Bỏng nhiệt, bỏng bô xe máy hay có dị vật trong tai, mũi... cũng là một trong những tai nạn trẻ hay gặp phải nhưng nhiều cha mẹ vẫn lúng túng trong cách sơ cứu.
Xem thêm:
Sơ cứu đúng cách tai nạn trẻ thường gặp (P1)
Sơ cứu đúng cách tai nạn trẻ thường gặp (P2)
10. Sơ cứu khi có dị vật trong tai, mũi bé
Kể cả trẻ em và người lớn cũng rất dễ bị các dị vật rơi vào trong tai mũi... biết và sơ cứu đúng cách có thể nhanh chóng giúp người bị nạn thoát khỏi nguy hiểm.
- Dị vật trong tai
Khi có dị vật trong tai có thể gây đau và giảm thính giác. Nếu có vật gì đó mắc trong tai, hãy chú ý làm theo các bước sau:
Điều quan trọng đầu tiên và tuyệt đối tránh không được dùng dụng cụ như bông ngoáy tai, dụng cụ lấy ráy tai... để thăm dò tai. Đừng cố lấy dị vật bằng cách thăm dò bằng tăm bông, que hoặc các dụng cụ khác. Làm vậy có thể gây nguy cơ đẩy dị vật vào sâu trong tai và gây tổn thương những cấu trúc mỏng manh của tai giữa.
Nếu dị vật mềm, có thể nhìn thấy rõ và có thể gắp ra dễ dàng bằng nhíp, hãy nhẹ nhàng lấy nó ra.
Ngoài ra bạn có thể thử sử dụng trọng lực. Nghiêng đầu về bên tai có dị vật. Đừng đập vào đầu, song hãy lắc đầu nhẹ nhàng theo hướng mặt đất để cố làm cho dị vật rơi ra.
Nếu các phương pháp trên thất bại hoặc trẻ tiếp tục bị đau ở tai, giảm thính giác hoặc cảm giác có vật gì đó mắc trong tai, hãy đến cơ sở y tế.
- Dị vật trong mũi
Nếu có dị vật bị kẹt trong mũi, cần tuyệt đối chú ý, không ngoáy mũi bằng tăm bông hoặc dụng cụ khác.
Không cố hít dị vật bằng cách hít vào thật mạnh. Thay vào đó, hãy hướng dẫn trẻ thở bằng miệng cho đến khi dị vật được lấy ra.
Thở ra nhẹ nhàng để thử đẩy dị vật ra, nhưng đừng thở mạnh hoặc liên tục. Nếu chỉ một bên lỗ mũi có dị vật, bịt lỗ mũi kia lại bằng cách ấn nhẹ và sau đó thở ra nhẹ nhàng ở bên mũi có dị vật.
Nếu dị vật có thể nhìn thấy và có thể dễ dàng gắp ra bằng nhíp, nhẹ nhàng lấy nó ra. Không cố gắng lấy dị vật không nhìn được hoặc không dễ gắp.
Gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ cở y tế nếu các biện pháp trên thất bại.
11. Khi bé bị bỏng bô xe máy
Bị bỏng do ống bô xe máy nóng thì có thể gặp ở bất cứ nơi nào, với bất cứ ai bất cẩn. Khi trẻ bị bỏng bởi ống bô xe máy, theo các chuyên gia y tế, cần phải sơ cứu ngay giống như các trường hợp bị bỏng do nhiệt khác. Cần nhanh chóng dội nước lạnh sạch lên vùng bị bỏng hoặc ngâm vùng bị bỏng vào nước lạnh sạch càng sớm càng tốt.
Nhiều người cho rằng, bỏng bô xe máy là loại bỏng nhẹ nhưng trên thực tế, bỏng bô xe máy thường rất dễ bị bỏng sâu (do nhiệt độ của ống bô rất cao), do vậy, thời gian điều trị thường kéo dài, thậm chí 3-4 tuần.
Theo các bác sĩ, khi bị bỏng ống bô xe máy, không nên tự điều trị bằng các thuốc tự có hay bằng các kinh nghiệm dân gian như đổ nước mắm, bôi kem đánh răng... vào vết bỏng mà cần phải được bác sĩ xác định tổn thương bỏng nông hay sâu để có phương pháp điều trị thích hợp.
12. Khi trẻ bị bỏng nhiệt
Bỏng nhiệt thường xảy ra ở các mô của cơ thể chịu sự tác động của nhiệt độ cao (lửa, hơi.nước sôi,...). Đặc điểm đặc trưng của tổn thương do nhiệt là trẻ bị đau dữ dội, tình trạng ngày càng xấu đi.
Tình trạng bệnh của trẻ được xác định bởi độ sâu và diện tích bề mặt vết bỏng. Trên thực tế người ta phân biệt hai khái niệm: bỏng bề mặt (mức độ từ I đến III A) và bỏng sâu (mức độ từ III B đến IV). Vào những giây phút đầu tiên sau bỏng rất khó có thể xác định chính xác được độ sâu vết bỏng.
Sơ cứu đầu tiên đối với bỏng là phải ngăn chặn nguồn nhiệt gây bỏng. Phải nhanh chóng cởi bỏ quần áo của trẻ, nhưng tuyệt đối không được giật khỏi chỗ bỏng, mà phải khéo léo dùng kéo cắt quần áo. Lúc này, cần an ủi, làm cho trẻ bình tâm trở lại và cho trẻ dùng thuốc giảm đau.
