Những ngày qua, dư luận đang dấy lên về Lê Nhất Hồng Phương- người tiên phong "phương pháp sinh thuận tự nhiên", điều đáng nói ở đây, người này còn gây tranh cãi cho các bà mẹ vì Lê Nhất Hồng Phương cho rằng sữa mẹ chữa được bách bệnh, kể cả việc... mọc lại móng tay, và chữa tim bẩm sinh.
Trước sự việc này, PV Báo Pháp Luật TP HCM có cuộc trò chuyện với BS. CKI Trần Thị Minh Nguyệt- PCT HĐQT Viện nghiên cứu dinh dưỡng Nutifood, về vấn đề này.
Phóng viên:Người ta luôn nói rằng "Sữa mẹ là nguồn thức ăn tốt nhất cho sự phát triển của trẻ nhỏ" điều này có đúng, thưa bác sĩ?
BS. CKI. Trần Thị Minh Nguyệt: Sữa mẹ là thức ăn lý tưởng nhất đối với trẻ em mà không có loại sữa nào có thể so sánh được. Sữa mẹ nên là thức ăn đầu tiên của trẻ, nên cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và bú kéo dài đến 18-24 tháng. Nhiều lợi ích của sữa mẹ được biết đến như giàu dinh dưỡng, phù hợp với hệ tiêu hóa còn non yếu của trẻ, chứa các chất kháng khuẩn giúp trẻ phòng tránh bệnh nhiễm trùng như tiêu chảy, viêm phổi, viêm màng não…, chứa nhiều IgA giúp trẻ tránh các bệnh dị ứng (chàm, suyễn…), đặc biệt là sữa non. Để giúp trẻ thích nghi dần, các thành phần của sữa mẹ thay đổi về số lượng và chất lượng theo thời gian sau sinh nhất là trong 2 tuần đầu, gồm các loại sữa non, sữa chuyển tiếp, sữa vĩnh viễn. Trong đó sữa non tiết ra trong tuần đầu tiên sau sinh, mặc dù số lượng chưa nhiều nhưng rất đặc nên rất giàu năng lượng (gấp đôi sữa vĩnh viễn trên cùng một đơn vị thể tích), giàu chất diệt khuẩn, giàu vitamin A. Sữa mẹ giảm dần độ đặc, tăng dần số lượng mỗi ngày đến tuần thứ 3 trở đi số lượng và chất lượng được cố định gọi là sữa vĩnh viễn. Trên 12 tháng sữa mẹ giảm dần, nếu trong năm đầu tiên mỗi ngày khoảng 1200ml, năm thứ hai chỉ còn 200- 500ml. Sữa mẹ giàu năng lượng, đảm bảo đủ nhu cầu của trẻ trong 6 tháng đầu, từ tháng thứ 7 trở đi, sữa mẹ không thể cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho nhu cầu ngày càng tăng của trẻ. Vì vậy, ngoài sữa mẹ phải cho trẻ ăn dặm thêm thực phẩm đa dạng từ tinh bột, thịt, cá, dầu mỡ, rau củ.... Từ năm thứ 3 sữa mẹ còn rất ít, chất lượng giảm nhiều, trẻ đã có khả năng nhai tốt, do đó không cần thiết cho trẻ bú mẹ sau 2 tuổi.
Phóng viên: Vậy liệu sữa mẹ có trị được bách bệnh, kể cả việc... mọc lại móng tay hay chữa tim bẩm sinh... như một số thông tin, thưa bác sĩ?
