Sơ cứu gãy xương không đúng cách dễ gây tử vong

Kỹ năng sống - 11/24/2024

Bệnh nhân gãy xương không được sơ cứu đúng cách sẽ làm lượng mỡ trong tủy xương trào ra, gây tăng áp lực, mỡ di chuyển vào máu, dễ dẫn đến tử vong.

Bệnh nhân gãy xương nếu không được sơ cứu đúng cách có thể làm lượng mỡ trong tủy xương trào ra, gây tăng áp lực và nguy cơ mỡ di chuyển vào máu, dễ dẫn đến tử vong.

Anh Dũng, nhà ở TP HCM, bị tai nạn xe máy trong một lần đi công tác về miền Tây. Anh bị gãy xương cẳng chân, mất máu khá nhiều. Thay vì được sơ cứu tại chỗ và đợi có phương tiện phù hợp để vận chuyển thì người dân gần đó lại bế xốc anh lên xe máy để đưa tới trạm y tế. Chân anh được cứu nhưng tổn thương khá nặng, sau đó phải mổ đi mổ lại nhiều lần và hiện nay cử động chân rất khó khăn.

Chăm sóc cho cô gái út 24 tuổi bị liệt gần 3 tháng nay, bà Nguyễn Thị Lý sống tại quận 11, TP HCM, cho biết, con gái bà cũng là nạn nhân của tình trạng bị gãy xương mà không được sơ cứu đúng cách. Gặp tai nạn khi lưu thông trên đường, cô bị tổn thương đốt sống cổ ở tình trạng nhẹ. Trong lúc hỗn loạn, mọi người xung quanh bế xốc nạn nhân đưa vào viện, khiến cô bị đứt tủy sống dẫn đến liệt toàn thân.

'Các bác sĩ bảo có một số trường hợp do bị bế xốc lúc gặp tai nạn như con tôi mà không giữ được mạng sống nữa cơ đấy', bà Lý chia sẻ.

Rất nhiều người dân không biết phải xử lý sơ cứu tại chỗ với người bị gãy xương.

Sơ cứu gãy xương không đúng cách dễ gây tử vong

Tập sơ cứu người bị nạn. Ảnh: ST.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, tình trạng nạn nhân không tử vong vì những tổn thương do tai nạn mà chết vì được sơ cứu không đúng cách là khá phổ biến.

'Bệnh viện đã từng tiếp nhận không ít trường hợp bệnh nhân bị gãy xương, không được sơ cứu đúng cách khiến cho các đoạn xương gãy va chạm vào nhau, dẫn đến choáng sốc, chấn thương nặng nề và nguy kịch hơn', bác sĩ Phú cho biết.

Những biến chứng khi sơ cứu không đúng cách:

Biến chứng sớm:

Sốc mất máu do tổn thương xương và mô mềm: Bệnh nhân có thể tử vong vì mất máu. Cần cố định chi gãy vững chắc và di chuyển nhẹ nhàng người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Sử dụng thuốc chống sốc và giảm đau, truyền máu kịp thời để cứu sống bệnh nhân.

Hội chứng chèn ép khoang cấp tính do máu tụ trong các khoang của bắp cơ: Đây là biến chứng nguy hiểm, nếu không phát hiện kịp thời sẽ có nguy cơ hoại tử chi phải cắt bỏ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bệnh nhân cần được phẫu thuật rạch giải áp khoang sớm và cấp cứu kịp thời.

Gãy xương hở: Ổ gãy thông với môi trường bên ngoài đe dọa nhiễm khuẩn và viêm xương. Biến chứng này thường làm tốn kém nhiều chi phí, điều trị dài ngày làm ảnh hưởng đến khả năng lao động. Cần cắt lọc sạch mô bị nhiễm bẩn, rửa sạch vết thương, kháng sinh phù hợp và cố định ngoài xương vững chắc.

Tổn thương thần kinh: Gãy xương có thể tổn thương thần kinh do mặt cắt nhọn bén của xương gãy, nếu không được chẩn đoán và phát hiện kịp thời có thể bị tật suốt đời, người bệnh không còn khả năng lao động do chi mất chức năng vận động. Xử trí cấp cứu là khâu nối thần kinh giai đoạn sớm, giúp phục hồi thần kinh khá cao, khả năng phục hồi vận động và cảm giác của chi sẽ gần như bình thường.

Tổn thương mạch máu: Cũng như tổn thương thần kinh, mảnh gãy xương có thể làm bầm dập mạch máu hoặc gây đứt các mạch máu lớn. Việc xử trí sớm có thể cứu sống bệnh nhân. Cần chẩn đoán nhanh mạch máu bị đứt và xử trí khâu nối kịp thời để giúp dòng máu lưu thông trở lại. Cấp cứu muộn có thể gây tử vong hoặc cắt cụt chi là thường xảy ra và gây tàn phế góp phần tạo gánh nặng cho xã hội.

Hội chứng tắt mạch máu do mỡ: Gãy xương làm lượng mỡ trong tủy xương trào ra gây tăng áp lực và nguy cơ mỡ di chuyển vào dòng máu. Biến chứng này nếu không phát hiện thường gây tử vong cao. Cần cho thở oxy sớm, liều thích hợp và thuốc chống viêm kịp thời sớm sẽ cứu sống bệnh nhân.

Biến chứng muộn:

Nếu không tuân thủ các chỉ định, phương pháp xử trí không thích hợp hoặc bó thuốc nam khi chưa được nắn chỉnh và cố định đúng phương pháp thì sẽ dẫn đến các biến chứng muộn.

Xương chậm liền: Do các bệnh lý nội khoa kèm theo thiếu máu, loãng xương, tiểu đường... cần phát hiện và bổ sung thuốc để khắc phục các bệnh lý nội khoa nếu có.

Liền xương lệch: Biến chứng do bệnh nhân vận động sớm hoặc do tỳ nén quá sớm, không tuân thủ tái khám hoặc tự ý tỳ nén khi chưa có ý kiến của thầy thuốc chuyên khoa. Cần nghiêm ngặt tuân thủ và chấp hành các hướng dẫn trị liệu khi có gãy xương.

Khớp giả: Do mô xơ chèn vào giữa hai khe gãy, không lành xương. Nguyên nhân thường do bệnh nhân vận động sớm trước thời gian quy định, mổ kết xương không kịp thời hoặc kết xương không vững chắc. Cần hướng dẫn bệnh nhân tái khám đúng kỳ hẹn và có vận động sinh hoạt thích hợp.

Lưu ý khi sơ cứu cho người bị gãy xương:

- Tìm các phương tiện như nẹp tre, gỗ để cố định tạm thời nơi bị gãy xương, nhằm không làm tổn thương mạch máu và thần kinh xung quanh ổ gãy xương.

Lưu ý, nẹp phải đủ dài để cố định được cả khớp trên và khớp dưới ổ gãy. Không đặt nẹp cứng sát vào chi mà phải có một lớp đệm lót bằng bông, gạc...

- Đối với các trường hợp gãy xương hở, tối kỵ việc tự ý đẩy đầu xương có nhiều đất cát vào vùng mô mềm, cần sát khuẩn xung quanh vết thương, không đổ thuốc sát khuẩn hay kháng sinh vào vết thương.

- Nhanh chóng, nhẹ nhàng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Lưu ý trong quá trình chuyển nạn nhân đi, cần sử dụng các phương tiện giúp cho nạn nhân được nằm yên, không bị sốc, lay động mạnh. Hạn chế tối đa việc vận chuyển nạn nhân bằng xe gắn máy.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!