Quan niệm Đông y về bệnh

Cần biết - 11/24/2024

Thời hiện đại, cuộc sống có rất nhiều áp lực khiến con người dễ bị bệnh tật... làm sao hóa giải?

Bệnh là gì?

Thông thường, mọi người cho rằng bệnh tật là một tổn thương về thể xác mà ta có thể nhìn thấy. Nhưng không phải vậy, con người tồn tại không chỉ có thể xác mà còn cả tâm hồn. Bất cứ điều gì làm mất đi sự “an toàn” cho con người về thể chất và tinh thần đều gây ra bệnh.

Trong Đông y, bệnh chính là sự mất cân bằng âm dương trong cơ thể. Sự mất cân bằng này là do tình trạng thái quá (quá nhiều) hoặc bất cập (quá ít). Âm có thể hiểu đơn giản là những điều “hữu hình” mà ta “chạm” đến được, như đau đầu, nhức mỏi, hoa mắt, ù tai...

Còn Dương là những điều “vô hình” thuộc về sự biến hóa mà ta chỉ có thể cảm nhận mà không nhìn thấy được, ấy là những “nỗi lòng biết tỏ cùng ai”.

Vì sao tôi bệnh?

Về cơ bản, nguyên nhân gây bệnh có thể chia thành ba nhóm chính: nội nhân, ngoại nhân và bất nội ngoại nhân.

Nội nhân:

Là những nguyên nhân phát sinh bên trong cơ thể, thuộc về tình cảm, cảm xúc, Đông y gọi đó là “Thất tình”, bao gồm: hỷ (vui), nộ (giận), bi - ai (buồn), tư (lo), kinh - khủng (sợ). Mỗi loại cảm xúc ảnh hưởng trực tiếp đến từng cơ quan, gây ra các rối loạn mà ta có thể quan sát được.

Trước hết là niềm vui, đây là tình chí của tạng Tâm. Khi vui cười, sắc mặt thường đỏ hồng là do Tâm chủ huyết mạch và vinh nhuận ra mặt. Ông bà ta có câu “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, niềm vui làm tinh thần chúng ta cảm thấy sảng khoái, yêu đời.

Tuy nhiên, nếu bị phấn khích quá nhiều đến nỗi “cười vỡ bụng”, làm thần bất minh, dẫn đến cuồng loạn thì “lợi bất cập hại”.

Quan niệm Đông y về bệnh

Tiếp đến là sự giận dữ, đây là tình chí của tạng Can. Sở dĩ ta hay “tức cành hông” là do tạng Can nằm ở dưới sườn (trung tiêu), Can khí hoành nghịch làm vùng ngực sườn khó chịu. Can suy yếu chức năng chủ sơ tiết làm khí huyết kém lưu thông, cơ thể mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon, ngủ không yên.

Nếu đã từng xem qua Tam Quốc diễn nghĩa, hẳn chúng ta còn nhớ đến cảnh Chu Du bị Gia Cát Lượng kích đến giận thổ huyết mà chết. Sự giận dữ cũng hay thấy ở phụ nữ, vì Can chủ huyết, người nữ thì lấy huyết làm gốc.

Nữa là sự buồn phiền, đây là tình chí của tạng Phế. Ứng với sự giận dữ của phụ nữ, chúng ta dễ bắt gặp sự trầm tư ở người nam, nam lấy khí làm gốc. Tiếng thở dài là nỗi niềm của Phế, vì Phế chủ khí. Khi buồn, Phế khí dễ tiêu tán, làm hô hấp bị ảnh hưởng, toàn thân mệt mỏi, thời gian dường như dài thêm - “Sầu đong càng lắc càng đầy/ Ba thu dọn lại một ngày dài ghê” (Truyện Kiều - Nguyễn Du).

