Bệnh tiêu chảy cấp do rotavirus là một căn bệnh thường xảy ra ở trẻ em nên nhiều cha mẹ thường cho trẻ sử dụng vắc-xin để phòng chống bệnh tiêu chảy cấp. Tuy nhiên trên thị trường hiện nay có hai loại vắc-xin phòng rotavirus là Rotarix và Rotateq, điều này khiến nhiều bậc phụ huynh không biết nên chọn sản phẩm cho con của mình. Vì vậy, Lily & WeCare sẽ thông tin đến bạn về 2 loại vắc-xin này.
Tiêu chảy cấp do rotavirus là gì?
Tiêu chảy là số lần đại tiện tăng nhiều hơn 3 lần/ngày, phân loãng như nước, có lẫn chất nhầy, máu và cả thức ăn chưa tiêu hóa. Trẻ em thường bị tiêu chảy nhiều hơn so với người lớn do sức đề kháng yếu hơn. Bên cạnh đó, do sự phân bố nước trong cơ thể trẻ em khác với người lớn, nên khi bị tiêu chảy dễ làm rối loạn nước và chất điện giải, dẫn đến mất nước, kali, natri và canxi. Khi tiêu chảy nặng, nếu không được bổ sung nước kịp thời, sẽ khiến dung lượng máu trong cơ thể giảm thấp gây nguy hiểm tới tính mạng.
Tiêu chảy kéo dài sẽ ảnh hưởng tới sự hấp thu chất dinh dưỡng của trẻ, khiến trẻ sút cân, da nhăn nheo, sức đề kháng giảm, dễ bị nhiễm trùng, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.
Bệnh tiêu chảy được chia làm hai loại: nhiễm trùng và không nhiễm trùng. Tiêu chảy nhiễm trùng do trực khuẩn đại tràng, lỵ trực tràng, viêm ruột do virus, viêm ruột dạng nấm. Tiêu chảy không nhiễm trùng do tiêu hóa kém, các vấn đề như sữa, thời tiết thay đổi đột ngột và bị lạnh bụng.
Nguyên nhân gây ra tiêu chảy cấp do rotavirus là gì?
Rotavirus theo phân ra môi trường bên ngoài. Khi trẻ không rửa tay sạch trước khi ăn hoặc sau khi đi vệ sinh và tiếp xúc với trẻ khác, virus sẽ nhiễm vào trẻ đó qua đường miệng (khi trẻ ngậm tay hoặc ngậm các đồ vật). Các bảo mẫu hoặc người chăm sóc bé cũng có thể lan truyền virus nếu không rửa tay sạch sau khi thay tã.
Rotavirus có thể sống vài ngày trên các bề mặt cứng và khô ráo. Bệnh tiêu chảy cấp do rotavirus có khả năng lây nhiễm cao.
Đặc biệt, trẻ từ 3 đến 24 tháng có nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy do rotavirus nghiêm trọng cao hơn trẻ khác. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ trẻ nào. Tuy nhiên, trẻ bị tiêu chảy cấp do rotavirus ở các nước đang và kém phát triển lại có nguy cơ tử vong cao hơn do khó khăn về cơ sở vật chất và hỗ trợ y tế.
Sử dụng Rotarix hay Rotateq?
Có khá nhiều người đang băn khoăn thắc mắc không biết nên chọn Rotarix hay Rotateq. Dưới đây Lily & WeCare đã tổng hợp những thông tin khá đầy đủ về 2 loại vắc-xin này để các bậc phụ huynh có thể tham khảo:
Vắc-xin Rotarix
- Nguồn gốc: Glaxo SmithKline (Bỉ)
- Chỉ định: Rotarix được chỉ định phòng bệnh viêm dạ dày ruột do virus Rota tuýp huyết thanh G1, G2, G3, G4, G9 gây ra
- Lịch tiêm chủng: Gồm 2 liều:
- Liều đầu tiên: nên bắt đầu tiêm cho trẻ vào lúc 6 tuần tuổi.
- Liều thứ 2: sẽ bắt đầu sau đó 4 tuần.
- Phải tiêm 2 liều này trước 6 tháng tuổi.
- Đường dùng:
- Chỉ dùng đường uống.
- Vắc-xin Rotarix có khả năng bám dính vào dạ dày rất tốt, vì vậy nếu sau khi uống mà trẻ bị nôn trớ thì cũng không cần phải cho trẻ uống liều khác.
- Chống chỉ định
- Không dùng vắc-xin Rotarix cho trẻ đã bị mẫn cảm với vắc-xin trong lần uống đầu tiên hoặc mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của vắc-xin.
- Không dùng cho trẻ bị dị tật bẩm sinh về đường tiêu hóa vì có thể dẫn đến lồng ruột.
- Thận trọng khi sử dụng:
- Không nên cho trẻ dùng vắc-xin nếu trẻ đang bị sốt hoặc rối loạn tiêu hóa và bị nôn trớ. Tuy nhiên, nếu trẻ bị cảm lạnh thì vẫn có thể dùng bình thường.
- Trước khi cho trẻ uống vắc-xin cha mẹ cần lưu ý rửa tay sạch sẽ.