Lê Nhất Hồng Phương cho rằng sữa mẹ có thể chữa... bệnh tim. Ảnh: Internet
BS. CKI. Trần Thị Minh Nguyệt:Như đã trao đổi ở trên, sữa mẹ có những ưu việt không thể bàn cãi và thuận theo tự nhiên, sữa loài nào thì phù hợp nhất cho loài đó. Tuy nhiên, không có gì là hoàn hảo tuyệt đối ngay cả với sữa mẹ, thành phần của sữa phù hợp nhất với trẻ nhỏ, nhưng vẫn thiếu một số dưỡng chất như chất bột đường, vitamin E, chất xơ… nên khi trẻ lớn hơn chúng ta cần bổ sung các chất thiếu này qua ăn dặm để phù hợp với nhu cầu phát triển của các giai đoạn sau. Các giá trị của sữa mẹ giúp trẻ phát triển toàn diện, phòng tránh bệnh nhiễm trùng, chống dị ứng… đều được khẳng định bằng những nghiên cứu khoa học có chứng cớ rõ ràng, được đưa vào y văn y học. Còn những thông tin thần thánh hóa sữa mẹ chữa bách bệnh, giúp mọc lại móng tay, chữa tim bẩm sinh, chữa đau mắt… là những câu chuyện hoàn toàn không có cơ sở khoa học, người dân không nên nghe theo mù quáng.
Phóng viên: Trước trào lưu nuôi con lớn hoàn toàn bằng sữa mẹ, mà không cần sử dụng sữa công thức, hay sữa bò... như trên thị trường, bác sĩ nghĩ sao về điều này?
BS. CKI. Trần Thị Minh Nguyệt : Hiện nay nhiều trào lưu tẩy chay sữa công thức, sữa bò … khuyến khích cho trẻ bú mẹ đến 4-5 tuổi, đây hoàn toàn trái tự nhiên, vì sau 2 tuổi hầu như sữa mẹ còn không đáng kể về số lượng và cả chất lượng, nếu không bổ sung các loại sữa động vật trong khẩu phần trẻ có nguy cơ thiếu dinh dưỡng, chậm phát triển. Chưa kể nhiều trường hợp đặc biệt không thể cho trẻ bú mẹ như mẹ bị một số bệnh truyền nhiễm, đang phải điều trị với một số thuốc chống chỉ định cho con bú mẹ, thì sữa công thức là một lựa chọn bắt buộc. Trước đây, các trẻ này được nuôi bằng nước đường, nước cháo dẫn đến tỷ lệ tử vong rất cao. Thực tế sữa của động vật (bò, dê, trâu) là một loại thực phẩm tốt cho người, con người tận dụng nguồn sữa này và biến đổi để phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng nhờ công nghệ chế biến hiện đại, có thể tăng giảm đạm, tăng giảm béo, bổ sung vi chất…. Cho đến hiện tại, sữa động vật được xem là một loại thực phẩm chứa đầy đủ chất dinh dưỡng nhất trong tự nhiên thích hợp cho tất cả mọi người bổ sung vào khẩu phần ăn hàng ngày giúp đảm bảo dinh dưỡng, ngăn ngừa nhiều bệnh mãn tính như loãng xương, bệnh tim mạch, huyết áp…
Phóng viên: Vậy, bác sĩ có thể cho biết, nên cho trẻ bú sữa mẹ đến bao nhiêu tuổi là tốt nhất?
BS. CKI. Trần Thị Minh Nguyệt:Để đảm bảo sự phát triển toàn diện của một đứa trẻ, tốt nhất cho trẻ bú mẹ càng sớm càng tốt, bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu, kéo dài 18-24 tháng, cho ăn dặm từ 6 tháng tuổi, đảm bảo chế độ ăn đủ các nhóm chất dinh dưỡng, sau 2 tuổi ngoài chế độ ăn đủ chất nên bổ sung 400-500ml sữa hoặc chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai mỗi ngày. Khi trẻ có bệnh, cần được khám bởi bác sĩ chuyên khoa để được điều trị kịp thời, không tự ý áp dụng các khuyến cáo không có cơ sở khoa học có khi gây nguy hiểm đến tính mạng.
Xin cám ơn bác sĩ đã chia sẻ những thông tin bổ ích trên.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!