Quy trình tia xạ ung thư vòm họng

Cần biết - 11/24/2024

Tia xạ không gây đau, thường rất ít hoặc không gây ra triệu chứng tổn thương.

Tia xạ hay xạ trị ung thư là phương pháp dùng tia phóng xạ chiếu vào khối u hoặc hạch tiêu diệt tế bào ung thư trên nguyên lý tế bào ung thư là các tế bào có sự sinh trưởng nhanh hấp thụ tia phóng xạ nhiều hơn các tế bào bình thường khác.

1. Các yêu cầu khi chỉ định điều trị ung thư bằng xạ trị

Chỉ định xạ trị phải đảm bảo đúng các nguyên tắc:

- Phải có một chẩn đoán thật chính xác về tất cả các tiêu chí (loại bệnh, vị trí tổn thương, giai đoạn bệnh, tiên lượng, loại mô bệnh học, sức khỏe bệnh nhân…), đảm bảo chỉ định tia xạ là đúng đắn, không chỉ định tia xạ khi có một tiêu chí chưa được phân định rõ ràng.

- Thể trạng bệnh nhân đủ điều kiện thực hiện quy trình xạ trị, phải được xem xét kỹ tất các mặt: Thể lực, các xét nghiệm phi lâm sàng, tinh thần và các bệnh khác kèm theo.

- Trong toàn bộ quá trình xạ trị bệnh nhân phải được theo dõi diễn biến bệnh tật liên tục, sát sao bằng các phương pháp thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng đáp ứng đủ theo yêu cầu của quy trình xạ trị.

Quy trình tia xạ ung thư vòm họng

Tia xạ hay xạ trị ung thư là phương pháp dùng tia phóng xạ chiếu vào khối u hoặc hạch tiêu diệt tế bào ung thư. (Ảnh minh họa: Internet)

2. Các bước tiến hành của quy trình xạ trị

- Chụp mô phỏng: Chụp CT-Scanner hoặc PET/CT xác định tổn thương, xác định mức độ xâm lấn của u, phát hiện di căn hạch…

- Lập kế hoạch xạ trị:

+ Hình ảnh mô phỏng sẽ được chuyển sang hệ máy tính để lập kế hoạch điều trị , từ hình ảnh mô phỏng  xác định các thể tích xạ trị: thể tích khối u thô, thể tích bia lâm sàng, thể tích lập kế hoạch xạ trị, thể tích khối u sinh học và các cơ quan cần bảo vệ…

+ Xác định số trường chiếu, góc chiếu, số lượng các trường chiếu chia nhỏ (segments), năng lượng chùm tia, số lượng các trường chiếu. Có thể lập kế hoạch xạ trị 3D hoặc xạ trị điều biến liều + IMRT (Intensity Modulated Radiation Therapy) nhằm tập trung liều bức xạ cao nhất vào khối u và thấp nhất vào tổ chức lành, giảm biến chứng xạ trị.

+ Tính tổng liều và phân liều

- Kiểm tra kế hoạch xạ trị trên phantom: sai số cho phép <3%.

- Tiến hành xạ trị với máy xạ trị gia tốc: Thời gian xạ trị thường rất ngắn , một ngày thường chỉ tia xạ 1 lần rất ít khi có chỉ định ngày tia xạ 2 lần.

3. Các phản ứng của cơ thể với tia xạ

Tia xạ không gây đau, thường rất ít hoặc không gây ra triệu chứng tổn thương, với liều cao có thể gây ra một số phản ứng phụ trong quá trình điều trị:

+ Các tế bào biểu mô bề mặt như da, khoang miệng, vùng hầu họng, niêm mạc ruột, niêm mạc đường tiết niệu có thể bị thương tổn do tia xạ. Nếu tia xạ vào vùng đầu cổ, đau và viêm loét vùng khoang miệng, hầu họng thường xảy ra. Nếu trầm trọng bệnh nhân nuốt đau, ăn uống kém dẫn đến suy kiệt. Mất mùi vị xảy ra sớm trong tuần thứ 2 điều trị kèm theo khô miệng, mất nước bọt.

+ Nghẽn các hệ thống bạch huyết dưới da gây phù bạch huyết có thể kết hợp với các giai đoạn viêm quầng (erysipelas).

+ Sưng nề các mô mềm có thể gây ra nhiều triệu chứng trong quá trình điều trị. Phù não là biến chứng thường xảy ra trong khi điều trị tia xạ vào khối u não.

+ Buồng trứng và tinh hoàn rất nhạy cảm với tia xạ, chúng không thể tạo ra được giao tử sau khi hấp thụ các liều điều trị tia xạ thông thường, do đó cần che chắn tốt khi điều trị tia xạ vào vùng chậu.

>> Xem thêm: Hỏi đáp về bệnh ung thư vòm họng

BS Đỗ Hữu Thảnh

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!