Phi công mắc COVID-19 tổn thương đa tạng, suy tim, chuyên gia căng mình hội chẩn liên tục

Thời sự - 05/11/2024

Ngày 10/4, phi công Vietnam Airlines trong tình trạng rất nặng, tổn thương đa tạng, nhiễm trùng, xuất hiện suy tim phải, viêm phổi nặng, hiện tượng tăng đông diễn ra nặng...

Ngày 10/4, tại Trung tâm Quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn, chẩn đoán, điều trị COVID-19, các thành viên Tiểu ban Điều trị, Hội đồng chuyên môn các bệnh truyền nhiễm đã hội chẩn công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.

Hiện cả nước có 4 bệnh nhân COVID-19 đang diễn biến rất nặng. Trong đó, có 1 bệnh nhân nguy kịch, phải đặt ECMO. Đó là bệnh nhân 91, nam phi công Vietnam Airlines đang điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM.

Phi công mắc COVID-19 tổn thương đa tạng, suy tim, chuyên gia căng mình hội chẩn liên tục

Toàn cảnh cuộc hội chẩn trực tuyến điều trị các bệnh nhân nặng, ngày 10/4.

Người đàn ông 43 tuổi, nặng 100kg, cao 1,83m (chỉ số khối cơ thể là 30,1, béo phì) hiện vẫn đang trong tình trạng rất nặng, tổn thương đa tạng, nhiễm trùng, xuất hiện suy tim phải. Viêm phổi nặng, lọc máu ngày thứ 4, hiện tượng tăng đông diễn ra nặng nên phải thay 4 lần quả lọc máu, ECMO ngày thứ 3.

Điều động viên nhất của ca bệnh này đối với hội đồng chuyên môn lúc này là tải lượng virus SASR-CoV-2 của bệnh nhân giảm. Hiện Hội đồng chuyên môn và các bác sỹ đang điều trị bệnh nhân bằng tất cả tâm lực, trí lực và kinh nghiệm điều trị.

BN20 (bác gái của bệnh nhân 17) đã cai ECMO từ ngày 4/4, bệnh nhân vẫn phải thở máy. Bệnh nhân xuất hiện cơn ngừng tuần hoàn ngày 8/4 và được Hội đồng chuyên môn hội chẩn khẩn ngay trong đêm, nhờ đó tình trạng người bệnh đã được cải thiện hơn.

Các bác sỹ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết đến hôm nay bệnh nhân đã có cải thiện, không tổn thương não sau ngừng tim, nghe, đáp ứng các yêu cầu các bác sỹ.

Người thứ 3 có diễn biến nặng là bệnh nhân 251 (64 tuổi, vừa được chuyển lên từ BVĐK tỉnh Hà Nam). Người đàn ông này có tiền sử gout nặng, uống rượu, xơ gan. Ca bệnh này đã được các bác sỹ khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Bạch Mai), Bệnh viện Nội tiết Trung ương và hội đồng chuyên môn tư vấn trao đổi về vấn đề dinh dưỡng, điều trị gout, xơ gan, chống đông….

Một bệnh nhân có diễn biến rất nặng khác là bệnh nhân 161 (quê Hưng Yên). Cụ bà 88 tuổi này có tiền sử bị tai biến, xuất huyết não và liệt 1/2 người bên trái. Hội đồng chuyên môn các bệnh truyền nhiễm đề nghị các bác sỹ điều trị trực tiếp xem xét thời điểm để mở nội khí quản cho người bệnh.

Chiều 10/4, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng tiểu ban Điều trị cho biết hầu hết các bệnh nhân nặng là các bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh lý nền hoặc có yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của virus (như béo phì).

Hiện chưa có thuốc đặc trị điều trị COVID-19, trên thế giới cũng chưa có phác đồ điều trị chuẩn, theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, hiện có nhiều nước áp dụng các phác đồ khác nhau, được chấp thuận điều trị COVID-19 nhưng tỷ lệ tử vong của các nước chưa có chiều hướng giảm xuống, bệnh nhân nặng vẫn còn.

Theo Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, chúng ta không thể thụ động, chờ đợi từ bên ngoài mà chủ động thử nghiệm lâm sàng các loại thuốc, phác đồ điều trị dù chưa có cơ sở khoa học đầy đủ như lúc bình thường. Những loại thuốc hay phác đồ nào có thể có xác suất thành công thì đều được nghiên cứu, xem xét đưa vào.

Thứ trưởng cho hay chúng ta 'chưa thể khẳng định phác đồ nào là tốt nhất' mà phải có kết quả thử nghiệm xong, đánh giá sau đó mới công bố.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!