Sữa học đường: Đừng để phụ huynh bị “ép” tự nguyện

Nuôi dạy con - 11/24/2024

Mới đây, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 4019/QĐ-UBND phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, trên 90% trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học trên toàn thành phố được uống sữa theo Đề án Chương trình Sữa học đường; đáp ứng nhu cầu năng lượng của trẻ mẫu giáo và tiểu học đạt 95%...

Theo thông báo về Chương trình được giáo viên chủ nhiệm phát cho học sinh, trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học sẽ được uống sữa tươi 5 lần/tuần (tức mỗi ngày 1 lần), mỗi lần 1 hộp 180ml. Chi phí cho mỗi hộp sữa sẽ được ngân sách hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh đóng góp 50%, tức giá mỗi hộp dự kiến tối đa (chưa trừ chi phí hỗ trợ) khoảng 6.800 đồng (180ml), không tăng giá cho đến hết năm 2020. Riêng đối với trẻ em thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thuộc diện chính sách, ngân sách sẽ hỗ trợ 50%, doanh nghiệp hỗ trợ 50%. Đặc biệt, đây là chương trình tự nguyện, không bắt buộc tất cả học sinh phải tham gia.

Mặc dù Chương trình Sữa học đường mới rục rịch triển khai, tuy nhiên, một số phụ huynh tại Hà Nội cho biết có tình trạng giáo viên chủ nhiệm vận động phụ huynh đăng ký cho học sinh tham gia vì thành tích. Nhiều người lo ngại, mục tiêu đề án tốt nhưng việc triển khai có vấn đề và nhiều câu hỏi về cách thực hiện chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

Không ít phụ huynh đồng quan điểm dường như chương trình được phổ biến “hơi gấp”. Một chương trình lớn như vậy, có tác động tới thể chất của các cháu, đương nhiên phụ huynh nào cũng quan tâm. Tuy nhiên chương trình chỉ gói gọn trong tờ A4 với những thông tin chung chung, nhà trường cũng không có thông báo, giới thiệu gì nhiều, chỉ có giáo viên ở lớp bảo phụ huynh về đọc và điền vào ô “đồng ý” hoặc “không đồng ý’ và bảo hôm sau nộp.

Chưa kể trong thực đơn hàng ngày ở trường cũng đã có sữa. Hiện tại, nếu con gặp vấn đề gì thì đầu mối trách nhiệm là nhà trường. Nếu chuyển sang sữa này, nếu có vấn đề gì thì ai sẽ chịu trách nhiệm?

Thực ra, Chương trình Sữa học đường nếu triển khai được sẽ rất tốt nhằm bổ sung dưỡng chất cần thiết trong giai đoạn phát triển thể lực cho trẻ em. Tuy nhiên, điều mà phụ huynh băn khoăn, liệu quy trình vận chuyển có đúng chuẩn hay không? Thời gian uống được quy định và kiểm soát chặt chẽ hay ai thích uống lúc nào thì uống? Đơn vị nào sẽ cung cấp sữa cho trường học? Về việc này, đơn vị và cá nhân phụ trách chương trình nên sớm cung cấp các thông tin để phụ huynh cân nhắc lựa chọn, tránh “ép buộc” tự nguyện. Bởi hiện nay, các thông tin cụ thể của chương trình vẫn chưa nhiều và chỉ mới dừng ở việc đăng ký. Biết đâu nhìn vào đơn vị cung cấp sữa uy tín và một số thông tin khác, phụ huynh sẽ thay đổi quan điểm.

Về vấn đề “ép” phụ huynh tham gia Chương trình Sữa học đường tự nguyện, có giáo viên tâm sự, nếu trong lớp có 40 cháu mà 30 cháu được uống sữa. Vậy, 10 cháu còn lại không được uống thì sẽ ra sao? Nhiều học sinh chắc chắn sẽ buồn. Nên có thể giáo viên vận động học sinh tham gia đồng đều trong lớp vì điều đó chứ không phải vì thành tích.

Với các trường hợp không tham gia, nhà trường cần hiểu vì nguyên nhân gì, lý do nào mà phụ huynh không đăng ký để từ đó có thể giải thích cho phụ huynh hiểu thêm về tầm quan trọng của Chương trình Sữa học đường. Việc tham gia là hoàn toàn tự nguyện. Phụ huynh có thể đăng ký cho con tham gia ở bất kỳ thời điểm nào và cũng có thể tạm dừng bất cứ lúc nào khi không có nhu cầu.

Hơn nữa, cần đảm bảo tuyệt đối chất lượng sữa từ đơn vị cung cấp tham gia chương trình. Trước những băn khoăn của phụ huynh về chất lượng Chương trình Sữa học đường, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, sữa học đường sẽ không bán ngoài thị trường và sau quá trình đấu thầu sẽ chỉ do một đơn vị cung cấp và chịu sự quản lý về chất lượng của Sở GD-ĐT Hà Nội và Sở Y tế Hà Nội.

Đơn vị nào trúng thầu cũng phải bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn của Bộ Y tế về chất lượng sữa. Ngoài ra, đơn vị đó cũng phải đủ năng lực để đáp ứng cung ứng cho số lượng lớn trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học Hà Nội tham gia đề án với khoảng 1,2 triệu hộp/ngày.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!