Sa tử cung (sa dạ con)

Bệnh A-Z - 11/24/2024

Tìm hiểu về bệnh Sa tử cung trên Hello Bacsi sẽ cho bạn biết về triệu chứng, nguyên nhân, nguy cơ và cách điều trị bệnh hiệu quả.

Tìm hiểu chung

Tìm hiểu chung

Sa tử cung (sa dạ con) là bệnh gì?

Sa tử cung (hay còn gọi là sa dạ con) là tình trạng tử cung bị lồi vào trong lòng âm đạo.

Thông thường, tử cung được giữ ngay bên trên âm đạo bởi các cơ và dây chằng. Khi sa tử cung, các cơ và các dây chằng này bị kéo giãn và trở nên quá yếu không giữ nổi tử cung. Tử cung sụt xuống từ từ và di chuyển ra khỏi vị trí bình thường của nó, đi vào trong lòng âm đạo. Bàng quang (chứa nước tiểu), niệu đạo (dẫn nước tiểu ra khỏi cơ thể), và trực tràng (ống cơ kiểm soát đi tiêu) cũng có thể hạ xuống cùng với tử cung.

Các phương pháp điều trị sẽ tùy thuộc vào độ hạ xuống của tử cung. Sa tạng không được điều trị có thể gây loét cổ tử cung và gia tăng nguy cơ nhiễm trùng hoặc chấn thương các cơ quan vùng chậu.

Triệu chứng thường gặp

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của sa tử cung (sa dạ con) là gì?

Các triệu chứng cơ bản ở phụ nữ bị sa dạ con là cảm giác căng, đầy, nặng bụng vùng chậu, đau bụng dưới. Ngoài ra còn có đau lưng, đặc biệt càng đau khi nâng nhấc đồ vật nặng. Đau khi quan hệ tình dục. Người bệnh có thể cảm thấy một khối phồng ra trong âm đạo khi tự khám bằng tay hoặc trong trường hợp nặng hơn, nhìn thấy khối tử cung ở ngoài âm đạo. Do bàng quang, niệu đạo và trực tràng có thể hạ xuống cùng với tử cung, nên sẽ xuất hiện các triệu chứng như:

  • Tiểu đau.
  • Rỉ nước tiểu khi cười, hắt hơi, hoặc khi ho.
  • Các vấn đề về đại tiện.

Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Sa tử cung không được điều trị có thể gây loét cổ tử cung và gia tăng nguy cơ nhiễm trùng hoặc chấn thương các cơ quan vùng chậu. Vì thế, bạn nên đi khám bác sĩ ngay nếu:

  • Xuất huyết âm đạo bất thường, tiểu khó hoặc gặp vấn đề khi đi tiểu.
  • Nhận thấy triệu chứng không cải thiện sau 3 tháng điều trị hoặc luyện tập.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây ra sa tử cung (sa dạ con) là gì?

Nguyên nhân thường do mang thai và sinh con. Càng mang thai nhiều, càng dễ mắc bệnh. Thai nhi lớn, chuyển dạ kéo dài, và dùng lực khi sinh càng làm nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Các nguyên nhân khác bao gồm: tuổi già, thừa cân, cơ thể không cân đối, và mang vác vật nặng. Bệnh còn có thể xảy ra nếu có bệnh lý làm tăng áp lực ổ bụng như ho nhiều do hút thuốc và táo bón.

Nguy cơ mắc phải

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải sa tử cung (sa dạ con)?

Sa tử cung có thể xảy ra với phụ nữ ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng thường ảnh hưởng đến phụ nữ sau mãn kinh và đã từng có ít nhất một lần sinh ngả âm đạo.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc sa tử cung (sa dạ con)?

Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ sa dạ con, bao gồm:

  • Mang thai một hay nhiều lần và sinh ngả âm đạo.
  • Lớn tuổi.
  • Thường xuyên mang vác vật nặng.
  • Ho mãn tính.
  • Tiền căn phẫu thuật vùng chậu.
  • Thường xuyên phải rặn khi đi cầu.
  • Bệnh lý di truyền gây yếu mô liên kết.
  • Béo phì.

Điều trị hiệu quả

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những phương pháp nào dùng để điều trị sa tử cung (sa dạ con)?

Điều trị phụ thuộc vào mức độ sa tử cung, độ tuổi, hoạt động tình dục, các bệnh lý vùng chậu và mong muốn mang thai.

  • Nếu các triệu chứng còn nhẹ, bác sĩ có thể điều trị bằng cách:
  • Thực hiện bài tập Kegel, giúp củng cố cơ và dây chằng để giữ tử cung và âm đạo ở nguyên chỗ.
  • Liệu pháp hormone: kem hormone cũng có giúp các cơ và các dây chằng khỏe hơn.
  • Dùng vòng nâng, là dùng một vòng tròn nhỏ đặt trong âm đạo giúp giữ tử cung ở nguyên chỗ.

Ngoài ra, sa tử cung nặng hơn sẽ cần phải phẫu thuật, đôi khi có thể phải cắt bỏ tử cung.

Những phương pháp nào dùng để chẩn đoán sa tử cung (sa dạ con)?

Bác sĩ chẩn đoán dựa trên khám tổng quát, bao gồm khám vùng chậu và xét nghiệm Pap – phết tế bào cổ tử cung. Trong quá trình khám, bác sĩ có thể yêu cầu bạn cúi gập người xuống tương tự như khi đi cầu, để giúp bác sĩ đánh giá tử cung bị trượt vào âm đạo bao xa. Để kiểm tra sức cơ vùng chậu, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn nhíu cơ lại, giống như khi bạn cố gắng nhịn tiểu. Bạn sẽ được khám ở cả tư thế nằm và đứng.

Bạn có thể được điền một bộ câu hỏi giúp bác sĩ đánh giá mức độ sa dạ con ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn. Những thông tin này cũng giúp hướng dẫn lựa chọn phương pháp điều trị.

Các xét nghiệm khác bao gồm siêu âm vùng chậu, chụp cắt lớp (CT), và sinh thiết (để kiểm ra các khối u trong tử cung). Những phương pháp này thường không luôn cần thiết để chẩn đoán sa tử cung nhưng chúng sẽ hữu ích trong việc đánh giá mức độ nặng của bệnh.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của sa tử cung (sa dạ con)?

Sa dạ con có thể được hạn chế nếu bạn:

  • Thực hiện bài tập Kegel mỗi ngày. Tập thể dục tổng quát đều đặn để làm săn chắc toàn bộ các cơ.
  • Giảm cân nếu bạn bị thừa cân.
  • Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, giàu dinh dưỡng; uống nhiều nước và ăn nhiều thức ăn có chất xơ để tránh bị táo bón.
  • Tránh mang vác vật nặng.
  • Cố gắng kiểm soát ho.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!