Gia tăng bệnh lý tim mạch
Nhân ngày Tim mạch Thế giới 29/9/2020, BS Hoàng nhấn mạnh bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Theo thống kê chỉ trong năm 2016 ghi nhận tới 17,9 triệu người chết vì bệnh tim mạch, chiếm gần 1/3 số tử vong trên thế giới.
Bệnh tim mạch do nhiều nguyên nhân, trong đó tăng huyết áp là một nguyên nhân quan trọng.
Ở những người trên 60 tuổi, tỷ lệ tăng huyết áp lên đến gần 2/3. Khi tuổi thọ con người ngày càng được kéo dài nhưng đi kèm theo đó là việc hút thuốc lá, lối sống ít vận động, tỷ lệ béo phì và thừa cân ngày càng tăng thì tỷ lệ tăng huyết áp sẽ tiếp tục tăng, ước tính số lượng người tăng huyết áp sẽ đạt 1,5 tỷ người trên toàn cầu vào năm 2025.
Tại Việt Nam, tỷ lệ tăng huyết áp tiếp tục có xu hướng tăng lên và độ tuổi ngày càng trẻ hóa. Thống kê của Hội Tim mạch học Việt Nam năm 2015, nước ta có 20,8 triệu người trưởng thành bị tăng huyết áp, chiếm tỷ lệ 47,3%. Đặc biệt, trong những người bị tăng huyết áp, có gần 40% (8,1 triệu người) không được phát hiện bị tăng huyết áp; 7,2% (0,9 triệu người) bị tăng huyết áp không được điều trị; hơn 2/3 số trường hợp (8,1 triệu người) bị tăng huyết áp chưa kiểm soát được.
BS Hoàng nhấn mạnh tăng huyết áp là bệnh lý thường được ví von là 'kẻ giết người thầm lặng' vì bệnh thường không có biểu hiện triệu chứng rõ ràng mà hậu quả lại nặng nề. Tăng huyết áp không chữa trị dẫn đến trái tim yếu đi và hư hại động mạch vành nuôi tim. Hậu quả là gây nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ, suy thận, mờ mắt, đau chân do tắc mạch…
Bước đầu tiên để kiểm soát huyết áp là biết con số huyết áp của bạn. Huyết áp là chỉ số thay đổi nên việc quan trọng là phải theo dõi, ghi lại huyết áp thường xuyên.
Phòng kẻ giết người thầm lặng: Hãy nhớ số đo huyết áp như tuổi của mình
Tim như một cái 'bơm' và mạch máu như là hệ thống 'ống nước', đây là một hệ thống kín, không thông thương với bên ngoài. Huyết áp chính là áp lực của máu trong lòng động mạch, như áp lực của 'nước trong lòng ống'. Huyết áp đo ở người gồm hai con số, số đầu tiên là áp lực khi trái tim bóp, bác sĩ hay gọi là 'huyết áp tâm thu'; số thứ 2 là áp lực khi trái tim nghỉ, bác sĩ hay gọi là 'huyết áp tâm trương'. Một người bị tăng huyết áp khi đo huyết áp từ 140/90 mmHg trở lên.
Hãy nhớ huyết áp của mình
Để chủ động phòng chống bệnh tăng huyết áp, bác sĩ Hoàng cho rằng mỗi người hãy tự kiểm tra huyết áp hoặc đến cơ sở y tế để kiểm tra thường xuyên. Khi tự kiểm tra tại nhà, cần tuân thủ các bước đo huyết áp đúng do Bộ Y tế khuyến cáo để nắm chỉ số huyết áp chuẩn xác nhất của mình:
Cách đo huyết áp đúng và chuẩn:
Nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh ít nhất 5 - 10 phút trước khi đo huyết áp.
Không dùng chất kích thích (cà phê, hút thuốc, rượu bia) trước đó 2 giờ.
Tư thế đo chuẩn: người được đo huyết áp ngồi ghế tựa, cánh tay duỗi thẳng trên bàn, nếp khuỷu ngang mức với tim. Ngoài ra, có thể đo ở các tư thế nằm, đứng. Đối với người cao tuổi hoặc có bệnh đái tháo đường, nên đo thêm huyết áp tư thế đứng nhằm xác định có hạ huyết áp tư thế hay không.
Sử dụng huyết áp kế thủy ngân, huyết áp kế đồng hồ hoặc huyết áp kế điện tử (loại đo ở cánh tay). Các thiết bị đo cần được kiểm chuẩn định kỳ. Bề dài bao đo (nằm trong băng quấn) tối thiểu bằng 80% chu vi cánh tay, bề rộng tối thiểu bằng 40% chu vi cánh tay. Quấn băng quấn đủ chặt, bờ dưới của bao đo ở trên nếp lằn khuỷu 2cm. Đặt máy ở vị trí để đảm bảo máy hoặc mốc 0 của thang đo ngang mức với tim.
Nếu không dùng thiết bị đo tự động, trước khi đo phải xác định vị trí động mạnh cánh tay để đặt ống nghe. Bơm hơi thêm 30 mmHg sau khi không còn thấy mạch đập. Xả hơi với tốc độ 2 - 3 mmHg/nhịp đập. Huyết áp tâm thu tương ứng với lúc xuất hiện tiếng đập đầu tiên (pha I của Korotkoff) và huyết áp tâm trương tương ứng với khi mất hẳn tiếng đập (pha V của Korotkoff).
Không nói chuyện khi đang đo huyết áp.
Lần đo đầu tiên, cần đo huyết áp ở cả hai cánh tay, tay nào có con số huyết áp cao hơn sẽ dùng để theo dõi huyết áp về sau.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!