Mới đây, Trung tâm cấp cứu và chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương) đã cấp cứu thành công cho trường hợp bé N.T.M (3 tháng tuổi, Hà Nội) vào viện trong tình trạng tím tái toàn thân, khó thở, nhịp tim nhanh trên 200 lần/phút.
Được biết, trước đó khi thấy con biếng ăn, gia đình đã nghe tư vấn của bạn mua sữa non của một hãng về và pha 10gram sữa non với khoảng 160ml sữa mẹ cho trẻ ti bình. Khi mới được 80ml, bé gái xuất hiện các ban ở miệng rồi lan dần ra mặt và toàn thân, trẻ kích thích, quấy khóc. Thấy tình trạng bé nặng hơn, gia đình vội vàng đưa con vào viện cấp cứu.
Tại Trung tâm cấp cứu và chống độc, bệnh nhi đã được đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp, sử dụng adrenalin tiêm bắp sau đó truyền tĩnh mạch theo phác đồ và chuyển lên Điều trị tích cực để theo dõi. Tại khoa Điều trị tích cực, các bác sĩ đã tiến hành cho bệnh nhi thở máy, sử dụng adrenalin và thuốc trợ tim hỗ trợ, bù nước, điện giải. Hiện tại, qua 12 tiếng, bệnh nhi vẫn chưa cai được máy thở, thuốc vận mạch.
Bé M đang được theo dõi tích cực. Ảnh BVNTW
Theo TS.BS Tạ Anh Tuấn-Trưởng khoa Điều trị tích cực cho biết, trường hợp bé N.T.M không phải là hi hữu, Trong một năm qua, đơn vị cũng đã tiếp nhận điều trị cho 2 trường hợp khác bị sốc phản vệ do sữa.
Trước đó, một bé trai 7 tháng tuổi cũng được gia đình đưa đi cấp cứu do có biểu hiện sốc trong khi dùng sữa công thức. Lúc đầu bé chỉ bị mẩn đỏ khắp người, sau khoảng một tiếng các triệu chứng rầm rộ hơn như nôn, tím đầu ngón tay ngón chân.
Để kịp thời cấp cứu cho bệnh nhân, các bác sĩ đã phải tích cực hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân, tiếp tục sử dụng thuốc điều trị chủ chốt chống sốc phản vệ là adrenalin tiêm tĩnh mạch, thuốc vận mạch khác phối hợp, chăm sóc, cấp điện giải… Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân không cải thiện, huyết áp không ổn định. Ngay sau đó, các bác sĩ phải tiến hành lọc máu liên tục. Gần 10 ngày điều trị, bệnh nhi mới ổn định được xuất viện.
Các chuyên gia khuyến cáo, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ trong 6 tháng đầu đời. Theo đó, chỉ cho trẻ trẻ bú mẹ mà không cho ăn, uống bất cứ thức ăn, đồ uống nào khác, trừ các trường hợp phải uống bổ sung các vitamin, khoáng chất hoặc thuốc theo chỉ định của thầy thuốc.
Trường hợp người mẹ vì lí do nào đó mất sữa, sữa không đủ cho con bú, bổ sung dinh dưỡng cho trẻ cần phải có sự tư vấn và chỉ định của thầy thuốc vì cơ địa của mỗi trẻ có thể dị ứng với các thành phần có trong sữa công thức. Hơn nữa, các bậc cha mẹ cũng không nên sáng tạo ra những cách pha cho trẻ uống để tránh những điều không đáng có.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!