- Đối với những trẻ mắc bệnh đường tiêu hóa bạn nên thận trọng và hỏi ý kiến bác sĩ vì vắc-xin có thể làm bệnh của trẻ trầm trọng hơn.
- Vắc-xin Rotarix có thể không đạt được hiệu quả ở tất cả các trẻ uống vắc-xin. Bởi Rotarix không ngừa được các trường hợp bị viêm dạ dày ruột mà không phải do Rota virus.
- Tác dụng không mong muốn: bị kích thích, mất cảm giác ngon miệng dẫn đến trẻ ăn kém hơn, nôn trớ, đau bụng, đầy hơi hoặc đi ngoài.
- Tương tác thuốc: Vắc-xin Rotarix có thể dùng cùng thời điểm với các vắc-xin ho gà, bạch hầu, uốn ván, vắc-xin viêm gan B...
- Bảo quản:
- Vắc xin dạng khô được bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C, tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp.
- Dung môi hoàn nguyên có thể bảo quản ở 2 - 8 độ C hoặc ở nhiệt độ phòng <37 độ C.
- Sau khi hoàn nguyên, vắc-xin được sử dụng ngay hoặc bảo quản trong tủ lạnh từ 2 - 8 độC trong vòng 24 giờ. Sau 24 giờ thì không được sử dụng loại vắc-xin này nữa.
Vắc xin Rotateq
- Nguồn gốc: Meck Sharp and Dohme (Mỹ)
- Chỉ định:
- Vắc-xin Rotateq được chỉ định để phòng bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota thuộc các tuýp huyết thanh G1, G2, G3, G4, G9 gây ra.
- Không dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú.
- Lịch tiêm chủng:
- Liều 1: Sử dụng khi trẻ được 8 tuần tuổi.
- Liều 2: Sử dụng sau liều 1 là 4 tuần.
- Liều 3 : Sử dụng sau liều 2 là 4 tuần.
- Lịch uống vắc-xin của trẻ phải kết thúc trước tuần thứ 32.
- Đường dùng:
- Chỉ dùng đường uống và không được tiêm.
- Nếu trẻ bị nôn trớ thì không được uống liều thay thế vì chưa có nghiên cứu lâm sàng cho việc uống thay thế. Bạn chỉ cần chờ đến đúng thời gian trong lịch để cho trẻ uống vắc-xin liều tiếp theo.
- Vắc-xin được đóng trong tuýp có thể cho trẻ uống luôn mà không được pha loãng bằng nước hoặc sữa.
- Chống chỉ định:
- Không dùng vắc-xin cho trẻ khi có dị ứng với bất cứ thành phần nào của vắc-xin.
- Không dùng liều tiếp theo nếu trẻ có biểu hiện mẫn cảm với lần uống thứ nhất.
- Không dùng vắc-xin Rotateq cho trẻ bị suy giảm miễn dịch kết hợp trầm trọng.
- Thận trọng khi sử dụng:
- Đối với những trẻ đang bị bệnh dạ dày ruột, tiêu chảy mạn tính hoặc chậm phát triển, bị bệnh lồng ruột thì việc sử dụng vắc-xin Rotateq cần được tham khảo ý kiến của bác sĩ.
- Có thể tạm hoãn việc sử dụng vắc-xin Rotateq nếu trẻ đang bị sốt hoặc nhiễm trùng cấp tính.
- Việc phòng ngừa bằng vắc-xin Rotateq cũng không hoàn toàn đảm bảo phòng tránh bệnh.
- Rotateq đã được chứng minh hiệu quả khi dùng cho trẻ từ 6 tuần đến 32 tuần tuổi. Ngoài khoảng thời gian này, bạn không nên cho trẻ sử dụng vắc-xin Rotateq.
- Tác dụng phụ không mong muốn: nôn, tiêu chảy, sốt nhẹ >38 độ C.
- Tương tác thuốc: Rotateq có thể dùng cùng thời điểm với vắc-xin ho gà, bạch hầu, uốn ván, vắc xin bại liệt bất hoạt, vắc xin viêm gan B, vắc xin cộng hợp phế cầu khuẩn, vắc xin phòng bệnh do Hib gây ra. Rotateq cũng có thể dùng cùng với vắc xin phòng bại liệt dạng uống OPV mà không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của OPV.
- Bảo quản:
- Vắc-xin Rotateq được bảo quản ở nhiệt độ 2 - 8 độ C. Sau khi lấy ra khỏi tủ lạnh cần phải được sử dụng ngay.
- Khi bảo quản ở nhiệt độ 25 độ C, vắc-xin Rotateq được sử dụng trong vòng 48 giờ. Sau 48 giờ thì không được sử dụng loại vắc-xin này nữa.
Trên đây là những thông tin về hai loại vắc-xin Rotarix và Rotateq có tác dụng phòng tiêu chảy cấp do rotavirus, mỗi loại vắc-xin được sử dụng với liều dùng và quy cách nhất định. Nên phụ huynh cần cân nhắc, tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa khi cho trẻ uống một trong hai loại vắc-xin này, để đảm bảo không ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Phương Hoa
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!