Sơ cứu khi ngộ độc ở bếp ăn tập thể

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Những vụ ngộ độc ở bếp ăn tập thể thường có nhiều nạn nhân. Việc sơ cứu đúng cách sẽ tránh được những hậu quả nguy hiểm.

Do điều kiện làm việc, công nhân thường phải ăn uống tại các bếp ăn tập thể. Đây là nơi có thể xảy ra những vụ ngộ độc tập thể với số lượng nạn nhân lớn. Việc xảy ra những vụ ngộ độc gần đây càng khiến nhiều người hoang mang. Những biện pháp xử lý kịp thời giúp giảm thiểu hậu quả về người, hạn chế quá tải tại cơ sở y tế.

Liên tiếp xảy ra ngộ độc thực phẩm

Ngày 13/4, tại công ty hóa chất số 6 thuộc dự án Formosa (Hà Tĩnh) xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm. 23 công nhân bị ngộ độc sau bữa cơm tại bếp ăn tập thể. Các nạn nhân có biểu hiện đau bụng, ói mửa, chóng mặt. Những người bị ngộ độc nhanh chóng được đi cấp cứu. Đến nay, họ đã ổn định và được xuất viện.

Trước đó chưa đầy 1 tuần, 15 học sinh trường bán trú thị xã Bến Cát (Bình Dương) bị ngộ độc thực phẩm sau bữa cơm trưa tại bếp ăn của trường. Các em được được đưa đến Trung tâm y tế thị xã Bến Cát để điều trị. Đặc biệt, 5 em biểu hiện nặng phải chuyển lên tuyến trên.

Sơ cứu khi ngộ độc ở bếp ăn tập thể

Công nhân Chương Mỹ (Hà Nội) đang được bác sĩ cấp cứu sau khi bị ngộ độc thực phẩm (Ảnh: Vietnam+)

Trưa 7/4, sau bữa cơm tại bếp ăn tại Công ty TNHH thời trang Star (Chương Mỹ, Hà Nội), hàng trăm công nhân có dấu hiệu đi ngoài, nôn thốc. Đến sáng 8/4, có 107 công nhân phải vào viện điều trị ngộ độc, trong đó có một thai phụ.

Hồi tháng 3, hơn 151 công nhân tại công ty CY-VINA (Trà Vinh) được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh điều trị ngộ độc thực phẩm. Bác sĩ cho biết, có 40 trường hợp ngộ độc nặng phải truyền dịch. Được biết, đây là lần thứ hai xảy ra ngộ độc tại công ty này. Với hậu quả nặng nề, công ty và chủ bếp ăn đã phải nộp phạt hành chính.

Sơ cứu trong trường hợp ngộ độc

Để giảm thiểu hậu quả của ngộ độc tập thể, mọi người nên tiến hành sơ cứu trước khi nhân viên y tế có mặt. Dừng ăn khi phát hiện những phản ứng lạ của cơ thể như buồn nôn, chóng mặt, đau bụng. Nhanh chóng bổ sung nhiều nước lọc hoặc nước muối loãng để hạn chế tác động của độc tố. Tuyệt đối không dùng sữa. Đồng thời phải kích thích họng, bụng để đẩy thức ăn ra ngoài.

Nạn nhân sau khi nôn hết thực phẩm cần nằm nghỉ, đợi nhân viên y tế. Nên bổ sung thêm orezol hoặc nước muối loãng.

Với các nạn nhân dần mê man, đồng nghiệp cần nhanh chóng sơ cứu thay vì đợi y tá.Tiến hành gây nôn cho bệnh nhân còn nhận thức. Kê cao đầu để chất nôn không trào vào phổi. Cố gắng giúp nạn nhân nôn được nhiều nhất có thể. Sau đó cho nạn nhân uống orezol hoặc hồn hợp bốn thìa đường, 1/2 thìa muối với 1 lít nước.

Sơ cứu khi ngộ độc ở bếp ăn tập thể

Đối với bệnh nhân còn tỉnh táo, cần kích thích cho nôn hết thức ăn chứa độc tố trong cơ thể (Ảnh minh họa: Internet)

Đặt bệnh nhân nằm ngửa, đầu thấp. Khi thấy bệnh nhân khó thở cần kéo lưỡi nạn nhân ra ngoài, tránh ngạt. Thường xuyên theo dõi nhịp tim của nạn nhân bằng cách áp tai vào ngực. Tiến hành hô hấp nhân tạo nếu cần thiết.

Sau công đoạn sơ cứu, mọi nạn nhân đều nên đến cơ sở y tế để được điều trị, loại bỏ hoàn toàn độc tố.

Lưu ý: Tuyệt đối không gây nôn với nạn nhân đã mất y thức, hôn mê. Việc này có thể khiến nạn nhân tắc thở vì sặc.

Phòng tránh ngộ độc tập thể

Bếp ăn của trường học, công ty cần đảm bảo an toàn vệ sinh từ khu nấu nướng đến nơi ăn uống. Chọn lựa các thực phẩm sạch, chế biến đúng cách. Tập huấn phương pháp sơ cứu ngộ độc thực phẩm cho nhân viên, áp dụng khi xảy ra tai nạn.

Học sinh, người lao động trước khi ăn cần rửa tay sạch sẽ. Khi phát hiện thức ăn có dấu hiệu lạ, mùi ôi thiu phải loại bỏ, thông báo với nhà bếp và đồng nghiệp. Lựa chọn các món đã nấu chín, nhờ nhà bếp đun lại món ăn quá nguội, tái. Nên chuẩn bị bữa ăn cho mình nếu điều kiện cho phép.

>> Xem thêm: Hàng chục công nhân Formosa ngộ độc thực phẩm

Thanh Nguyên

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!