Phòng tránh điện giật: Cẩn tắc vô áy náy

Kỹ năng sống - 11/24/2024

Hệ thống ổ cắm trong nhà nên được để ở các vị trí che khuất.

Những tai nạn do điện giật thường để lại những hậu quả nặng nề, dẫn đến những chấn thương nghiêm trọng và có thể đe dọa tính mạng, thậm chí gây tử vong. Phần lớn những tai nạn do điện giật do những nguyên nhân cả khách quan, cả chủ quan. Mới đây, một sự việc đau lòng đã xảy ra vào tối ngày 9/9/2014 tại huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Một người phụ nữ đã bị giật và qua đời khi dòng điện rò rỉ qua micro trong khi hát karaoke. Đây thực sự là lời cảnh báo về sự an toàn khi sử dụng các thiết bị dùng điện.

Phòng tránh điện giật: Cẩn tắc vô áy náy

Thực tế là, chúng ta có thể hạn chế được những nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến tai nạn điện giật nếu biết cách chủ động phòng tránh. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn một số biện pháp phòng tránh bị điện giật ở nhà, nơi làm việc hay khi tham gia các hoạt động ngoài trời.

Phòng tránh điện giật tại nhà

Trước hết, chúng ta cần biết rằng, về cơ bản dòng điện tự nhiên có xu hướng kết nối với bề mặt đất thông qua bất cứ một vật liệu dẫn điện nào. Một số hợp chất có tính chất cách điện cao su, kính, gỗ có tính chất dẫn điện kém và một số chất có tính chất dẫn điện tốt như kim loại, nước. Cơ thể con người chúng ta cũng có thể dẫn truyền dòng điện và khi dòng điện chạy qua một phần cơ thể sẽ gây nên tình trạng điện giật. Điều này xảy ra thường xuyên nhất khi có một nguồn điện trực tiếp tiếp xúc với cơ thể của con người. Dòng điện cũng có thể chảy được dẫn vào cơ thể con người thông qua một vật dẫn điện khác như kim loại hoặc nước.

Hệ thống ổ cắm trong nhà nên được để ở các vị trí che khuất. Với những ổ cắm chưa sử dụng thì nên được bao bọc, che chắn bởi các tấm chắn hay còn gọi là thiết bị bịt ổ điện an toàn, để ngăn chặn sự tiếp xúc tình cờ với dòng điện và xảy ra nguy hiểm. Điều này hết sức quan trọng, nhất là trong những gia đình có con nhỏ. Nếu không có sự thận trọng đề phòng của cha mẹ, người thân trong gia đình, thì có thể dẫn tới những tai nạn không mong muốn. Các bé có thể cầm những vật liệu dẫn điện bằng kim loại và chọc vào ổ cắm.

Phòng tránh điện giật: Cẩn tắc vô áy náy

Một số đồ dùng trong gia đình có sử dụng và tiêu thụ điện năng. Hãy nắm rõ những vị trí của các bộ phận ngắt mạch, cầu chì sử dụng trong gia đình. Hiểu biết cách sử dụng và vận hành các thiết bị điện phù hợp với hướng dẫn cuả nhà sản xuất. Tránh một số trường hợp tai nạn chập cháy có thể xảy ra do lắp đặt hoặc sử dụng nguồn điện không phù hợp (ví dụ một số thiết bị điện tử của Nhật sử dụng dòng điện 110 Vôn, lại cắm vào dòng điện 220V…). Việc sử dụng các thiết bị điện không đúng có thể gây nên những tai nạn đáng tiếc như cháy nổ, điện giật.

Trong gia đình nên sử dụng thiết bị ngắt mạch điện (thường gọi là Át-tô-mát). Khi có sự cố điện xảy ra do chập, cháy, dòng điện sẽ được tự ngắt nhờ thiết bị an toàn. Việc lắp đặt và sử dụng thiết bị ngắt dòng điện có chi phí thấp và rất hữu ích trong bảo vệ con người và tài sản, thiết bị.

