Phòng chống hỏa hoạn kỳ nghỉ lễ

Sống khỏe mạnh - 11/28/2024

Dịp Tết cũng là mùa hanh khô, mùa lễ hội, nguy cơ hỏa hoạn hiện hữu ở khắp nơi. Vì vậy, việc phòng cháy là vô cùng cần thiết.

Cháy nổ là những tai nạn dễ xảy ra vào các dịp lễ Tết, khi để xảy ra cháy thì hậu quả thường rất nặng nề về người và tài sản, đã có rất nhiều vụ hỏa hoạn khủng khiếp để lại những con số thương tâm. Chính vì thế, những ngày Tết càng cần phải chú trọng công tác phòng cháy, chữa cháy.

Nguyên nhân

Nguyên nhân các vụ hỏa hoạn, ngoài các yếu tố khách quan như gió, chập điện, sét đánh… chủ yếu là do ý thức chủ quan của con người. Ngày Tết, việc thắp hương, hóa vàng được thực hiện thường xuyên. Đối với các hộ gia đình có đường dây điện lâu năm, đã cũ nát, tàn hương, đốm lửa khi hóa vàng có thể gây cháy, chập điện dẫn đến hỏa hoạn, đặc biệt là đường điện nối với hệ thống đèn trên bàn thờ.

Phòng chống hỏa hoạn kỳ nghỉ lễ

Bàn thờ ngày Tết luôn có ngọn lửa cháy hoặc đèn sáng (Ảnh minh họa: Internet)

Bên cạnh đó, trên bàn thờ của một số gia đình vẫn sử dụng đèn dầu, đèn cầy, hoặc nến thật để thắp sáng lúc cúng bái. Điều này rất dễ gây nên các vụ hỏa hoạn, nhất là khi bàn thờ là nơi để sát trần nhà, khi cháy rất dễ lây lan nhanh và khó khắc phục.

Các loại vật dụng trang trí như pháo bông, pháo giấy cũng là một trong số những tác nhân gây cháy, cần phải lưu tâm khi sử dụng các loại pháo này.

Cách phòng tránh

Nguyên nhân chủ quan do con người nên nếu khắc phục được điểm này thì sẽ hạn chế được tai nạn xảy ra. Các vật dụng sắm Tết cần hạn chế sử dụng những đồ dễ cháy, ví dụ như nến trên bàn thờ có thể thay bằng bóng đèn quả nhót, khi hóa vàng cần có thùng tôn hay các công cụ chuyên biệt để ngăn tàn giấy bay lên cao…

Phòng chống hỏa hoạn kỳ nghỉ lễ

Pháo bông cũng có thể là tác nhân gây hỏa hoạn cần đề phòng (Ảnh minh họa: Internet)

Kiểm tra kỹ các thiết bị điện, khu nhà bếp trước khi đi ra ngoài. Ngày Tết thường có nhiều gia đình đi chơi, du lịch, về quê dài ngày, ngắt cầu dao điện và khóa gas là những bước cơ bản trước khi ra khỏi nhà. Việc này cũng rất cần thiết trước khi đi ngủ, rất nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra khi mọi người đang ngủ say khiến việc chữa cháy bị chậm trễ.

Bên cạnh đó, các vật dụng dễ cháy trong nhà cũng cần được đặt ở những nơi thích hợp, dễ dàng quản lý, tránh xa nguồn điện, bếp lửa. Luôn đảm bảo trong nhà có lối thoát hiểm khi vô tình xảy ra hỏa hoạn, dự phòng sẵn các thiết bị chữa cháy cơ bản cần thiết và có biện pháp ứng phó, sơ tán khẩn cấp khi cần thiết.

Dịp Tết là thời điểm dễ xảy ra hỏa hoạn bởi đây là thời gian vui chơi, giải trí, ít người để ý đến những nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn trong ngôi nhà của mình. Chính vì thế công tác tuyên truyền, phòng tránh càng trở nên thiết yếu để niềm vui trong những ngày Tết được tròn vẹn.

Thúy Hà

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!