Nghiện ma túy từ lâu bị coi là tệ nạn xã hội, nhưng trên thực tế, nghiện là một bệnh, do đó, người nghiện là bệnh nhân cần được điều trị chứ không phải tội phạm.
Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh, nghiện là bệnh lý mạn tính, tái diễn của não bộ do sử dụng ma túy lặp đi lặp lại trong một thời gian dài, tạo ra một số thay đổi trên não bộ. Đồng thời, tác dụng của ma túy giảm theo thời gian nếu sử dụng cùng một liều như cũ, điều này khiến người ta phải tăng liều và trở nên lệ thuộc vào chất ma túy. Từ đó, nếu không có sự bổ sung ma túy sẽ gây nên hội chứng cai (hay còn gọi là vã thuốc hoặc đói thuốc).
Khi đã lệ thuộc vào ma túy, nếu không sử dụng ma túy, người nghiện sẽ rơi vào tình trạng rối loạn thể chất, tâm lý và hành vi. Để khôi phục được trạng thái bình thường, họ buộc phải tìm mọi cách để có ma túy, kể cả thực hiện các hành vi phạm tội. Tình trạng trộm cắp do người nghiện gây ra đã không còn là hiếm gặp ở mọi địa phương nên chúng ta vẫn thường đánh đồng người nghiện là tội phạm.
Ảnh minh họa
Giải quyết vấn nạn nghiện vẫn đang làm đau đầu các cơ quan chức năng. Các trung tâm cai nghiện tập trung hoạt động trong nhiều năm qua không thực sự phát huy tính hiệu quả, tỷ lệ tái nghiện vẫn ở mức cao, cụ thể là đến 90% người tái nghiện trong vòng một năm sau khi rời khỏi các trung tâm cai nghiện và tình hình phạm tội liên quan đến nghiện ma túy vẫn tiếp tục tái diễn.
Nhược điểm của biện pháp này nằm ở chỗ xem cắt cơn và cách ly người nghiện khỏi môi trường có ma túy là cách tốt nhất để điều trị bệnh nghiện, nhưng bỏ qua yếu tố mạn tính, tái diễn của bệnh. Vì vậy khi học viên tái hòa nhập cộng đồng, họ nhanh chóng nghiện lại khi bị bạn nghiện rủ rê hoặc va chạm với các yếu tố nguy cơ liên quan đến quá trình sử dụng ma túy trước đây.
Thực tế này đòi hỏi sự thay đổi trong quan điểm đối với công tác điều trị nghiện để có các biện pháp phù hợp. Ở nhiều nước trên thế giới, quan điểm ‘nghiện là một vấn đề y tế công cộng’ đã được áp dụng từ nhiều năm nay, thể hiện qua phương pháp điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, từ đó thay vì được đưa đi cai nghiện tập trung, cách ly khỏi gia đình và cộng đồng, để cắt cơn giải độc và chữa khỏi bệnh nghiện. Người nghiện sẽ được điều trị thay thế, lâu dài giống như người bệnh tiểu đường, cao huyết áp bằng thuốc uống hằng ngày, tuân thủ các bài tập thể chất, có lối sinh hoạt lành mạnh, kết hợp chế độ dinh dưỡng phù hợp theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
Ưu điểm của phương pháp điều trị duy trì bằng thuốc thay thế là sự đề cao tính nhân văn, tính tự nguyện và tính cộng đồng. Người nghiện tham gia chương trình một cách tự nguyện, được điều trị tại cộng đồng, nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của người thân, bạn bè và dễ dàng hòa nhập với cộng đồng. Đồng thời phương pháp này giúp người nghiện hồi phục sức khỏe nhanh chóng, giảm thèm nhớ, góp phần ngăn ngừa tái nghiện.
Hơn nữa, điều trị bằng phương pháp này chỉ sử dụng thuốc qua đường uống nên giúp giảm lây nhiễm HIV/AIDS hiệu quả, thuốc cũng rất an toàn với người sử dụng (phụ nữ có thai có thể uống, người uống vẫn sinh hoạt, lao động, lái xe bình thường). Áp dụng quan điểm điều trị bệnh dựa vào cộng đồng trên khía cạnh y tế công cộng trong giải quyết vấn đề nghiện sẽ mang đến nhiều kết quả tích cực hơn việc coi người nghiện là tội phạm, đồng thời giúp giảm bớt gánh nặng về quản lý tội phạm.
Methadone là thuốc phổ biến được sử dụng trong điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện. Thuốc có tính an toàn, hiệu quả cao với chi phí thấp (chỉ 7.500 đồng một người mỗi ngày đối với bệnh nhân tham gia chương trình xã hội hóa điều trị duy trì bằng methadone).
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!