Sinh thường và sinh mổ: Được và mất

Làm mẹ - 11/28/2024

Các bác sĩ thường khuyên sản phụ đã hai lần mổ lấy thai thì không nên có bầu nữa vì nguy cơ vỡ tử cung rất cao.

Chuyển dạ là quá trình đánh dấu sự kết thúc của quá trình thai nghén sau 38 - 40 tuần mang nặng để bước vào đẻ đau. Thời gian chuyển dạ đối với con rạ khoảng 6 - 12 tiếng, đối với con so khoảng 12 -  24 tiếng.

Sinh thường là hành trình thai nhi được ra ngoài theo ống sinh sản của người mẹ. Chỉ định sinh thường khi không có bất kỳ cản trở nào trong quá trình này như:

- Mẹ sức khỏe tốt để có thể rặn, hít thở để cung cấp oxy dưỡng chất cho trẻ.

- Không có cản trở trên đường thoát của thai nhi.

- Thai nhi đủ sức khỏe để vượt qua ống sinh sản: Không bị sa dây rốn, không suy thai.

Sinh thường có nhiều ưu điểm:

- Người mẹ hồi phục nhanh, sau khi sinh có thể đi lại ăn uống, có thể chăm sóc con ngay sau sinh. Sau 2 giở đầu có thể cho con bú, từ đó bảo vệ được nguồn sữa mẹ.

- Đứa bé được sự chăm sóc ngay sau sinh của người mẹ, được bú sữa mẹ sau những giờ đầu giúp bé không bị hạ đường huyết, thuận lợi cho quá trình tăng trưởng và phát triển của bé.

- Quá trình em bé đi qua ống sinh sản của người mẹ sẽ được thừa hưởng vi khuẩn có lợi trong ống sinh, từ đó tăng cường hệ miễn dịch ban đầu cho bé.

- Thành âm đạo hẹp, co bóp lồng ngực của bé, giúp tống xuất dịch trong phổi, bé giảm viêm phổi sau sinh và sau khi sinh.

Sinh thường và sinh mổ: Được và mất

Chỉ nên sinh mổ trong trường hợp có chỉ định (Ảnh: Lê Phương)

Nguy cơ khi sinh mổ:

- Tai biến khi gây tê, gây mê cho mẹ và bé.

- Sẹo ngoài da đặc biệt cơ địa seo lồi.

- Sẹo tử cung, không lành ảnh hưởng lần sinh sau.

- Hậu phẫu kéo dài, không đi lại, ăn uống bình thường sau sinh được.

- Mẹ không cho con bú trong những giờ đầu sau sinh.

- Sức đề kháng miễn dịch của bé kém vì không thừa hưởng được vi khuẩn có lợi từ ống sinh người mẹ.

Một sản phụ có một vết mổ cũ trên tử cung luôn được coi là một sản phụ nguy cơ cao:

- Vì sẽ có nguy cơ bị những tai biến trong lúc mang thai và chuyển dạ cao hơn một sản phụ không có vết mổ cũ.

- Hầu hết các sản phụ đã có một vết mổ cũ trên tử cung thường phải mổ lấy thai ở lần mang thai tiếp theo.

- Các bác sĩ thường khuyên các sản phụ đã có hai lần mổ lấy thai không được mang thai nữa vì nguy cơ vỡ tử cung trong lần mang thai sau đó là rất cao.

Một số trường hợp có chỉ định sinh mổ ngay từ trước (mổ lấy thai chủ động). Trong trường hợp mổ lấy thai chủ động, cuộc mổ có thể được tiến hành khi chưa có chuyển dạ hay khi bắt đầu có chuyển dạ.

Chỉ định mổ lấy thai chủ động:

- Khung chậu bất thường.

- Đường ra của thai bị cản trở: Nhau tiền đạo, u tiền đạo...

- Tử cung có sẹo xấu ở lần sinh mổ trước.

- Sức khỏe người mẹ không bảo đảm.

- Suy thai cấp đứa bé không thể ở lâu trong bụng mẹ được.

Còn lại đa số trường hợp, muốn biết sinh mổ hay sinh thường phải chờ vào giai đoạn chuyển dạ mới đánh giá được. Những chỉ định mổ lấy thai trong quá trình chuyển dạ có thể do một tình huống cấp cứu, do một tiến triển bất thường của chuyển dạ hoặc nguyên nhân bệnh lý nào đó chưa được phát hiện trong thời kỳ trước chuyển dạ, lúc này mới lộ ra.

Quá trình sinh ngả âm đạo là hiện tượng sinh lý tự nhiên của phụ nữ mang thai khi đến ngày thai nhi đủ tháng chuyển dạ, vì vậy không có lý do gì không theo hiện tượng sinh lý. Sinh mổ là một phẫu thuật ngoại khoa được chỉ định một khi quá trình chuyển dạ sinh không thể sinh được đường ngả âm đạo hoặc có vấn đề đe dọa tính mạng mẹ và thai nhi mà phải chấm dứt thai kỳ sớm. Do đó không nên yêu cầu mổ hoặc chọn ngày tốt để mổ một khi không có một bất kỳ lý do nào làm ảnh hưởng đến chuyển dạ sinh thường của người mẹ.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!