Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu 2 câu hỏi người dân đang quan tâm về dịch viêm phổi cấp do virus

Thời sự - 11/24/2024

Chủng virus gây bệnh viêm phổi cấp ở Trung Quốc hiện đã lây từ người sang người và chưa có thuốc đặc trị nên Việt Nam phải sẵn sàng ứng phó ở tình huống xấu nhất.

Cuối giờ sáng ngày 23-1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Ban chỉ đạo phòng chống dịch của Bộ Y tế đã kiểm tra Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương về (cơ sở 2, ở huyện Đông Anh, Hà Nội) về khả năng đáp ứng với dịch bệnh trong trường hợp bệnh viêm phổi cấp do virus corona xâm nhập Việt Nam. Theo Phó Thủ tướng hiện tất cả các cửa khẩu, sân bay đều đã tăng cường các hoạt động phòng chống dịch.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu 2 câu hỏi người dân đang quan tâm về dịch viêm phổi cấp do virus

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra hệ thống labo xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương

Tại bệnh viện, sau khi kiểm tra hệ thống labo, phòng thí nghiệm và phòng bệnh, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các chuyên gia đầu ngành trả lời câu hỏi để người dân biết về tình dịch bệnh đến thời điểm này. 'Người dân hiện quan tâm nhất là bệnh này có lây không? Hiện giới chuyên môn đã chia ra nhiều mức lây lan của dịch, đó là: không lây từ người sang người; lây từ người sang người nhưng khó lây và hạn chế hay rất dễ lây. Vậy lây từ người sang người hiện đang ở mức nào và cơ chế lây ra sao và biểu hiện, thời gian ủ bệnh ra sao để có khuyến nghị người dân, không để người dân hoảng sợ, lo lắng quá mức?' - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi.

Nói về chủng virus mới này, GS-TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, cho biết bản chất của con virus này vẫn là corona virus chính là chủng từng gây ra SARS (năm 2003) và MERS (2017).

Với bệnh viêm phổi cấp do virus corona, bệnh lây qua đường hô hấp. Trong vòng 2 m nếu người xung quanh hít phải giọt bắn của nước bọt hay hắt hơi của người bệnh sẽ có nguy cơ mắc bệnh. 'Do là bệnh lây qua đường hô hấp nên bệnh có khả năng lây lan. Qua hơn 400 ca bệnh được ghi nhận, Tổ chức Y tế thế giới đã khẳng định bước đầu đây là virus có nguồn gốc từ động vật nhưng là chủng gì thì hiện chưa xác định và đã có bằng chứng rõ ràng lây từ người sang người. Cũng giống như bệnh SARS, virus này sẽ lây từ bệnh nhân sang cán bộ y tế nên không chỉ người dân và cán bộ y tế cũng có nguy cơ lây lan. Điều này cần cảnh báo để cán bộ y tế- những người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân không được lơ là, mất cảnh giác và phải dự phòng ngay từ đầu'- GS Kính nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu 2 câu hỏi người dân đang quan tâm về dịch viêm phổi cấp do virus

Bệnh viện sẵn sàng các phương tiện để đối phó với dịch bệnh do virus corona

Cũng theo GS Kính, về bệnh cảnh lâm sàng, bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới (nCoV) tương tự như SARS, bệnh nhân sẽ bị viêm đường hô hấp cấp tính dẫn đến viêm phổi và suy đường thở. Khi 2 phổi tổn thương toàn bộ bệnh nhân sẽ không có khả năng trao đổi oxy, dẫn đến não bị tổn thương, suy đa tạng và bệnh nhân sẽ tử vong. Nếu không được khống chế tỉ lệ tử vong sẽ cao.

'Cho đến thời điểm này, corona virus chưa có thuốc đặc trị nên việc phòng ngừa điều trị vẫn dựa trên phòng bệnh và phát hiện điều trị triệu chứng và biến chứng. Chủng virus này hiện lây lan qua đường hô hấp, thời gian đầu chúng ta tưởng rằng virus này lây lan hạn chế nhưng qua báo cáo của Trung Quốc, virus này đang lây lan rất nhanh nhưng mức độ tùy thuộc vào đáp ứng của chúng ta đối với mức lây lan của virus. Nếu chúng ta ngăn chặn được, virus sẽ lây lan chậm còn nếu không ngăn chặn được dịch sẽ lây lan rất nhanh, nguy cơ tử vong lớn. Đây là điều chúng ta phải dự phòng trước' - GS Kính nói.

Trước tình hình dịch có nguy cơ xâm nhập, Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt các cửa khẩu, đặc biệt các cửa khẩu từ Trung Quốc, sẵn sàng theo dõi, cách ly ngay tại cửa khẩu khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ. Tất cả các cơ sở điều trị thực hiện đúng các hướng dẫn của Bộ Y tế, có bệnh nhân cần phải cách ly, điều trị ngay. Bộ Y tế phải chủ động thông tin tình hình dịch bệnh của Việt Nam và thế giới.

'Dù thời điểm này đang là kỳ nghỉ Tết nhưng nếu gia đình có người sốt cần phải hạn chế tiếp xúc gần và đưa đến cơ sở y tế kịp thời. Bởi đây là chủng virus biến chủng từ thời SARS và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Việt Nam đã có kinh nghiệm trong việc phòng chống nhiều dịch nhưng ở thời điểm này, tất cả phải sẵn sàng ứng phó ở tình huống xấu nhất và luôn có biện pháp cao hơn mức bình thường, nhất là trong thời điểm dịp Tết Nguyên đán'- Phó Thủ tướng yêu cầu.

Ai có nguy cơ mắc bệnh?

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng đề nghị giám sát chặt chẽ những người có nghi ngờ từ vùng dịch đang trong thời kỳ ủ bệnh, chưa phát bệnh bởi đây là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm rất lớn. Hiện các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus corona mới bao gồm: Người bị sốt và viêm phổi, viêm phổi kẽ hoặc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS); Người bệnh sống hoặc đi du lịch tới vùng dịch tễ có bệnh do virus corona mới trong vòng 14 ngày trước khi bắt đầu có triệu chứng; Người tiếp xúc vật nuôi bị bệnh, động vật hoang dã ở các vùng dịch tễ trong vòng 14 ngày; Người tiếp xúc (trong thời gian ủ bệnh 14 ngày) với trường hợp sốt và nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính chưa rõ nguyên nhân xuất hiện trong vòng 14 ngày sau khi du lịch tới vùng dịch tễ có bệnh do virus corona mới.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!