Các thiết bị điện sử dụng trong gia đình nên được lắp đặt và bố trí tránh càng xa nguồn nước càng tốt. Bởi lẽ chúng sẽ thường nhanh hỏng hóc khi bố trí ở nơi có độ ẩm cao. Khi đó, rất có thể, những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra.

Không bao giờ sử dụng một thiết bị điện trong khi bạn đang đứng trong bồn tắm hoặc dưới vòi hoa sen. Việc bố trí một máy sấy tóc dùng điện trong nhà tắm tuy rất tiện nhưng cũng ẩn chứa những yếu tố nguy hiểm khó lường. Chỉ nên sử dụng máy sấy khi đảm bảo chắc chắn rằng, tay bạn đã khô.

Phòng tránh điện giật: Cẩn tắc vô áy náy

Máy sấy không nên để ở phòng tắm

Nếu một thiết bị sử dụng điện bị rơi vào nước, không cố gắng để lấy nó cho đến khi bạn ngắt mạch điện tương ứng hoặc khi phích cắm đã được rút khỏi nguồn điện. Không sử dụng lại thiết bị ngay khi nó khô mà nên được đánh giá, kiểm tra lại bởi một người thợ điện xem nó có khả năng được sử dụng lại mà vẫn đảm bảo an toàn hay không.

Thường xuyên kiểm tra và thay thế các thiết bị điện hư hỏng. Một số dấu hiệu cho thấy thiết bị cần được kiểm tra sửa chữa đó là: Phát ra những tia lửa điện nhỏ, dây nối với thiết bị điện bị sờn hoặc hư hỏng, thiết bị điện trở nên nóng bất thường hoặc cảm thấy nhiệt phát ra từ ổ cắm điện, có mùi khét khi sử dụng thiết bị… Thường xuyên kiểm tra hệ thống âm ly, dây dẫn, micro khi bạn sử dụng các thiết bị giải trí, tốt nhất là nên sử dụng micro không dây thay cho việc sử dụng micro có dây để hạn chế những nguy cơ mất an toàn.

Tại nơi làm việc

Nếu có thể được, không làm ảnh hưởng tới công việc chung, nên tắt nguồn của các thiết bị điện và kiểm tra trước khi sử dụng hoặc vận hành máy móc. Công tác kiểm tra nhằm đảm bảo rằng bạn đang được làm việc với một thiết bị an toàn và không có nguy cơ cháy nổ.

Mang những thiết bị bảo vệ cá nhân như găng tay và giày hoặc ủng có đế cao su không dẫn điện. Tại một số nơi làm việc người ta còn sử dụng thảm cao su trên sàn nhà như một biện pháp phòng ngừa điện giật cho người lao động.

Thận trọng khi điều khiển các công cụ, thiết bị sử dụng điện. Hãy chắc chắn rằng tất cả các máy móc và công cụ phải được kiểm định đủ điều kiện an toàn. Thường xuyên kiểm tra bảo dưỡng, sửa chữa tất cả các thiết bị có dấu hiệu hư hỏng. Luôn luôn giữ cho các thiết bị điện không tiếp xúc với nước. Các khu vực có hơi xăng dầu, chất khí dễ cháy, dung môi bay hơi… đều phải được dọn dẹp sạch trước khi sử dụng các thiết bị điện để đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ.

Trong các trường hợp cần thiết, hãy nhờ sự hỗ trợ của một thợ điện chuyên nghiệp thay vì tự sửa chữa những dụng cụ liên quan đến điện để đảm bảo an toàn cho bản thân./.

Phòng tránh điện giật: Cẩn tắc vô áy náy

Sử dụng những thiết bị để giữ an toàn của bản thân và những người xung quanh

 

Bị điện giật chết khi đang bế con hát karaoke
Điện giật khi hát karaoke: Không hiếm gặp

 

 Ảnh minh họa: Internet

ThS. Nguyễn Kiên Cường

Viện Y học Dự phòng Quân đội

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!