Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các cơn đột quỵ gây tử vong ở bệnh nhân tim mạch. Trước đây, hội chứng mạch vành cấp thường gặp ở người lớn tuổi. Thời gian gần đây, tuổi của bệnh nhân ngày càng trẻ hóa, rất nhiều trường hợp bệnh nhân chỉ khoảng 30-40 tuổi.
Yếu tố nguy cơ
Động mạch vành (ĐMV) là hệ thống mạch máu đưa ôxy và các chất dinh dưỡng đến nuôi tim, cơ tim.
Hội chứng mạch vành cấp gồm nhồi máu cơ tim cấp, cơn đau thắt ngực không ổn định do tắc nghẽn động mạch vành mà nguyên nhân thường gặp là do xơ vữa động mạch vành; là một cấp cứu nội khoa có tỷ lệ tử vong cao, cần được nhập viện điều trị tích cực và theo dõi lâu dài sau khi đã xuất viện.
Các yếu tố nguy cơ đối với bệnh nhân có khả năng bị bệnh lý ĐMV bao gồm: bệnh xảy ra chủ yếu ở nam giới trong độ tuổi trên 55; ở nữ ít hơn, thường ở độ tuổi 65; tăng huyết áp; tiểu đường; rối loạn chuyển hóa mỡ máu; béo phì; hút thuốc lá; sử dụng thuốc ngừa thai; các thuốc gây nghiện; tiền sử gia đình có bệnh lý ĐMV; tiền căn bệnh lý ĐMV hoặc nhồi máu cơ tim trước đây...
Biểu hiện thường gặp nhất của hội chứng mạch vành cấp là đau ngực.
Dấu hiệu nhận biết
Biểu hiện thường gặp nhất của hội chứng mạch vành cấp là tình trạng đau ngực. Đau ngực trong cơn đau thắt ngực rất đa dạng về tính chất, thời gian và vị trí đau.
Cơn đau thường xảy ra khi hoạt động gắng sức hoặc stress tâm lý và cơn đau có thể kéo dài 15 - 30 phút hoặc giảm nhanh chóng (dưới 5 phút) khi nghỉ ngơi và/hoặc ngậm thuốc đặc trị.
Cơn đau thắt ngực đặc trưng bởi cảm giác đau sâu, thắt chặt, cào xé, nóng rát, nặng ngực hoặc đau như dao đâm hoặc những biểu hiện không điển hình khác như cảm giác đau mơ hồ, không rõ ràng, hồi hộp đánh trống ngực, khó thở, buồn nôn, nôn ói, vã mồ hôi, ngất...
Vị trí đau thường gặp: đau vùng sau xương ức, đau lan hai bên ngực, lan ra sau nhưng có xu hướng về bên trái nhiều hơn hoặc đau lan hai vai, đau lan đến vùng cằm, vùng tai hoặc cánh tay trái, cổ tay, ngón tay.
Đôi khi vị trí đau cũng không được xác định một cách rõ ràng hoặc không có cơn đau; nhồi máu cơ tim cấp được phát hiện là nhờ thông qua một số biểu hiện khác hoặc thông qua các xét nghiệm (thường gặp ở người lớn tuổi, đái tháo đường, tăng huyết áp).
Cơn đau thắt ngực không ổn định có tính chất giống cơn đau thắt ngực ổn định nhưng có mức độ nặng hơn và thời gian đau dài hơn, có thể xảy ra lúc nghỉ ngơi hoặc xảy ra khi gắng sức với mức độ thấp hơn so với trước đây.
Tuy nhiên, có nhiều bệnh nhân không có biểu hiện cơn đau ngực như trên mà có những biểu hiện đơn độc như đau vùng cổ, cằm, dưới cằm, tai, thượng vị, buồn nôn, cảm giác khó thở hoặc vã mồ hôi.