Khi trẻ bị bỏng độ I và II (da bị đỏ hoặc có nốt phồng rộp) trên diện tích bề mặt không lớn phải dùng nước lạnh làm mát vết bỏng trong vòng 10-15 phút, sau đó băng lại.
Khi trẻ bỏng độ III và IV, cần phải băng vô trùng vùng bị tổn thương. Nếu diện tích vết bỏng trên cơ thể trẻ lớn có thể dùng khăn hoặc tã sạch đã qua tẩy trùng. Cần phải nhớ rằng, việc xử lý vết bỏng chỉ được tiến hành trên các cơ sở y tế. Vết bỏng rộng rất dễ dẫn đến tình trạng sốc do bẩn gia tăng.
Sốc bỏng có thể tiến triển khi vết bỏng chiếm 8% diện tích bề mặt cơ thể đối với trẻ dưới 1 tuổi (lòng bàn tay trẻ chiếm 1% diện tích bề mặt cơ thể ). Khi bị sốc bỏng, trẻ bị chóng mặt, da tái xám, người trẻ lạnh ngắt và ẩm, hơi thở nông và dồn dập, trẻ phản ứng kém với môi trường xung quanh. Vũ khí tốt nhất trong trường hợp cấp cứu trẻ sốc do bỏng là cho trẻ uống thật nhiều nước (nước trà nhạt, dung dịch muối), cần cho trẻ uống thuốc giảm đau.
Khi đưa trẻ tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế cần có biện pháp giúp trẻ giảm đau. Nếu trẻ bị bỏng ở phần nửa trên cơ thể, phần mặt, cổ tay, cho trẻ nằm ngửa khi di chuyển đến bệnh viện; nếu trẻ bị bỏng ở phần phía sau cơ thể, cần lấy quần áo, gối cao su, gối dài làm thành nơi đặt trẻ, sao cho phần lớn vùng chân hoặc thân là nơi dồn trọng lượng và không chạm vào phần mặt da để giúp trẻ đỡ đau.
13. Khi trẻ bị chảy máu
- Đối với các vết thương bị chảy máu không nhiều, có thể dùng biện pháp băng chặt vết thương. Để thực hiện biện pháp này, trước hết cần rửa vết thương bằng nước sạch và khử trùng vết thương bằng thuốc, đặt lên trên vết thương một vài lớp gạc, bên trên là một lớp bông. Dùng băng băng thật chặt vào tay hoặc chân bị tổn thương hoặc vào thân mình trẻ. Sau đó đưa trẻ đi khám lại để bác sĩ xử lý vết thương.
- Đối với trường hợp động mạch bị tổn thương thì thủ thuật băng sẽ không hiệu quả. Trong thời gian đợi bác sĩ cấp cứu cần phải cố gắng hết sức để cầm máu cho trẻ bằng cách ấn thật chặt mạch phía trên nơi chân, tay hoặc phần cơ thể bị thương hoặc làm ga rô cầm máu. Tuyệt đối không được dùng dây thép, dây kim loại để làm ga rô. Để tránh những biến chứng không mong muốn khi làm ga rô cầm máu, cần phải lưu ý một số nguyên tắc sau:
Ga rô cầm máu cần đặt lộ ra ngoài tấm lót mềm ( khăn tay, khăn mặt ) hoặc ngoài quần áo.
Ga rô phải đặt sát ngay phía trên vết thương. Kéo căng băng ga rô (nếu băng co giãn ) và quấn quanh một vài vòng, sao cho vòng quấn sau bện chặt vào vòng quấn trước, ép chặt vào da.
Tác dụng của việc đặt ga rô đúng cách được kiểm chứng thông qua hiện tượng da trở nên tím tái, không còn mạch đập ở phần dưới chỗ làm ga rô, ngừng chảy máu. Tuy nhiên, không nên buộc ga rô quá chặt, bởi khi buộc ga rô quá chặt sẽ gây ra những biến chứng trầm trọng, chân tay trẻ sẽ bị bầm tím hoặc hoại tử.
Kèm theo việc làm ga rô nhất thiết phải có phiếu ghi ngày giờ đặt ga rô.
Để tránh hoại tử mô, không được duy trì ga rô quá 1-1.5 tiếng trong điều kiện thời tiết mùa hè và không quá 30 phút vào mùa đông.
Nếu trong khoảng thời gian cho phép nêu trên mà vẩn chưa đưa trẻ trẻ đến được cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi được 'xe cấp cứu' gần nhất, thì phải nới ga rô cứ 10-15 phút một lần. Để nới ga rô, cần phải dùng ngón tay để ấn chặt mạch máu bị tổn thương.
14. Khi trẻ bị trật khớp
Trật khớp là hiện tượng bị chệch kết nối đầu các xương trong một khớp. Trật khớp thường kèm theo tổn thương nang khớp (bong gân, sái gân, đứt gân).
Biểu hiện triệu chứng trật khớp bao gồm: đau vùng khớp, chân tay bị đơ, biến dạng khớp và giảm vận động khớp. Khi bị trật khớp không nên kéo hay giật, giằng tay chân bị tổn thương, bởi động thái này càng làm tình trạng trẻ trầm trọng thêm.
Thao tác sơ cứu đầu tiên khi bị trật khớp cần phải thực hiện là giúp cho trẻ bớt đau đớn hơn. Cần phải chườm lạnh vùng bị tổn thương và cố định chân hoặc tay bị trật khớp. Thực tế cho thấy, khớp vừa bị trật dễ nắn hơn khớp đã bị trật từ lâu, bởi vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất tại thời điểm này là đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được trợ giúp.
Ảnh minh họa: Internet
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!