Rối loạn tiền đình: Triệu chứng và dạng bệnh thường gặp (P1)

Sơ cứu & Phòng ngừa - 10/08/2024

Rối loạn tiền đình là bệnh lý thường gặp nhất với những biểu hiện của tình trạng thiểu năng tuần hoàn não. Làm thế nào để bạn nhận biết nó?

Rối loạn tiền đình là bệnh lý thường gặp nhất với những biểu hiện của tình trạng thiểu năng tuần hoàn não. Người bệnh có dấu hiệu đi đứng khó khăn, bị choáng váng hoặc chóng mặt khi thay đổi tư thế, đôi khi khó tập trung, mau quên, thỉnh thoảng kèm theo nôn ói.

Rối loạn tiền đình hầu như không còn xa lạ với mọi người. Nó trở thành một bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Vậy làm thế nào để nhận biết khi bạn bị rối loạn tiền đình? Cùng Hello Bacsi tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé.

Rối loạn tiền đình là bệnh gì?

Hệ thống tiền đình là hệ thống bao gồm các bộ phận của tai trong và não giúp xử lý thông tin cảm giác liên quan đến sự kiểm soát cân bằng và chuyển động của mắt. Nếu xuất hiện bệnh hoặc chấn thương gây tổn thương đến hệ thống này thì khả năng cao bạn sẽ mắc bệnh rối loạn tiền đình. Rối loạn tiền đình cũng có thể do các yếu tố di truyền, tình trạng môi trường hoặc xảy ra không rõ nguyên nhân.

Choáng váng và mất thăng bằng là những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh rối loạn tiền đình. Ngoài ra, bạn còn có khả năng gặp vấn đề rối loạn thính giác hoặc thị giác.

Các triệu chứng thường gặp khi bị rối loạn tiền đình

  • Choáng váng, hoa mắt;
  • Mất thăng bằng và mất phương hướng trong không gian (như tìm đường);
  • Rối loạn thị giác;
  • Rối loạn thính giác;
  • Thay đổi nhận thức và tâm lý;
  • Buồn nôn, nôn mửa;
  • Đầu có cảm giác khó chịu như “say sóng”;
  • Gặp khó khăn khi đi lại;
  • Gặp vấn đề về khả năng cảm âm trong tai;
  • Đau tai hoặc đau đầu;
  • Nói lắp.

Những dạng bệnh rối loạn tiền đình thường gặp

Chóng mặt lành tính do tư thế (BPPV)

Đây là chứng rối loạn tiền đình thường gặp nhất. Nó gây ra tình trạng chóng mặt do tư thế – bạn sẽ có cảm giác đột nhiên bị chao đảo hoặc lắc lư. Tình trạng này xảy ra khi các tinh thể canxi nhỏ trong một phần tai của bạn di chuyển đến khu vực mà chúng không nên xuất hiện. Điều này khiến tai trong truyền đi tín hiệu sai đến não rằng bạn đang di chuyển, nhưng thực ra bạn vẫn đang đứng yên và không hề chuyển động.

Nếu bạn mắc bệnh BPPV, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn chuyển động đầu theo một nguyên tắc nào đó khiến các tinh thể canxi trở lại vị trí ban đầu của chúng ở tai trong.

Viêm cấu trúc xoắn tai trong (Labyrinthitis)

Đây là một dạng của nhiễm trùng tai trong. Tình trạng này xảy ra do cấu trúc mỏng sâu bên trong tai – hay còn gọi là mê đạo của bạn bắt đầu bị viêm. Không chỉ ảnh hưởng đến việc giữ thăng bằng và thính giác của bạn mà tình trạng này còn có thể khiến bạn gặp phải các vấn đề như đau tai, ù tai, tai có mủ hoặc chất lỏng, buồn nôn, sốt cao…

Nếu tai trong bị nhiễm khuẩn, bạn cần phải dùng thuốc kháng sinh. Bác sĩ cũng có thể đề nghị bạn dùng steroid giúp giảm viêm hoặc những loại thuốc khác như antiemetic để giảm chứng nôn mửa và chóng mặt.

Bệnh Meniere

Những người mắc chứng rối loạn này thường có các dấu hiệu như đột ngột chóng mặt, ù tai (nghe thấy tiếng chuông, tiếng rì rầm hoặc tiếng ầm ĩ trong tai), không nghe được hoặc cảm giác âm thanh trong tai bị ảnh hưởng. Tình trạng này gây ra do virus, dị ứng hoặc các phản ứng tự miễn dịch khiến cho tai trong chứa quá nhiều chất dịch… Trong một số trường hợp, thính giác sẽ kém dần theo thời gian và bạn có thể sẽ bị điếc vĩnh viễn.

Tuy nhiên, để cải thiện tình trạng bệnh, bạn có thể thay đổi lối sống bằng việc giảm ăn muối, giảm ăn hoặc uống các thực phẩm chứa caffeine, hạn chế uống rượu, bia và uống thuốc giảm cơn đau tai khi phát bệnh. Trong một số trường hợp hiếm gặp, người bệnh cần được tiến hành phẫu thuật để làm giảm các triệu chứng bệnh. Các bộ phận bị ảnh hưởng của phần tai trong có thể bị cắt bỏ với mục đích ngăn việc chúng gửi các tín hiệu cân bằng sai đến não.

Không chỉ dừng lại ở đây, rối loạn tiền đình còn dẫn đến các dạng bệnh khác, mời bạn đón đọc ở phần 2.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Các chứng rối loạn tiền đình thường gặp và cách chữa trị
  • Khi nào chóng mặt là dấu hiệu của đột quỵ
  • U dây thần kinh thính giác (u dây thần kinh số VIII)
  • Trẻ bị mất thăng bằng sau khi đột quỵ
  • Những điều mẹ cần biết về tật nói lắp ở trẻ
  • Rối loạn thính giác

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!