Trong khi ngành y tế thành lập 10 đoàn kiểm tra phòng chống dịch thì người dân vẫn còn lơ là với bệnh.
Chưa có gì khác thường?
Đến hôm qua 5/10, số ca mắc theo Bộ Y tế là hơn 43.000, trong đó đã có 28 ca tử vong. Từ 50 tỉnh thành xuất hiện dịch sốt xuất huyết (SXH) tuần trước, nay con số đã lên 53 và theo Bộ Y tế, số ca mắc và lan rộng ra các tỉnh sẽ không dừng lại.
Trong khi năm ngoái, cả nước có 32.000 ca SXH và 20 người tử vong, nhưng năm nay mới 10 tháng đầu năm số ca đã gia tăng rất lớn. Dù vậy, theo ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng hiện SXH vẫn chưa vào 'đỉnh dịch' như các năm trước.
Ông Phu lý giải trung bình mỗi năm Việt Nam có 50.000 đến 100.000 người mắc SXH, vì vậy 'so với con số hơn 43.000 người mắc vẫn chưa vượt qua mức trung bình ca mắc hàng năm'.
Lý giải tình trạng SXH lại bùng phát trong giai đoạn hiện nay, ông Phu cho rằng hiện SXH đang lưu hành khoảng 100 nước trên thế giới, Đông Nam Á trong đó có Việt Nam là khu vực SXH bùng phát.
'So với các nước trên thế giới, tình hình SXH ở Việt Nam không có gì khác biệt'- ông Phu nói và cho biết thêm các tuýp vi-rút vẫn lưu hành và nằm trong quy luật của dịch, chưa có gì khác thường.
Hai bệnh nhi chia nhau 1 giường bệnh tại khoa sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM (Ảnh: Quốc Ngọc)
Mặc dù tác nhân gây bệnh SXH đến nay không có gì thay đổi, nhưng đại diện Cục Y tế dự phòng nhìn nhận việc thay đổi về môi sinh, thay đổi về lối sống và đặc biệt thay đổi về vi khí hậu làm cho trái đất nóng lên, vệ sinh môi trường không được đảm bảo là nguyên nhân khiến muỗi bùng phát và gây bệnh.
Đáng chú ý là tính chất dịch tễ có thay đổi khi khoảng 5 năm trước bệnh chủ yếu ở trẻ em và bùng phát sau 3-5 năm nhưng nay bệnh 'tấn công' cả người lớn với tỷ lệ ngày càng cao, gần như xuất hiện quanh năm với diễn biến lâm sàng phức tạp, nguy hiểm.
Dịch gia tăng, dân vẫn lơ là
Theo khoa nhiễm D- Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, hiện mỗi ngày có khoảng 70-80 bệnh nhân SXH người lớn nằm điều trị tại khoa. Trong khi năm ngoái trung bình khoảng 50 bệnh nhân nhập viện điều trị.
Theo số liệu mới nhất của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, tính từ đầu năm đến nay, thành phố có hơn 10.600 ca mắc SXH, tăng hơn 76% so với cùng kỳ năm 2014. Số mắc tay chân miệng cũng đã lên đến gần 6.000 ca. Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2, mỗi tuần đã có trên 60 ca nhập viện điều trị SXH, với số ca nặng duy trì khoảng 10 ca/ngày.
Đến ngày 20/9, toàn tỉnh Đồng Nai có 4,5.000 trường hợp mắc SXH, 2 ca tử vong. Tuy nhiên đến hôm qua 5/10, con số người mắc đã lên 5,3.000 và có 4 trường hợp tử vong. Đồng Nai được xem là nơi có số ca SXH mắc trên 100.000 dân cao nhất nước, số ca bệnh gia tăng nhanh và diễn biến phức tạp.
Theo Sở Y tế tỉnh này hiện dịch SXH đã có mặt tại 9/11 huyện, thị xã, thành phố và tăng cao nhất là ở TP Biên Hòa. Ông Huỳnh Minh Hoàn- Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 528 ổ dịch SXH.
Trong đó đã thực hiện 3 đợt phun hóa chất dập dịch trên diện rộng; triển khai 2 vòng diệt loăng quăng, gần 130.000 hộ ký cam kết không có loăng quăng trong và xung quanh nhà. Tuy nhiên theo bác sĩ Hoàn, SXH vẫn tăng cao do nhận thức của người dân trong việc tham gia cùng ngành y tế phòng chống dịch bệnh còn kém.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, nhiều người vẫn thờ ơ với việc phòng chống dịch SXH. Đặc biệt, khi cơ quan chức năng đến phun hóa chất phòng chống SXH, nhiều gia đình đã không hợp tác và không đồng ý cho phun.
Tại một số địa bàn ở TPHCM, có nơi có đến 30% số hộ gia đình không hợp tác trong việc phun thuốc, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch. Người dân cho rằng, hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe, sợ mùi của hóa chất, nhà có trẻ nhỏ, nhà không có muỗi, nhà đã vệ sinh kỹ, nhà có thể tự diệt muỗi…
Ngành y tế dự báo, tình hình SXH còn diễn biến phức tạp nếu người dân không nâng cao ý thức diệt trừ loăng quăng, bọ gậy cũng như cần sự hợp lực, vào cuộc của các cấp chính quyền.
Tại Hà Nội dịch SXH hiện đã lan ra 30/30 quận huyện, với 3.000 ca mắc. TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, từ đầu năm đến nay bệnh viện tiếp nhận hơn 700 ca bệnh, tập trung vào các tháng 8, 9. Trung bình tại đây mỗi ngày 4-5 ca nặng được chuyển từ các tuyến dưới lên.
Theo TS Kính, bệnh nặng hay nhẹ không phải hoàn toàn do đến viện muộn hay sớm mà là do đáp ứng miễn dịch của cơ thể mỗi người với mầm bệnh vì có trường hợp xuất hiện dấu hiệu bệnh nặng ngay từ ngày thứ 2 như sốt cao li bì từ 39 độ trở lên, nhức đầu dữ dội, nôn liên tục, đau tức vùng gan, thậm chí tiêu chảy…
'Với những biểu hiện này người bệnh cần đến các cơ sở y tế ngay, tránh nguy hiểm cho bản thân vì đây là những dấu hiệu của bệnh nặng', ông Kính khuyến cáo.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hà Nội, cho biết dù tổng số ca mắc từ đầu năm tới nay lớn nhưng hiện Hà Nội chỉ còn 320 ca mắc đang phải điều trị.
Mỗi người có thể mắc 4 lần SXH
PGS- TS Phan Trọng Lân- Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho biết vi-rút dengue gây bệnh SXH có 4 tuýp khác nhau. Khi nhiễm bất kỳ một tuýp virus dengue nào, cơ thể người bệnh sẽ miễn nhiễm suốt đời và không mắc bệnh lại với chỉ tuýp đó, nhưng đối với các tuýp vi-rút dengue khác thì không. Theo bác sĩ Lân, trên lý thuyết, mỗi người có thể sẽ mắc 4 lần SXH trong đời người. (L.N)
Phun hóa chất không độc hại với người
Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng khẳng định, phun hóa chất để phòng chống SXH rất quan trọng và cần thiết. Hơn nữa, hóa chất sử dụng là loại đã được thử nghiệm an toàn bởi các Viện Vệ sinh dịch tễ/Viện Pasteur, đảm bảo tính hiệu quả và an toàn với sức khỏe con người, được các quốc gia có bệnh SXH sử dụng. (Thái Hà)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!