Phi hành gia 1: 'Cái gì đấy?'.
Phi hành gia 2: 'Sandwich thịt bò muối á. Thử miếng không?'...
Đoạn đối thoại trên nghe như đùa, nhưng đó là thật, được lấy lại từ đoạn thu âm tiến trình nhiệm vụ của NASA vào năm 1965.
Nguồn ảnh: Spacelog Gemini 3
Grissom: “Cái gì đấy?”
Young: “Sandwich bò muối á.”
Grissom: “Ở đâu ra vậy?”
Young: “Em mang nó theo đó. Ăn thử miếng coi sao nghen. Hơi có mùi tí phải không?”
Grissom: “Ừ, nhưng đang vỡ ra kìa. Để anh nhét nó vào túi luôn.”
Young: “Thế á? Đành vậy, dù sao cũng là một ý tưởng thôi.”
Grissom: “Ừ.”
Young: “Ý tưởng hơi bị tồi.”
Grissom: “Thực ra cũng ngon á, mỗi tội bị vỡ ra.”
Young: “Thế lần sau muốn ăn chân gà không?”
(Tạm dịch).
Đoạn hội thoại này sau đó được NASA đánh giá là 'key moment' (khoảnh khắc quan trọng) của nhiệm vụ, đánh dấu sự kiện 'chiếc sandwich bò muối đầu tiên bay vào vũ trụ'.
Vào tháng 3 năm 1965, phi hành gia John Young đã lén giấu một chiếc sandwich ngô thịt bò trong chiếc áo bảo hộ vũ trụ của mình và thành công “tuồn” nó lên chiếc tàu vũ trụ có tên Gemini 3 - tàu hai người lái đầu tiên của NASA. Vụ việc này tuy xảy ra đã lâu, nhưng vừa được nhắc lại khi cựu phi hành gia John Young đã qua đời cách đây không lâu ở tuổi 87 vào năm 2018.
Chân dung John Young - phi hành gia đã 'tuồn' miếng sandwich lên tàu. Nguồn ảnh: NASA.
Nhân vật chính trong câu chuyện - miếng sandwich bò muối được mang lên tàu một cách bất hợp pháp - có nguồn gốc từ một nhà hàng sandwich nổi tiếng ở Florida. Cách đó một ngày, người cộng sự kiêm cấp trên của John Young là Gus Grissom đã đến cửa hàng này để mua chiếc bánh sandwich, sau đó đưa lại cho Young vào buổi sáng vài tiếng trước giờ bay.
Hình ảnh nhà hàng Wolfie trên một chiếc post card ngày xưa. Nguồn: Internet.
Có người bảo đây là “tội lỗi có tổ chức” được thực thi bởi hai người, song John Young vẫn bị quở trách nhiều nhất sau khi nhiệm vụ kết thúc bởi vì chính ông là người đã giấu miếng sandwich trong người.
Vậy thì, rốt cuộc chiếc sandwich nọ có gì đặc biệt mà khiến cho hai phi hành gia nổi tiếng thời bấy giờ phải bất chấp tất cả để “tuồn” lên tàu nhỉ? Theo như quốc hội và NASA thì bằng việc này, họ đã phá vỡ cả đống luật về an toàn vũ trụ đấy.
Được biết, chiếc sandwich này là một trong những món sandwich kinh điển của người Mỹ và rất được ưa chuộng. Thịt bò trong này được muối theo kiểu Mỹ, bằng kĩ thuật muối với những hạt muối lớn có kích cỡ như hạt ngô, nên món này cũng hay được gọi là “corned beef”. Người ta thường ăn sandwich bò muối với dưa chuột ngâm, phô mai và mù tạt.
Sandwich bò muối là một trong những món sandwich kinh điển của Mỹ. Nguồn ảnh: Internet.
Hiện tại, nhà hàng Wolfie, quê hương của chiếc bánh sandwich tai tiếng này đã đóng cửa, song một bản phục chế của nó vẫn được trưng bày ở bảo tàng Grissom Memorial ở thành phố Mitchell, bang Indiana.
Về sự kiện này, Young đã cho hay là ông đã thấy hối hận, nhưng sau đó lại phàn nàn rằng chiếc bánh thậm chí còn chẳng có mù tạt và dưa muối khiến vị rất nhạt nhẽo. Thành ra mọi người cũng không chắc là ông hối hận chuyện gì, việc “tuồn” sandwich hay việc... quên mù tạt với dưa muối.
Chân dung chiếc bánh kẹp bò muối nhạt nhẽo nhưng 'tai tiếng' ấy đây. Nguồn: Internet.
Được biết, sở dĩ NASA có những nguyên tắc nghiêm ngặt với việc mang thức ăn lên tàu là vì trong không gian không trọng lực, những mảnh vụn vô hại của một chiếc bánh mì bò muối có thể chui vào khe hở của máy móc gây hư hỏng. Ngoài ra, Quốc Hội Mỹ cũng khiển trách hành động này bởi vì việc ăn thức ăn mang từ bên ngoài vào sẽ phí phạm số thức ăn đặc biệt chuẩn bị cho các phi hành gia vốn tốn cả triệu đô-la Mỹ.
Qua câu chuyện này, ta đúng phải công nhận một điều là dù là phi hành gia tài ba hay một học sinh, nhân viên văn phòng bình thường thì cũng không thể nào không chịu sự cám dỗ của thức ăn ngon. Bởi vì có nguồn tin cho hay, lúc chiếc bánh sandwich nọ được 'tiêu thụ' trên tàu thì nó đã gần 2 ngày tuổi rồi nên ăn cũng chẳng ngon lành gì, tuy nhiên có vẻ như trong mắt các phi hành gia thì thế vẫn hơn hẳn các tuýp dinh dưỡng rồi nhỉ?
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!