Trẻ con hiện nay rất hiếu động, nên việc vấp ngã là chuyện thường gặp, do đó răng có thể bị chấn thương. Người lớn vấp ngã ít hơn mà thường do các tai nạn giao thông là nhiều… Vậy khi răng bị rơi ra ngoài, có gắn lại như cũ được không?
10h sáng. 2 mẹ con hốt hoảng chạy đến phòng khám.
Bệnh nhân là một cậu bé khoảng 15 tuổi. Xung quanh vùng miệng bê bêt máu. Môi sưng vù. Gương mặt còn chưa hết vẻ hốt hoảng, sợ hãi. Một chiếc răng cửa của cậu bé đang treo tòn ten trên miệng. Răng chưa rơi hẳn ra ngoài nhưng đã bật khỏi xương ổ răng.
Bác sĩ đưa cậu bé vào ngay ghế điều trị. Vệ sinh và giảm đau. Đồng thời trấn an tinh thần cho cậu.
Khám tổng quát để loại trừ nguy cơ bị chấn thương vùng não, loại trử khả năng xương vùng mặt bị hư tổn. May cho cậu là ngoài cái răng bị rơi ra và đôi môi đang bầm tím thì cậu không bị thêm chấn thương nào cả.
Một điều may mắn hơn là ngay sau khi bị tai nạn, cậu đã được mẹ dẫn ngay tới phòng khám. Điều này rất có ý nghĩa với việc cứu được chiếc răng đã bị bật ra ngoài.
Răng bị rơi ra ngoài được lấy ra cẩn thận. Vệ sinh cục máu đông bằng nước muối sinh lý. Phim xquang được chụp để xác định tổn thương của xương ổ răng. Đồng thời cũng được làm sạch một cách rất cẩn thận.
Chỉ khoảng 30 phút sau, răng rơi ra đã được đưa vào vị trí ổ răng như ban đầu, được cố định với những răng bên cạnh.
Cũng lúc này, cậu bé và người mẹ mới kịp hoàn hồn. Người mẹ kể, buổi sáng, cậu đi xe đạp trong xóm, vô tình va quệt với xe máy, ngã dập mặt xuống vỉa hè. Sau đó thì mồm miệng bê bết máu. Dù hoảng hốt nhưng chị cũng kịp phát hiện một cái răng cửa bị bật ra ngoài, chỉ còn bám lại trên thành miệng.
Nhà 2 mẹ con ở cách phòng khám khá xa. Nhưng vì là bệnh nhân cũ của phòng khám, nên người mẹ tin tưởng dẫn cậu đến, với hi vọng cứu được chiếc răng đang treo lủng lẳng trên miệng.
Chiếc răng này chắc chắn sẽ cứu được, sẽ 'sống lại' và tự 'sửa chữa' để thích nghi lại với xương ổ răng. Xin chúc mừng cậu.
Nhân tiện, thấy đây là một vấn đề khá thường gặp và nghiêm trọng, xin chia sẻ vấn đề này một cách chi tiết, để mọi người có thêm kinh nghiệm xử trí trong trường hợp tương tự.
Răng rơi ra khỏi miệng, có gắn lại như cũ được không?
Câu trả lời là có. Nếu răng được bảo quản đúng cách và được đưa tới cho bác sĩ xử trí trong khoảng thời gian cần thiết.
Tiêu đề bài viết là 'răng rơi ra khỏi miệng' để các bạn dễ hình dung. Còn nếu nói theo đúng thuật ngữ chuyên môn thì là 'răng rơi ra khỏi huyệt ổ răng'.
Trên cung hàm có những huyệt ổ răng (hay xương ổ răng) riêng biệt. Mỗi răng được chứa đựng trong đó và được giữ cứng chắc bởi hệ thống dây chằng, gọi là nha chu.
Nếu so sánh răng với một trụ Implant thì giá trị của mỗi một chiếc răng khá lớn: trên dưới 20 triệu. Còn về mặt tinh thần, thì răng – là cái góc con người – là một vật vô giá. Vì vậy, khi gặp sự cố đến mức mà răng rơi hẳn ra ngoài, được bác sĩ xử trí cấy ghép lại, là điều rất có ý nghĩa đối với bệnh nhân.
Việc cấy ghép này thành công hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào việc bảo quản chiếc răng sau khi bị rơi ra ngoài. Từ những việc tưởng đơn giản như là cầm vào chỗ nào của răng? Có được rửa hay không? Đến việc đựng trong dung dịch gì?...
Xử trí tại chỗ khi răng rơi ra ngoài
Răng có thể bị chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, va chạm vật cứng như ngã, chơi thể thao, đá bóng… Trẻ con hiện nay rất hiếu động, nên việc vấp ngã là chuyện thường gặp, do đó răng có thể bị chấn thương. Người lớn vấp ngã ít hơn mà thường do các tai nạn giao thông là nhiều…
Khi bị ngã, bị tai nạn nhóm răng cửa trước thường sẽ bị một lực tác động rất lớn. Lực này có thể làm rơi bật răng ra khỏi xương ổ răng.