Nếu những biểu hiện này có liên quan rõ ràng với hoạt động gắng sức hoặc stress tâm lý và giảm nhanh chóng với nghỉ ngơi và/hoặc ngậm thuốc (nitroglycerin), được xem như là những biểu hiện tương đương với cơn đau thắt ngực và thường gặp ở người lớn tuổi, bệnh nhân đái tháo đường và phụ nữ.
Hội chứng mạch vành cấp ở người cao tuổi có khác gì so với người trẻ?
Ở người lớn tuổi, biểu hiện không rõ ràng lắm, do một số người đã bị đái tháo đường, mà bị đái tháo đường thì ảnh hưởng đến thần kinh giao cảm nên cảm nhận cơn đau ngực không rõ ràng.
Ở phụ nữ lớn tuổi, cơn đau ngực cũng không rõ ràng mà biểu hiện chủ yếu là tình trạng mệt và có cảm giác tức tức, râm ran ở ngực khi họ làm việc gì đó trong nhà, chứ cũng không phải là việc nặng.
Nếu bệnh nhân lớn tuổi, có tiền sử đái tháo đường hoặc trước đó làm xét nghiệm có mỡ trong máu cao thì nên cảnh giác để đưa đến bệnh viện sớm.
Chẩn đoán và điều trị
Khi bệnh nhân có những biểu hiện trên, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân đo diện tâm đồ, làm các xét nghiệm sinh hóa liên quan, siêu âm tim, CT scanner 64 lát cắt, chụp ĐMV hoặc siêu âm nội mạch ĐMV,...
Tất cả các bệnh nhân có những biểu hiện nghi ngờ có hội chứng mạch vành cấp cần phải nhập viện tức thì để được điều trị, được tư vấn của thầy thuốc chuyên khoa và được chăm sóc tích cực.
Sau khi nhập viện, bệnh nhân sẽ được điều trị nội khoa (dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ) hoặc điều trị can thiệp thủ thuật, phẫu thuật (nong ĐMV, mổ bắc cầu ĐMV...) tùy theo tình trạng bệnh.
Về điều trị lâu dài: Sau khi được điều trị ổn định, bệnh nhân cần được tư vấn về điều trị và theo dõi lâu dài, cần được hướng dẫn, giáo dục về sức khỏe, hoạt động thể lực, thay đổi lối sống và sử dụng thuốc sau khi xuất viện.
Chăm sóc và điều trị đúng sau xuất viện sẽ hạn chế nguy cơ tiến triển nặng hơn và hạn chế các biến chứng do bệnh lý của ĐVM gây nên như suy tim, nhồi máu cơ tim, nhồi máu cơ tim tái phát hoặc tử vong, góp phần nâng cao chất lượng sống và kéo dài tuổi thọ.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để phòng bệnh, cần điều chỉnh các yếu tố nguy cơ, điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống phối hợp với uống thuốc; ngưng hút thuốc, bỏ rượu, bia hoặc các chất kích thích; nên ăn nhiều rau, quả, củ, thức ăn có chất xơ; kiêng ăn mặn, mỡ, các thức ăn có nhiều acid béo bão hòa, nhiều cholesterol, hạn chế các thức ăn có nhiều đường; tránh các hoạt động gắng sức về thể lực, tránh các căng thẳng tri óc trong sinh hoạt hằng ngày; quan hệ tình dục nên kiêng trong tháng đầu sau bệnh, sau đó có thể hoạt động tình dục trở lại nhưng nên đóng vai trò thụ động.
Tập thể dục nhẹ, vừa sức, đều đặn hằng ngày là rất cần thiết. Về công việc, các bệnh nhân hội chứng mạch vành cấp không biến chứng có thể trở lại làm việc sau 2 tháng đối với các công việc nhẹ nhàng.
Đối với các công việc lao động nặng, hoạt động trí óc căng thẳng, bệnh nhân cần phải được kiểm tra và đánh giá lại để xác định có phù hợp với công việc không.
Một số nghề đòi hỏi thể lực và mức gắng sức cao, không thích hợp với bệnh nhân cần được tư vấn tìm một công việc khác phù hợp với tình trạng bệnh.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!