Một số người đã từng bị rét run lúc nửa đêm với những triệu chứng rất khó chịu, bác sĩ Lê Quang (Bệnh viện E Hà Nội) cho biết, chứng bệnh này mắc khi cơ thể bị suy giảm sức đề kháng.
Tái phát nhiều lần
Đang ngủ, chị Thúy Hòa (ở Đông Anh, Hà Nội) bỗng thức giấc vì cả người rét run cầm cập, nằm một lúc thì khắp người ngứa ran, tới mức chị phải gãi rất khó chịu. Chị Hòa nghĩ có lẽ chăn bông cất trên nóc tủ chưa phơi nắng, đắp ngay nên bị dị ứng. Khi cơn ngứa giảm, cơn rét run bớt thì cả người chị lại hầm hập nóng phải bỏ hết chăn, tất ra. Cứ thế cả đêm chị Hòa vật vã mất ngủ vì những cơn lạnh nóng thất thường và ngứa ngáy rất khó chịu.
Chứng rét run lúc nửa đêm có thể mắc bất kỳ lúc nào và có thể mắc đi mắc lại nhiều lần (Ảnh minh họa: Internet)
Còn chị Lê Thị Lài (ở Ninh Thuận) rất thích chơi thể thao, nhưng bị huyết áp thấp thỉnh thoảng lại nhịn ăn nên cũng hay bị chứng người rét run bần bật kéo dài khoảng 30 phút thì người lại vã mồ hôi, mặc dù ngủ không bật máy lạnh, chỉ để quạt nhẹ và luôn đắp chăn mỏng.
Với chị Đặng Thị Phương (ở Thanh Trì, Hà Nội) đang mang thai 29 tuần tuổi, khi ở 3 tháng đầu thai kì chị đã 2 lần bị rét run từng cơn, mỗi lần khoảng 10 phút và thường xuất hiện lúc đang ngủ.
Theo bác sĩ Quế Hương (nguyên bác sĩ Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội), chứng rét run lúc nửa đêm có thể mắc bất kỳ lúc nào và có thể mắc đi mắc lại nhiều lần nhưng mùa lạnh nhiều người mắc hơn. Chứng này nữ mắc nhiều hơn nam, cứ khi sức đề kháng giảm và thời tiết thay đổi là bị mắc. Những phụ nữ tiền mãn kinh thường bị bởi chứng này có liên quan đến rối loạn nội tiết tố, bởi vậy cần thăm khám trực tiếp để bác sĩ cho dùng thuốc phù hợp.
Chứng rét run, nóng bừng do dị ứng thời tiết thì sau 10 - 30 phút ủ ấm sẽ khỏi. Khi bị rét run, có thể dùng vitamin C, nước chanh đường ấm uống. Một số người nghĩ uống sữa nóng sẽ giúp hiện tượng này nhanh hết hơn, nhưng bác sĩ Quế Hương khuyên lúc này không nên uống sữa nóng bởi trong sữa có protein là một tác nhân gây dị ứng.
Nếu thấy cơ thể rét run quá sức chịu đựng thì nên uống một cốc trà gừng với đường uống, hoặc một cốc nước thật nóng giúp người ấm dần trở lại.
Làm gì nếu rét run kèm sốt, nổi mẩn?
Theo bác sĩ Lê Quang, những biểu hiện rét run kèm ngây ngấy sốt thường bị nhiều người coi thường dùng tay sờ trán 'chẩn đoán sốt' nên hạ sốt muộn, khiến cơ thể rất mệt mỏi, đau đầu. Lưu ý, khi rét run kèm sốt, đau đầu là bệnh lý, thường gặp là do nhiễm siêu vi. Cảm giác ớn lạnh, hoặc rét run là những nét đặc trưng khi sốt bắt đầu.
Người bị dị ứng cơ địa thường rất nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết, do đó khi thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh, hoặc lạnh sang nóng cần chú ý giữ nhiệt độ cho cơ thể. Phòng ngủ không nên mở rộng cửa sổ để tránh gió lùa. Khi thời tiết thay đổi cần mặc đủ ấm, nhất là khi ra khỏi nhà để tránh bị lạnh đột ngột. Bổ sung vitamin C hàng ngày, buổi sáng nên uống một cốc nước chanh ấm có thêm mật ong đều đặn vài tháng sẽ giúp cải thiện hệ miễn dịch của cơ thể, phòng nhiễm khuẩn, an thần, các bệnh về đường hô hấp...
Hoặc uống 1-2 chén trà xanh/ngày pha với mật ong để đẩy lùi dấu hiệu dị ứng. Ngoài ra có thể uống 500ml nước cà rốt, hay trộn nước cà rốt với nước củ cải đường và nước dưa chuột hàng ngày - những loại nước hoa quả tươi rất hữu hiệu để đẩy lùi dấu hiệu của dị ứng thời tiết.
Ăn uống nên tránh một số thực phẩm có thể gây dị ứng như: Hải sản, thịt gà, tôm, cua, ốc, lạc, dứa… Hạn chế các chất lên men (như dưa, cà muối…). Hạn chế uống rượu, bia vì là yếu tố thuận lợi cho dị ứng, mẩn ngứa xuất hiện, hoặc tái phát.
Cách đối phó với mẩn ngứa do dị ứng thời tiết:
- Nếu mẩn đỏ, mề đay dân gian có cách đun chảo không trên bếp thật nóng rồi cho miếng vải sao lên rồi xoa vào chỗ dị ứng, mẩn đỏ sẽ nhanh lặn.
- Tránh mặc loại vải dễ gây kích ứng da như len, lông, vải bố... Không mặc quần áo quá chật để tránh cọ xát tại chỗ.
- Giữ vệ sinh răng miệng, đường hô hấp, miệng, mũi, hầu họng để tránh mắc các bệnh do vi khuẩn, virus. Vệ sinh nhà cửa, chăn màn sạch sẽ…
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!