Khi răng rơi ra ngoài, để có thể cắm lại thành công thì răng phải được bảo quản tốt và cắm lại càng sớm càng tốt. Kết quả thành công cao khi răng được cắm lại 30 phút sau khi rơi ra. Thời gian răng ở ngoài càng lâu thì tỷ lệ thành công càng giảm. Nhưng nếu răng được bảo quản tốt thì việc cắm lại răng vẫn đem lại kết quả khả quan
Đối với răng sữa
Cầm máu bằng cách cho trẻ cắn bông tại nơi mà răng rơi ra khỏi ổ. Cắn gạc trong khoảng 15 phút. Răng sữa rơi ra khỏi ổ răng thì không nên cắm lại vào xương ổ răng, vì có thể sẽ ảnh hưởng tới sự mọc răng sau này của mầm răng vĩnh viễn. Như vậy đối với răng sữa, ta chỉ nên cầm máu cho trẻ và đợi mầm răng vĩnh viễn mọc lên sau này.
- Đối với răng vĩnh viễn rơi ra ngoài
Cầm máu bằng cách cắn bông gạc trong 15 phút.
Tìm và giữ lại răng bị rơi ra.
Khi răng rơi ra khỏi miệng, ngay lập tức nhặt răng lên, khi nhặt lên tránh cầm vào phần chân răng (phần nhỏ hơn) mà phải cầm vào phần thân răng để tránh làm tổn hại phần dây chằng nha chu giúp kết nối lại răng sau khi cắm.
Cầm răng bằng gạc tẩm nước muối sinh lý. Cầm bằng gạc chứ không cầm bằng bông. Vì sợi bông có thể bết dính vào chân răng.
Nếu răng bẩn, có thể rửa nhẹ nhàng với nước muối sinh lý. Tuyệt đối không cố làm sạch bằng cách cạo rửa, hay chải bằng bàn chải. Điều này không những không cần thiết mà còn làm tổn hại phần dây chằng nha chu xung quanh.
Khi nhặt răng lên và rửa sạch nhẹ nhàng ta có thể ngâm răng trong các dung dịch sau: nước muối sinh lý, sữa tươi không đường, lòng trắng trứng (răng sống được 6 – 12h). Hoặc dung dịch chuyên dụng, được sản xuất sẵn như là Save a tooth răng sống được 24h (trường học có thể trang bị dung dịch bảo quản này).
Tuyệt đối không được ngâm vào nước thông thường như nước máy, nước giếng. Vì đây là môi trường nhược trương có thể làm tan rã dây chằng nha chu. Đặc biệt không được ngâm răng trong thuốc sát trùng, thuốc tẩy, nước xúc miệng…
Xử trí răng rơi ra ngoài ở phòng khám
Khi tiếp nhận bệnh nhân có răng rơi ra ngoài, đầu tiên bác sĩ cần đánh giá sự tổn thương của não bộ trước. Bởi vì, với một lực có thể làm bật răng ra ngoài thì sự tổn thương ở đầu cũng rất dễ xảy ra.
Sau đó, cần phải thăm khám sự tổn thương của xương vùng hàm mặt. Đánh giá có gãy, lệch hay không. Sau cùng, bác sĩ mới đánh giá về răng và xương ổ răng để đưa ra hướng xử trí thích hợp nhất.
Bác sĩ cần đánh giá sự lành lặn của răng, của dây chằng nha chu. Răng đã bị rơi ra trong bao nhiêu thời gian và được ngâm trong dung dịch gì? Răng đã trưởng thành hay răng còn chưa đóng chóp? Xương ổ răng có bị biến dạng, gãy vỡ gì hay không?
Tất cả những điều này sẽ góp phần giúp bác sĩ đưa ra những hướng xử trí thích hợp nhất.
Thông thường, nếu đảm bảo tốt những yêu cầu tối thiểu thì răng sẽ được gắn lại vào xương ổ răng, và được cố định với những răng kế cận.
Bệnh nhân phải có một chế độ ăn uống sinh hoạt cẩn thận hơn, tránh tác động trực tiếp vào răng bị rơi ra. Kết hợp uống thuốc kháng sinh thì trong khoảng 2 đến 8 tuần, răng sẽ từ từ hồi phục và tái sửa chữa để thích nghi lại với xương ổ răng.
Biện pháp phòng ngừa để hạn chế răng bị bật khỏi ổ răng
Đối với trẻ em, để phòng ngừa chấn thương răng bị bật ra khỏi ổ răng, các bậc cha mẹ cần thường xuyên nhắc nhở và theo dõi sát hoạt động của con mình, tránh những nơi nguy hiểm, để tránh tổn thương vùng răng cửa khi bị ngã.
Phòng tránh với những trẻ đang tập đi, nên để trẻ chơi ở những nơi rộng rãi, bằng phẳng, trống trải. Trẻ lớn hơn có thể giải thích cho trẻ những trò chơi nguy hiểm và những rủi ro có thể gặp phải để trẻ tự phòng tránh cho mình.
Cần cho trẻ mang dụng cụ bảo vệ hàm mặt khi chơi thể thao, đội mũ bảo hiểm khi ngồi xe mô tô tham gia giao thông, thắt dây an toàn khi ngồi trong xe hơi.
Đối với người lớn khi tham gia giao thông cần phải đội mũ bảo hiểm. Khi lao động cần có những dụng cụ bảo hộ lao động theo quy định để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra
Khi có tổn thương ở răng, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế chuyên khoa RHM gần nhất để được điều trị kịp thời.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!