Sử dụng thuốc khi tập thể dục có thể gây nguy hiểm!

Sơ cứu & Phòng ngừa - 11/24/2024

Dù sử dụng thuốc bất kỳ loại nào thì vẫn phải cẩn thận với tác dụng phụ. Đặc biệt, nếu bạn đang trong quá trình tập luyện thể thao thì càng cần phải cẩn trọng bởi một số loại thuốc kết hợp cùng tập luyện thể dục có thể gây nguy hiểm.

Dù sử dụng thuốc bất kỳ loại nào thì bạn vẫn phải luôn cẩn thận với các tác dụng phụ. Đặc biệt, nếu bạn đang trong quá trình tập luyện thể thao thì càng cần phải cẩn trọng bởi một số loại thuốc kết hợp cùng việc tập luyện thể dục có thể gây nguy hiểm.

Tập thể dục sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh nhưng nếu tập luyện không đúng thời điểm khi sử dụng thuốc sẽ dễ xảy ra tương tác thuốc, khiến cơ thể gặp nguy hiểm. Các tai nạn có thể xảy đến khi bạn buồn ngủ, không kiểm soát được hoạt động của mình hay nguy cơ mất nước, tăng huyết áp… đều có thể xảy ra.

Hãy cùng Hello Bacsi điểm qua 7 trường hợp sử dụng thuốc kết hợp với tập thể dục có thể gây nguy hiểm mà bạn nên biết để phòng tránh!

1. Sử dụng thuốc chẹn beta

Thuốc chẹn beta hay còn gọi là thuốc kháng beta là nhóm thuốc dùng để điều trị các tình trạng như cao huyết áp, tăng nhãn áp, đau nửa đầu hay các bệnh lý tim mạch. Thuốc chẹn beta có công dụng hạ nhịp tim, trong khi đó việc tập thể dục thường sẽ làm tăng nhịp tim. Điều này sẽ khiến cơ thể bị rối loạn và làm bạn nhanh mệt.

Trong nhiều trường hợp, sử dụng thuốc chẹn beta không phải là giải pháp duy nhất, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được kê những loại thuốc khác thay thế có công dụng tương đương.

2. Sử dụng thuốc giảm đau

Sử dụng thuốc khi tập thể dục có thể gây nguy hiểm!

Đau chính là biểu hiện của cơ thể – thường là tổn thương mô nên việc lạm dụng thuốc giảm đau có thể gây ra nhiều vấn đề. Nếu bạn bị bong gân mà vẫn cố gắng sử dụng thuốc giảm đau để tiếp tục luyện tập thì rất có hại vì chỗ bong gân vẫn không được chữa lành triệt để và rất dễ tái phát.

Trong trường hợp bạn bị bong gân mắt cá chân thì tốt nhất là hãy để cơ thể nghỉ ngơi và có thời gian làm lành lại thay vì uống thuốc giảm đau để tiếp tục tập luyện và có thể gây ra nhiều rủi ro hơn.

Nếu cơn đau không quá dữ dội, bạn có thể sử dụng ibuprofen hoặc motrin nhưng không nên uống thuốc quá một tuần. Nếu bạn cần uống thuốc trong thời gian dài hơn, hãy chuyển sang thuốc acetaminophen để giảm đau và tránh ứ nước.

3. Sử dụng thuốc kháng histamine

Buồn ngủ chính là tác dụng phụ phổ biến của dòng thuốc kháng histamine, đặc biệt là với những loại thuốc cũ như Benadryl và Chlor-Tripolon. Thuốc kháng histamine sẽ ngăn chặn hoặc làm giảm lượng histamine được kích hoạt khi cơ thể gặp phải một số loại dị ứng như dị ứng phấn hoa hoặc dị ứng với lông thú vật.

Nếu là một vận động viên điền kinh và lại phải dùng thuốc kháng histamine thì bạn có thể bị tác dụng phụ của thuốc là buồn ngủ, dẫn đến dễ bước loạng choạng, té ngã và bị thương.

Một số loại thuốc kháng histamine thế hệ mới như Claritin, Alegra và Reactin không gây buồn ngủ quá nhiều. Các loại thuốc histamin thế hệ cũ thì có thể có tác dụng ngắn hơn nên chỉ kéo dài khoảng 4 giờ đồng hồ và cơn buồn ngủ cũng sẽ biến mất, lúc này bạn hoàn toàn có thể tập thể dục lại bình thường.

