Rủ nhau đi rừng hái nấm về ăn, 11 người phải cấp cứu do ngộ độc

Thời sự - 11/24/2024

Sau khi đi rừng hái được ít nấm về ăn, cả 11 người đều phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng, buồn nôn, khó thở.

Báo Hà Giang đưa tin, khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Mê (Hà Giang) cho biết, khoảng 21h20 ngày 23/11, bệnh viện đã tiếp nhận 11 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng, buồn nôn, khó thở và nghi ngộ độc do ăn nấm rừng.

Ngay sau khi tiếp nhận, Bệnh viện huy động lực lượng y, bác sỹ thực hiện các bước sơ cứu ban đầu như: Truyền dịch, xông rửa dạ dày; truyền giải độc...

Rủ nhau đi rừng hái nấm về ăn, 11 người phải cấp cứu do ngộ độc

Các bệnh nhân ngộ độc sau khi ăn nấm rừng hiện đang được điều trị, theo dõi tại bệnh viện. Ảnh: Baohagiang

Báo Pháp luật Việt Nam dẫn lời người đại diện bệnh viện đa khoa Bắc Mê cho biết, hiện tại sức khỏe của những bệnh nhân này cơ bản đã ổn định và đang tiếp tục được các bác sĩ theo dõi.

Các bệnh nhân cho hay, họ cùng thường trú tại thôn Bản Khun, xã Yên Cường, huyện Bắc Mê. Trước đó, họ rủ nhau đi rừng hái nấm về nấu ăn. Ngay sau khi ăn thì có các hiện tượng nói trên nên đã được người nhà đưa đến bệnh viện.

Theo phía bệnh viện, họ cũng đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Bắc Mê gửi mẫu để xét nghiệm, nhằm xác định độc tố khiến người bệnh trúng độc.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, để phân biệt giữa nấm độc với không độc rất khó, ngay cả họ cũng có thể nhầm. Thế nhưng, nhiều gia đình vẫn bất chấp những cảnh báo, hái nấm rừng ăn và hệ quả là bị ngộ độc tập thể, thậm chí là tử vong.

Rủ nhau đi rừng hái nấm về ăn, 11 người phải cấp cứu do ngộ độc

Những loài nấm độc hoang dại thường gây ngộ độc cho nhiều người. Ảnh: Nhân dân

Do vậy các chuyên gia khuyến cáo người dân không ăn các loài nấm mọc hoang dại, trừ mộc nhĩ, kể cả khi bạn có kinh nghiệm lâu năm.

Sau ăn nấm mọc hoang dại một giờ, chậm nhất là 6 giờ trở lên thấy các biểu hiện bất thường thì phải tiến hành sơ cứu vì các trường hợp ngộ độc nấm nặng, nguy hiểm, dễ tử vong (với cả người dân và nhân viên y tế).

Ngộ độc thường biểu hiện ba giai đoạn (nấm độc tán trắng và nấm độc trắng hình nón): giai đoạn 1 thường là các biểu hiện nôn, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần; giai đoạn 2 là các biểu hiện tiêu hóa đỡ hoặc hết (thực ra gan, thận và các cơ quan bắt đầu bị tổn thương, người bệnh và bác sĩ dễ nghĩ là khỏi và cho ra viện); giai đoạn 3 là viêm gan, suy gan, suy thận, hôn mê, chảy máu và tử vong.

Nếu bệnh nhân chưa nôn thì phải giục nôn ngay. Nếu nạn nhân còn tỉnh thì cho uống nhiều ORESOL hoặc nước khoáng, nước quả, nước rau luộc pha muối, sau đó nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế gần nhất. Tại bệnh viện, các bệnh nhân thường cần phải được cấp cứu, hồi sức và giải độc rất tích cực và theo dõi sát.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!