Kế đến là sự lo lắng, đây là tình chí của tạng Tỳ. Khi lo lắng quá độ, Tỳ khí sẽ uất kết, gây ra các triệu chứng như đầy bụng, đại tiện phân sống, mệt mỏi... Vậy Trang Tử nói “người khôn hay lo” liệu có đúng? Cái lo ấy có chừng mực, không quá đáng, mang lại sự yên ổn cho tương lai chứ không phải cái lo làm mất cả sự bình an của hiện tại.

Trong Đông y, bệnh chính là sự mất cân bằng âm dương trong cơ thể.

Cuối cùng là sự sợ hãi, đó là tình chí của tạng Thận. Sở dĩ chúng ta “sợ té đái” là do khi kinh hãi thì khí hạ, Thận không điều khiển sự đóng mở lỗ tiểu. Ngoài ra, khi khí hạ còn gây ra các chứng di tinh, liệt dương, ngực đầy trướng, tâm không yên (do tinh khí không đưa được lên trên để nuôi dưỡng).

Ngoại nhân:

Là những yếu tố từ bên ngoài môi trường. Ngoại nhân phải kể đến lục dâm tà khí (sáu thứ khí gây bệnh) là: phong (gió), hàn (lạnh), thử (nắng - nóng), thấp (ẩm ướt), táo (khô), hỏa (nhiệt).

Đó là sáu thứ khí luôn tồn tại trong tự nhiên, thịnh suy theo từng thời điểm trong ngày, trong tháng, trong năm. Khi các khí ấy xuất hiện không đúng thời (sớm hoặc muộn), hoặc quá mạnh, hoặc quá yếu thì nó trở thành tà khí.

Tà khí này có gây ra bệnh hay không còn phải kể đến chính khí của cơ thể. Cơ thể khỏe mạnh thì tà khí khó xâm nhập và gây bệnh. Ngược lại, khi cơ thể suy yếu thì dù các loại khí bên ngoài dù bình thường thì vẫn làm tổn thương cơ thể.

Bất nội ngoại nhân:

Hiểu một cách đơn giản, bất nội ngoại nhân là những thói quen sinh hoạt của chúng ta, cơ bản nhất là ăn và ngủ. Trong thời buổi sống chung với thực phẩm bẩn thì việc ăn gì khiến chúng ta phải đau đầu.

Ấy là còn chưa kể đến những món ngon quyến rũ như: món nướng, xông khói, thức ăn nhanh... Thế mới thấy ông bà ta nói “Bệnh tòng nhập khẩu” quả chẳng sai- “thức ăn quyết định số phận”. Giấc ngủ chiếm 1/3 cuộc đời, là khoảng thời gian để cơ thể hồi phục sau một ngày làm việc.

Khi mà ánh điện đã xua tan màn đêm yên tĩnh thì việc ngủ nghỉ đúng giờ dường như trở nên xa xỉ. Không khó để bắt gặp hình ảnh các bạn trẻ thức thâu đêm để xem phim, lên mạng xã hội... hoặc kiếm tiền.

Tuổi trẻ bán sức khỏe kiếm tiền

Và liệu bỏ tiền có mua lại được sức khỏe? Câu trả lời hẳn là không thể. Thế nên Benjamin Flanklin từng nói: chỉ khi người giàu ốm họ mới hiểu được sự bất lực của giàu sang. Hay Thomas Fuller cũng từng nói: người ta không coi trọng sức khỏe cho đến khi đau yếu.

Lời khuyên cho sức khỏe: giữ cân bằng thể chất và tinh thần

Tập thể dục ít nhất 20 phút mỗi ngày.

Ngủ sớm, tốt nhất trước 23h.

Không gội đầu đêm. Tốt nhất trước 18h.

Ăn uống đúng giờ.

Ăn nhiều rau xanh, trái cây. Hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn đóng hộp...

Giữ tinh thần thoải mái, biết từ chối các áp lực quá mức.

Hạn chế sự phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ.

Dành thời gian cho bản thân, gia đình, bạn bè.

TS.BS. VÕ TRỌNG TUÂN - NGUYỄN NGỌC HUYỀN TRÂM

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!