Bạn nên đợi sau khi tập luyện thể thao rồi mới sử dụng thuốc kháng histamine. Đặc biệt, nếu sử dụng thuốc kháng histamin thì nên tránh các môn như đi xe đạp, cử tạ, chạy bộ trên máy…  

4. Sử dụng thuốc chống trầm cảm

Sử dụng thuốc khi tập thể dục có thể gây nguy hiểm!

Nhiều loại thuốc uống có thể khiến bạn cảm thấy buồn ngủ, trong đó có các loại thuốc chống trầm cảm do chúng có thể làm thay đổi cân bằng hóa học trong não để giúp cải thiện tâm trạng. Mệt mỏi và buồn ngủ là tình trạng thường thấy, đặc biệt khi bạn sử dụng thuốc trong một vài tuần đầu tiên. 

Có rất nhiều loại thuốc chống trầm cảm khác nhau và nếu loại thuốc bạn đang sử dụng khiến bạn buồn ngủ quá nhiều thì hãy nói với bác sĩ để được kê loại thuốc phù hợp hơn.

Nếu có thể, bạn hãy tập thể dục vào sáng sớm và uống thuốc sau đó, việc này có thể giảm thiểu các tác dụng phụ của thuốc khi tập thể dục.

5. Sử dụng thuốc chống sung huyết

Thuốc chống sung huyết là nhóm thuốc rất thông dụng để làm giảm đáng kể các triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi do cảm lạnh, viêm xoang… gây ra.

Tuy nhiên, bạn cần thận trọng vì loại thuốc này có thể làm tăng nhịp tim và huyết áp. Nếu bạn thường xuyên bị cao huyết áp hay có các vấn đề về tim mạch thì việc sử dụng thuốc chống sung huyết, đặc biệt khi bạn vận động, có thể tạo nhiều áp lực hơn cho tim.

Tốt nhất là bạn nên ngưng tập thể dục đến khi cơ thể cảm thấy đỡ hơn và không cần dùng thuốc chống sung huyết nữa.

6. Sử dụng thuốc kích thích

Sử dụng thuốc khi tập thể dục có thể gây nguy hiểm!

Nếu bạn tập thể dục đồng thời với việc sử dụng các loại thuốc kích thích như Adderall (thuốc kê đơn được dùng để điều trị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý), bạn sẽ phải đối diện với một số tác dụng phụ không mong muốn như:

  • Run rẩy
  • Tăng nhịp tim
  • Tăng huyết áp
  • Dễ bị kích động
  • Thân nhiệt tăng
  • Tăng nguy cơ trụy tim
  • Xuất hiện cảm giác lo âu

Bạn nên tập luyện vào buổi sáng rồi sau đó sử dụng thuốc sau. Ngoài ra, hãy theo dõi kỹ chế độ tập thể dục của bạn để trao đổi với bác sĩ xem bạn có nên giảm liều lượng thuốc không.

7. Sử dụng thuốc nhuận tràng

Thuốc nhuận tràng là các hợp chất tác động lên ruột non hay ruột già, có tác dụng làm mềm phân, tạo khuôn phân, kích thích nhu động đại tràng và giúp đại tiện dễ dàng hơn. Tuy nhiên, thuốc nhuận tràng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch tập luyện của bạn.

Một số loại thuốc nhuận tràng có thể gây co thắt các cơ trong ruột. Thêm vào đó, khi bạn tập thể dục, máu sẽ ít chảy đến ruột hơn vì nó phải bơm vào não và các cơ xương, khiến cho các cơ vùng bụng của bạn càng dễ bị co thắt và gây đau.

Bạn nên tránh uống thuốc nhuận tràng quá sát giờ dự định tập thể dục để tránh bị co thắt vùng bụng. Thay vào đó, bạn có thể chọn uống thuốc vào buổi tối trước lịch tập thể dục vào sáng hôm sau.  

Trước khi sử dụng thuốc điều trị bệnh mà bạn lại đang có một lịch tập luyện thể dục cần theo sát, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được đưa ra liều lượng và thời gian phù hợp nhất. Hãy sử dụng thuốc uống khôn ngoan và lên lịch tập luyện hiệu quả để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho cơ thể bạn nhé!

Tuyết Trinh | HELLO BACSI

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Cẩn thận với tác dụng phụ của thuốc an thần
  • Tác dụng phụ của thuốc gây mê: Cẩn thận kẻo rối loạn nhận thức!
  • Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh: Xử lý thế nào mới đúng?

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!