Phương pháp ăn dặm tự chỉ huy (baby led weaning - BLW) vốn không còn xa lạ gì đối với các mẹ có con trong độ tuổi ăn dặm. Thế nhưng không phải mẹ nào cũng có thể lường trước được những hiểm nguy khi áp dụng BLW cho con, đặc biệt là ngay cả trường hợp mẹ đã nắm chắc các kiến thức cần thiết. Trải nghiệm kinh hoàng của gia đình chị Nguyễn Ngọc (hiện đang sống tại Hà Nội) với việc bé Na (15 tháng tuổi) bị hóc miếng dưa chuột đến tím đen, suýt nghẹt thở mới đây là một trong số đó.
Bé Na (ngồi bên phải) và người em sinh đôi của mình.
Hai mẹ con chị Ngọc và bé Na.
Sau khi đã lấy lại được bình tĩnh sau tai nạn bất ngờ của con gái, chị Ngọc mới đủ sức để kể về sự việc: 'Bình thường, nếu cho con ăn BLW, mình sẽ cho con ngồi vào bàn. Nhưng buổi chiều hôm qua, sau khi ăn xong, bé Na đang chơi rất vui vẻ cùng với hai bạn khác thì được ba vào bếp, tiện tay cắt cho mỗi chị em một miếng dưa chuột, vừa ăn vừa chơi. Chỉ một chốc sau, Na bị hóc. Con hóc tím tái toàn bộ cơ thể, tím đen - mọi sự diễn ra chưa đầy 2 phút - nhưng thực sự quá đáng sợ'.
Khi ấy, chị Ngọc, vốn là một người mẹ đã đọc rất nhiều sách về BLW hay các kỹ năng xử lý hóc, nghẹn... cũng không đủ tỉnh táo, bình tĩnh để xử lý hóc nghẹn cho con. Chị bối rối vỗ 2 cái không được, thấy không ổn liền nhờ chị gái mình vỗ hộ. Bác của Na vừa vỗ được 2 cái, ngay lập tức thấy miếng dưa chuột to khoảng bằng ngón tay cái văng ra ngoài. Sau khi miếng dưa chuột rơi ra, chị Ngọc vẫn thấy con thở gấp, miệng không ngậm được và khóc to.
Bé Na được thăm khám tổng quát sau khi đã lấy được miếng dưa chuột ra.
Chị Ngọc nhớ lại kiến thức đã đọc, rằng nếu như con đã khóc được là đã hết hóc. Thế nhưng chị vẫn sợ con mình không giống như trong sách nói, liền quyết định gấp gáp đưa con vào bệnh viện gần nhà.
Quãng đường đi từ nhà đến bệnh viện chỉ mất 10 phút, nhưng với chị tưởng chừng như dài cả thế kỷ. 'Trên đường đi, cả hai vợ chồng mình như chết lặng, ai cũng ngây người lo sợ, chẳng ai nói với ai câu nào. Mình chỉ biết ấn nhân trung (phần rãnh môi trên thẳng từ mũi xuống) của con, con thở hổn hển, tay chân mềm nhũn lạnh ngắt... Mình khóc, không thể im lặng nổi nữa, hét lên: 'Anh ơi, con cứ há miệng!'. Chồng mình vừa lái xe vừa gọi 'Na ơi, Na ơi!''.
Miếng dưa chuột được vỗ ra lần 1 tại nhà.
Khi đến bệnh viện, bé Na được chuyển thẳng vào phòng cấp cứu. Chị Ngọc kể lại, khoảng 4-5 bác sĩ, y tá lao ra, cho bé thở oxy và thực hiện sơ cứu ngay tức khắc. Và kết quả là suy nghĩ của chị Ngọc đã đúng: Bé vẫn bị hóc, miếng dưa chuột chưa ra hết. Toàn bộ đờm và bã dưa chuột chưa được vỗ ra, cũng mắc không xuống được khiến con không thở được, không ho được. 'Bác sĩ lấy ra 2 cục đầy đờm và bã dưa chuột, dính cả sữa. 5 phút sau đó, mặt con hồng hào trở lại, bắt đầu ê a cười. Lúc đó mình mới hoàn hồn và tin con được cứu thành công, thoát khỏi tay tử thần'.
Sau khi lấy được đờm và vụn dưa chuột, bé Na được nội soi tai mũi họng, chụp phim đầy đủ và thăm khám tổng quát, kết quả không có vấn đề gì. Thế nhưng, câu chuyện này mãi mãi là một bài học nhớ đời của cả gia đình chị Ngọc.
Kết quả khám sau khi đã lấy được toàn bộ các miếng dưa chuột ra khỏi họng bé Na.
Cũng theo chị Ngọc cho biết, bé Na vốn ăn thô rất tốt vì được mẹ cho ăn dặm theo phương pháp 3 trong 1 (bao gồm BLW, ăn dặm truyền thống và ăn dặm kiểu Nhật) từ nhỏ. Bản thân chị cũng là một người mẹ tìm hiểu rất kĩ càng về các nguyên tắc an toàn khi ăn dặm, nhưng đôi khi tai nạn lại xảy ra theo những cách thật khó ngờ: 'Bé Na nhà mình là 'thần BLW' mà hôm qua còn hóc tím tái đen cả người, môi thâm đen như quả mận tây... Thế mới hiểu rằng sách vở và thực tế rất khác nhau. Dù trong sách vở có dạy cách xử lý bị hóc khi cho con ăn, nhưng bạn phải đặt mình vào hoàn cảnh đó mới hiểu được rằng tâm lý lo sợ và mất kiểm soát là có thật. Bạn có đọc 100 quyển sách mà chưa từng thực hành thì vẫn là số 0'.
Chia sẻ lại câu chuyện của mình, chị Ngọc cũng muốn gửi lời cảnh báo đến các bố mẹ khác: 'Mình mong các mẹ hay mọi người trong gia đình khi cho bé ăn BLW thì nên cho con ngồi vào bàn. Tuyệt đối không tiện cái gì là đưa cho con theo kiểu 'quen tay' dù cho con có đang chơi hay đang chạy nhảy. Bố mẹ cũng luôn phải để con trong tầm kiểm soát của người lớn vì sự việc diễn ra rất nhanh, nên dù con có BLW thành thạo tới đâu cũng không được chủ quan. Vì vậy, mỗi gia đình chọn phương pháp nào khi cho con ăn dặm đi nữa, thì cũng phải đặt sự an toàn lên hàng đầu. Đó mới là điều quan trọng hơn tất cả'.
Các nguyên tắc an toàn khi cho con ăn dặm theo phương pháp BLW
Trong trường hợp cho con ăn dặm theo phương pháp BLW, bố mẹ phải tuyệt đối phải lưu ý các nguyên tắc an toàn:
- Cho bé ngồi đúng tư thế, thoải mái (ngồi thẳng trên ghế ăn, tay dễ dàng lấy được thức ăn).
- Kiểm tra tiền sử dị ứng của gia đình trước khi cho bé ăn.
- Phân biệt rõ hóc, ọe, học kĩ năng sơ cứu hóc dị vật.
- Tuyệt đối không để bé một mình với thức ăn.
- Không cho bé ăn nguyên hạt.
- Cắt nhỏ những loại quả có lõi, hạt như ô liu hoặc anh đào ra làm hai và bỏ hạt đi. Một số loại thức ăn dễ hóc, nghẹn như xúc xích, nho cũng cần cắt nhỏ.
- Không đưa thức ăn vào miệng bé.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!