Phòng bệnh mùa xuân ở người luống tuổi

Cần biết - 04/18/2024

Sau những ngày dài lạnh lẽo của mùa đông, mùa xuân đến trăm hoa đua nở, cây cối đâm chồi nảy lộc, sức khỏe con người cũng thay đổi theo, nó cũng đem nhiều lợi ích, nhưng cũng mang lại nhiều bệnh tật, nhất là với người lớn tuổi.

Sức khỏe tâm thần rất quan trọng làm cho con người sảng khoái tràn trề hạnh phúc, đồng thời nó cũng giúp cho cơ thể hấp thu tốt một số vitamin và khoáng chất, nó giúp ta ăn uống tốt hơn do có nhiều thực phẩm nhất là rau quả phát triển tốt ở mùa xuân, cho nên giúp cơ thể chống được lại nhiều bệnh tật, nhất là bệnh nhiễm trùng.

Phòng bệnh mùa xuân ở người luống tuổi

Giao mùa, người cao tuổi dễ mắc bệnh đường hô hấp.

Tuy nhiên, mùa xuân cũng đem lại cho ta nhiều phiền toái về bệnh tật, dưới đây là một số bệnh hay gặp.

Bệnh đường tiêu hóa: Mùa xuân là mùa lễ hội, nhất là người lớn tuổi hay đi lễ hội, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đảm bảo cho nên dễ bị ngộ độc, cho nên cần phải chú ý ăn chín uống sôi, an toàn thực phẩm đặt lên hàng đầu. Đồng thời những bệnh viêm loét dạ dày, viêm đại tràng, tiêu chảy cấp cũng dễ bị tái phát do chúng ta ăn quá nhiều thịt mỡ, bia rượu chúng ta phải hạn chế tối đa các thực phẩm trên.

Bệnh đường hô hấp: Thường gặp nhất là hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm phổi, viêm mũi dị ứng do mùa xuân có nhiều phấn hoa, nấm mốc, côn trùng, bụi dễ phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho những người có cơ địa dị ứng sau khi tiếp xúc các dị nguyên trên thì dễ phát sinh bệnh tật.

Thống kê cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện những tháng đầu năm thì bệnh đường hô hấp chiếm 1/3. Như vậy để phòng các bệnh trên ta chú ý tránh tiếp xúc các dị nguyên trên nhất là phấn hoa và bụi, đồng thời thời tiết đầu xuân cũng còn lạnh, việc phòng chống lạnh cũng đặt lên hàng đầu nhất là người lớn tuổi.

Các bệnh về tim mạch, đái tháo đường: Trong dịp xuân chúng ta hay ăn uống nhiều thịt mỡ, bia rượu, các chất ngọt cho nên dễ sinh ra béo phì, đồng thời những người có bệnh tim mạch nhất là huyết áp, đái tháo đường, nhồi máu cơ tim, bệnh mạch máu não cũng phát triển theo vì các chất này gây xơ vữa động mạch và làm nặng thêm bệnh.

Để phòng tránh chúng ta nên chú ý ăn uống hạn chế chất kích thích, tập thể dục đều đặn; uống nhiều nước, nhất là buổi sáng, uống thuốc đúng liều theo chỉ dẫn của thầy thuốc; tăng cường ăn nhiều rau quả - mùa xuân rau hoa quả tươi nhiều, nên tận dụng những điều kiện thuận lợi này để tăng cường sức khỏe hạn chế bệnh tật.

Bệnh về hệ cơ xương khớp nhất là đau xương do thoái hóa khớp, loãng xương, gút. Thời tiết mùa xuân cũng thay đổi. Nhiều năm gần đây không khí lạnh, gió mùa đông bắc hay tăng cường ảnh hưởng nhiều sức khỏe, nhất là hệ cơ xương khớp.

Người cao tuổi thường bị đau khớp gối, cột sống thắt lưng khi sáng ngủ dậy hoặc đau về đêm gây khó ngủ, đồng thời trong dịp xuân chúng ta hay ăn nhiều đạm cũng gây tăng acid uric dễ mắc bệnh gút. Người bệnh cảm thấy đau sưng bàn chân vùng ngón cái, đôi lúc sưng vùng khớp gối làm hạn chế vận động.

Để phòng những bệnh này, người cao tuổi nên giảm ăn đạm, tăng cường ăn rau, uống nhiều nước, tập thể dục đều dặn và đi đứng chú ý đề phòng té ngã.

Rối loạn tâm thần người già: Sau dịp Tết người cao tuổi cũng thường bị buồn rầu lo âu do con cháu sum vầy trong dịp Tết nay lại ra đi xa, làm cho họ bị hụt hẫng về tình cảm. Nếu không giải tỏa hiện tượng tâm lý này, người lớn tuổi dễ đi vào trầm cảm, vì vậy con cháu còn ở lại nên tạo điều kiện để cho họ có dịp thư giãn gặp gỡ giao lưu với người lớn ở các câu lạc bộ như cờ tướng, cầu lông ở các hội của người cao tuổi do địa phương tổ chức.

Mùa xuân là mùa đem lại lợi ích nhiều nhất cho sức khỏe tâm thần nên chúng ta phải tận dụng những sự ưu ái này của thiên nhiên để có cuộc sống tốt nhất trong năm, tuy nhiên bệnh tật cũng rình rập quanh ta và hãy luôn là thầy thuốc sáng suốt của chính mình.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!