Ritalin có phải là 'thần dược' trị bệnh tự kỷ?

Nuôi dạy con - 11/24/2024

TĐO-Khoảng hai thập kỷ gần đây, tỷ lệ trẻ mắc chứng trầm cảm, tự kỷ gia tăng một cách nhanh chóng. Ritalin hiện được nhiều cha mẹ kháo nhau và lựa chọn để dùng cho trẻ tự kỷ. Cùng TĐO tìm hiểu về loại thuốc này.

Trẻ tự kỷ gia tăng

Tự kỷ là một loại khuyết tật phát triển suốt đời, do rối loạn sự phát triển hệ thần kinh tạo lên. Khuyết tật này có thể nhận biết được trong vòng 3 năm đầu đời của trẻ. Những trẻ em mang chứng tự kỷ biểu hiện khiếm khuyết về tương tác xã hội; khiếm khuyết về giao tiếp và có các hành vi, sở thích hạn chế, lặp đi lặp lại. Cụ thể, không cười và ít khi nhìn thẳng vào mắt người khác, thích chơi một mình, sống trong một thế giới riêng, không để ý đến bố mẹ, không thích chơi với trẻ khác.

Hoặc không có phản ứng khi được gọi tên, chậm biết nói (không nói bi bô khi lên 12 tháng, không tự nói được câu tiếng đôi (không tính câu bắt chước, khi được 24 tháng), không diễn tả được mình muốn gì, cử chỉ thường không hòa hợp với tiếng nói v.v…

Ritalin có phải là 'thần dược' trị bệnh tự kỷ?

Một buổi học của trẻ em.

Trẻ con ngoài tự kỷ kể trên có thể bị rối loạn mà nhiều bậc cha mẹ tưởng lầm là tự kỷ. Đó là “rối loạn tăng động giảm chú ý” (tiếng Anh là Attention-deficit hyperactivity disorder, viết tắt ADHD). Đây là một trong những rối loạn phát triển thường gặp ở trẻ em. Đặc điểm chung của ADHD là trẻ có những hành vi hiếu động quá mức đi kèm sự suy giảm khả năng chú ý. Ở nước ta, nhiều cha mẹ gọi ADHD ở con là chứng “cứng đầu”.

Căn bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng học tập và gây khó khăn trong quan hệ với mọi người. Theo thống kê cứ 100 trẻ thì có từ 3 đến 5 trẻ mắc rối loạn này với một số triệu chứng bắt đầu trước tuổi lên 7. Còn ở Việt Nam theo một nghiên cứu tương đối quy mô trên 1.594 học sinh ở hai trường tiểu học tại Hà Nội cho thấy tỷ lệ mắc bệnh là 3,01%. Một số biểu hiện của ADHD: Tay chân luôn ngọ nguậy, hay vặn vẹo khi ngồi; thường rời bỏ chỗ ngồi trong các tình huống đòi hỏi phải ngồi yên; thường khó tham gia những trò chơi hoặc hoạt động giải trí chỉ cần các hoạt động nhẹ nhàng; thường nói quá nhiều; buột miệng trả lời khi người khác chưa hỏi xong…

Thuốc Ritalin

Khi có con mắc bệnh tự kỷ, cha mẹ thường thực hiện phác đồ điều trị chủ yếu hiện nay là luyện tập. Việc tập luyện hiệu quả thường chậm khiến các bậc cha mẹ nóng ruột. Họ nghe ngóng khắp nơi, sẵn sàng cho con thử uống các loại thuốc với hy vọng con mình có thể thoát khỏi hoặc giảm bớt chứng bệnh này. Và, hiện nay, theo tìm hiểu của PV Thời Đại thì Ritalin là một trong những loại 'thần dược' được nhiều cha mẹ truyền tai nhau, tự điều trị cho trẻ tự kỷ.

Để tìm hiểu về loại thuốc này, TĐO đã có một buổi trao đổi nhanh với bác sỹ N.T.H Khoa Tâm bệnh - Bệnh viện Nhi TW. Bác sỹ N.T.H cho biết: 'Ritalin (thành phần là Methylphenidate), thuộc nhóm thuốc kích thích (stimulant medication). Ritalin là loại thuốc có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương, tức kích thích gây sự tỉnh táo, giúp hành vi con người linh hoạt hơn. Ritalin ở phương Tây, từ lâu được coi như một 'thần dược' để điều trị chứng ADHD. Cơ chế của thuốc này chủ yếu trị ADHD, bởi vì tác dụng kích thích của Ritalin làm chứng “tăng động” của trẻ giảm đi rõ. Còn đối với trẻ tự kỷ, hiện chưa có ghi nhận nào cho thấy Ritalin có tác dụng với trẻ tự kỷ'.

Ritalin có phải là 'thần dược' trị bệnh tự kỷ?

Thuốc Ritalin dạng nén

Cũng theo bác sỹ H., Ritalin có thể gây nghiện nên nếu nó bị lạm dụng không dùng vào mục đích điều trị. Và theo phân loại của cơ quan phòng chống ma túy nhiều nước, Ritalin nếu lạm dụng là thuốc gây nghiện loại II - phân loại tương tự như: Cocaine, morphine. Vì vậy, cha mẹ có con tự kỷ, tăng động không nên tùy tiện sử dụng thuốc mà cần tuân thủ theo phác đồ điều trị đúng do bác sỹ chuyên ngành chỉ định.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!