theo dõi sát sao, cân não với các phương án. Có những thời điểm tình trạng bệnh nhân diễn biến cực xấu, gần như tuyệt vọng, nhất là thời điểm phổi của bệnh nhân gần như hoàn toàn đông đặc, chỉ còn thông khí được khoảng 10%. Nhưng quyết tâm của chúng tôi và của Ban chỉ đạo quốc gia PCD Covid-19 là không dừng lại, kể cả khi tình huống xấu nhất cũng phải cứu chữa bệnh nhân với quyết tâm cao nhất'.
Sự quyết tâm và nỗ lực ấy đã được đền đáp, tạo nên một 'phép màu' chưa từng có của ngành y tế Việt Nam và thế giới. Quãng thời gian cân não của các y sĩ, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy từ ngày 22-5 đến nay với đầy đủ những tâm trạng theo diễn biến của bệnh nhân. Bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, người trực tiếp điều trị cho BN91, tâm đắc: 'Trong tuần đầu tiên, khi bệnh nhân vẫn hoàn toàn phụ thuộc ECMO, các thông số và nhịp tim của bệnh nhân có lúc lên xuống, thậm chí có khi rớt thẳng đứng còn 50-60 nhịp/phút. Những lúc như thế, chúng tôi ngỡ như nhịp tim của mình cũng muốn rớt theo vì nguy cơ ngưng tim đột ngột là rất lớn. Chúng tôi cũng có quyết định táo bạo và kịp thời ở những thời điểm cho ngưng thuốc an thần, giãn cơ, cai ECMO cho bệnh nhân và có thể nói đó là những thời khắc quyết định sinh-tử của bệnh nhân và là những thời khắc 'cân não' của kíp y sĩ, bác sĩ điều trị'.
Theo PGS, TS, bác sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, đây là một ca bệnh nặng đặc biệt và có những diễn tiến hiếm có trong y văn thế giới. Phổi đông đặc, nhịp tim trồi sụt, mẫu bệnh phẩm nhiều lần âm tính rồi dương tính với Covid-19 trở lại. Chúng tôi đã phải đọc tài liệu cả ngày lẫn đêm, vận dụng các kinh nghiệm, tham vấn, tiếp thu ý kiến từ các cuộc hội chẩn để ra phác đồ điều trị đặc biệt và có lợi nhất cho bệnh nhân.
'Việt Nam đã giúp tôi tái sinh'
Những ngày cai được máy thở, Stephen Cameron có sự hồi phục tốt, tâm lý ổn định hơn... Anh đã có thể ngồi dậy, đi lại, điện thoại cho người thân ở quê nhà. Bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, người trực tiếp điều trị cho Stephen Cameron nhớ lại: 'Khi tỉnh lại sau gần 3 tháng hôn mê, BN91 một lúc sau mới nhận ra thực tại. Câu nói đầu tiên mà anh này thốt lên là hai từ 'tuyệt diệu' (fantastic) và anh mỉm cười bày tỏ sự cảm ơn với các y sĩ, bác sĩ. Có những lúc vào thăm khám, bất chợt nhìn bệnh nhân trò chuyện với người thân ở quê nhà qua điện thoại với sự xúc động nghẹn ngào. Mắt các y sĩ, bác sĩ chúng tôi cũng nhòe đi vì xúc động. Xúc động không chỉ là vì đã cứu chữa thành công một bệnh nhân thập tử nhất sinh giữa đại dịch mà còn xúc động vì những nỗ lực của chính mình được đền đáp, được thành công, để cảm thấy tự hào'.
Quá trình điều trị cho BN91, phương án ghép phổi cho BN91 khi đủ điều kiện được các y bác sĩ đặt ra. Khi phương án này được báo chí công bố thì nhiều người dân đề nghị hiến phổi của mình để ghép cho BN91, trong đó có cả cựu chiến binh. Trên mạng xã hội, truyền thông, báo chí, người dân cả nước hồi hộp, dõi theo diễn biến điều trị của BN91, bày tỏ niềm tin và cầu mong bệnh nhân này sớm được hồi phục. Bác sĩ CKII Nguyễn Tri Thức cho biết: 'BN91 là ca bị nặng nhất, điều trị lâu nhất, tốn kém nhất và ít hy vọng nhất. Mấu chốt của thành công kỳ diệu khi điều trị cho bệnhp nhân này là do trí tuệ của các chuyên gia ngành y cả nước đã được tập trung cho ca bệnh. Nhiều đợt hội chẩn cấp quốc gia được tổ chức. Nhiều nhóm chuyên môn gồm các y sĩ, bác sĩ đầu ngành, trưởng khoa các bệnh viện từ Trung ương đến địa phương đã tham gia hội chẩn trực tiếp và hội chẩn trực tuyến qua internet. Nguồn lực được huy động ở mức cao nhất với tinh thần quốc tế vô tư, trong sáng, cao cả, nhân văn trong hoạt động PCD Covid-19'.
Ngày 30-6, các bác sĩ điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy vui mừng cho biết, tình trạng phổi của Stephen Cameron trên dữ liệu lâm sàng đã hồi phục các chỉ số khác bình thường, tự thở tốt, không suy hô hấp, hệ miễn dịch đã khôi phục tốt. Bệnh nhân có thể cầm nắm, tự ăn, viết, sử dụng điện thoại. Do nhiều tháng hôn mê và nằm một chỗ nên cơ chân của Stephen Cameron bị yếu đi rất nhiều, khả năng vận động bị mất nên đang được các bác sĩ cho tập các biện pháp phục hồi chức năng, tập đi. Trước khi xuất viện trong vài tuần tới, BN91 sẽ được hội chẩn, đánh giá các tiêu chí an toàn để bảo đảm hồi hương bằng đường hàng không. Bệnh nhân Stephen Cameron bày tỏ xúc động: 'Tôi cảm thấy mình có tất cả 100% sự may mắn khi ở Việt Nam điều trị trong bối cảnh có hàng trăm nghìn người trên thế giới tử vong do Covid-19. Các y sĩ, bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Bệnh viện Chợ Rẫy thật xuất sắc, họ đã làm nên điều kỳ diệu. Từ đáy lòng mình, tôi muốn nói thật nhiều lời cảm ơn đến họ. Việt Nam đã giúp tôi tái sinh. Tôi xin cảm ơn Việt Nam'.
Dự kiến ngày 12-7 tới, Stephen Cameron sẽ được đưa về quê nhà trên chuyến bay hồi hương do Vương quốc Anh tổ chức, được kíp y sĩ, bác sĩ Việt Nam bay cùng để hỗ trợ. Hành trình trở về từ đất nước, quê hương thứ hai-nơi đã tái sinh anh-mang tên Việt Nam. Một Việt Nam trong trái tim và sự cảm phục, ngưỡng mộ của chính Stephen Cameron và cả cộng đồng người Anh, của cả thế giới.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!